Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam Nguyễn Thanh Kỳ cho biết, Việt Nam được các nhà đầu tư nhận định có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn. Do đó, để tăng quy mô hàng hóa cho thị trường, tăng sức hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu nâng hạng, việc khuyến khích thu hút doanh nghiệp lên sàn chứng khoán tập trung trong thời gian tới là rất cần thiết.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp cũng như tổ chức phát hành chưa nắm bắt dc các quy định khi đăng ký chứng khoán niêm yết. Các doanh nghiệp muốn lên sàn trước mắt cần tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi, củng cố nội lực và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ hàng hóa. Đồng thời cần tìm hiểu kỹ và nắm rõ về các mốc thời gian trong quá trình niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường. Từ đó, gia tăng được sức mạnh, nguồn lực, thỏa mãn tốt các tiêu chuẩn để có thể niêm yết.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Đầu tư chứng khoán Việt Nam (VASB), Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SBS cho biết, thị trường chứng khoán hay bất cứ thị trường nào cũng sẽ vận hành theo đúng quy luật của nó, nếu muốn phát triển một cách lâu dài, bền vững, thì sự "thanh lọc" là khó tránh khỏi.
Hiện nay chất lượng hàng hóa, hay các quy định về niêm yết ngày càng chặt chẽ hơn, minh bạch hơn. Việt Nam đang hướng đến việc nâng cao chất lượng hàng hóa trên sàn và hoàn thiện hành lang pháp lý theo chuẩn quốc tế. Do đó, để có thể lên sàn thành công, bản thân doanh nghiệp phải sạch sẽ, minh bạch, phải chuẩn ở các khâu.
“Các chính sách về quản lý, điều hành vĩ mô đã phát huy tác dụng và thị trường đã được cải thiện về thanh khoản. Thị trường đã có nhiều hơn các phiên giao dịch quanh khoảng 20.000 tỷ đồng. Thị trường đang hướng tới mức 1.200 điểm trong thời gian ngắn phía trước. Nếu chính sách tiền tệ, tài khóa tốt có thể cho kết quả tốt đẹp ở mức 1.300 - 1.400 điểm”, ông Huỳnh dự báo.
Sau hơn 2 thập niên hình thành và phát triển, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu trên HOSE, HNX và UPCoM đến ngày 30/6/2023 đạt 5.783 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2022, tương đương 60,8% GDP ước tính năm 2022.
Thị trường cũng ghi nhận có tới 42 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD (trên 23.000 tỷ đồng). Từ 2 doanh nghiệp niêm yết đầu tiên, số lượng chứng khoán trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM tới cuối tháng 6/2023 là 1.600 doanh nghiệp HOSE (403 doanh nghiệp), HNX (332 doanh nghiệp) và UPCoM (865 doanh nghiệp).
Bình luận