Những năm gần đây, các sản phẩm bất động sản mới xây dựng trên đất thương mại dịch vụ phục vụ du lịch đã xuất hiện trên thị trường như khách sạn (hotel), căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), nhà phố du lịch (shoptel), nhà nghỉ du lịch (hostel), nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay)… Các sản phẩm trên được gọi chung là bất động sản du lịch hoặc bất động sản nghỉ dưỡng. Mặc dù phân khúc này ngày càng phổ biến nhưng dưới góc độ pháp lý, hiện vẫn chưa có khái niệm và quy định riêng về bất động sản du lịch.
2021 là một năm đầy khó khăn với bất động sản du lịch. Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực kinh tế, gây đình trệ, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh, sản xuất của nhiều ngành và bất động sản cũng không phải ngoại lệ. Hầu hết dự án phát triển bất động sản trên cả nước đều phải dừng xây dựng, thi công vì giãn cách xã hội và đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu.
Trong các phân khúc thì bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thanh khoản của các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng gồm condotel, biệt thự biển, shophouse biển suy giảm suốt 2 năm qua. Trong đó, thị trường condotel có kỳ ngủ đông kèo dài khi nhiều tháng không có giao dịch phát sinh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sang năm 2022, bất động sản du lịch có rất nhiều cơ hội để "nổi sóng". Trước hết, ngoài những tác động tiêu cực, COVID-19 cũng làm thay đổi lối sống của người tiêu dùng, khiến ngày càng nhiều người có xu hướng đầu tư vào bất động sản du lịch, coi đó là ngôi nhà thứ hai để nghỉ dưỡng an toàn.
Ngoài ra, gần đây, ngành du lịch trong nước đang đón nhiều thông tin sáng sủa khi chiến dịch tiêm vaccine đã phủ rộng nhanh chóng tại nhiều tỉnh, thành. Du lịch lại đang là ngành được ưu tiên phục hồi với nhiều chính sách hỗ trợ ưu đãi kích cầu hấp dẫn. Tất cả những yếu tố này sẽ tạo lực cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bật dậy mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội - cho biết, năm 2022, bất động sản du lịch sẽ có nhiều chuyển biến tích cực nhờ những quy định của Luật Đầu tư sửa đổi 2020 và Luật Đất đai 2013 sửa đổi đang hoàn thiện, trong đó có những vấn đề pháp lý của bất động sản du lịch.
“Hiện nay các địa phương đang triển khai kế hoạch thích ứng an toàn trong tình hình mới, điều này đã giúp hoạt động du lịch bắt đầu ấm dần lên. Chúng ta vẫn hy vọng năm 2022, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ bứt phá và phục hồi”, ông Nguyễn Thế Điệp nói.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, bất động sản sẽ hồi phục và trỗi dậy trong năm 2022.
Ông Thịnh phân tích, hiện COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, người dân cũng dần quen sống chung với dịch, du lịch sẽ là ngành được ưu tiện phục hồi với nhiều chính sách hỗ trợ, các chương trình ưu đãi kích cầu hấp dẫn. Kéo theo đó là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng nóng lên.
Bên cạnh đó, dòng vốn hiện nay vẫn chưa chảy vào các kênh sản xuất, tiêu dùng nên vẫn sẽ vào bất động sản.
Ngoài ra, theo ông Thịnh, hiện Chính phủ đang có lộ trình mở cửa đường bay quốc tế, sẽ kích thích du lịch quốc tế trong thời gian tới ở mức giúp ngành bất động sản nghỉ dưỡng đỡ vất vả hơn trong năm 2021.
Đồng quan điểm, ông Phan Việt Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng: “Những vướng mắc pháp lý của thị trường bất động sản đang dần được tháo gỡ, năm 2022 bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ có nhiều cơ hội khởi sắc trong giai đoạn bình thường mới”.
Còn ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho rằng, kinh tế biển, kinh tế du lịch sẽ trở thành hoạt động mũi nhọn trong tương lai. Do vậy, việc phát triển dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là hướng đi đúng.
“Trong xu hướng phát triển gần đây, thị trường bất động sản nghỉ du lịch dưỡng bắt đầu xuất hiện rất nhiều tổ hợp du lịch lớn có quy mô, có nhiều chức năng đa dạng, thay thế cho những dự án nhỏ lẻ, những khách sạn hay những tòa condotel đơn độc trước đây. Những đại đô thị du lịch có chất lượng rất cao, thu hút đông đảo nhà đầu tư đang là hướng đi mới, là sự cơ cấu lại của phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng”, ông Nguyễn Văn Đính nhận định.
Cũng theo ông Đính, Việt Nam có nhiều tiềm năng du lịch, nhưng bất động sản du lịch lại chưa được phát triển đúng mức. Hiệp hội bất động sản Việt Nam thống kê có khoảng 216 dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ở 10 tỉnh thành trong năm 2020. Số lượng sản phẩm còn khiêm tốn, chưa đủ đáp ứng chỉ tiêu Chính phủ đặt ra. Theo tính toán, đến năm 2025 và 2030, Việt Nam phải đón trên 50 triệu lượt du khách quốc tế và khoảng gần 200 triệu lượt khách nội địa. Để làm được điều này, cơ sở hạ tầng phải được đầu tư mạnh, điển hình là ở Quảng Ninh, Phú Quốc, Bình Thuận, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiên...
Chuyên gia dẫn chứng cụ thể trong 216 dự án này có chưa đầy 100.000 condotel (căn hộ du lịch); villa, biệt thự nghỉ dưỡng chỉ gần 30.000 căn; dòng shophouse mới đạt khoảng 15.663 sản phẩm, trong đó mới đưa vào sử dụng chưa đầy 5.000...
Giá sản phẩm du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều so với thế giới. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư quan tâm lĩnh vực này, nhất là những "ông lớn" nước ngoài.
Bình luận