• Zalo

Mong Bộ trưởng xóa các 'mảng tối giao thông'

Thời sựThứ Năm, 27/10/2011 02:30:00 +07:00Google News

(VTC News) – "Tại sao những việc như lấn chiếm vỉa hè, mãi lộ… không xóa bỏ được? Phải chăng thực hiện đầu voi đuôi chuột, để cho tiêu cực hoành hành?"

(VTC News) – Trong những ý kiến đóng góp cho kế hoạch phát triển KTXH năm 2012 và 5 năm tới, các ĐBQH góp ý cho thắt chặt đầu tư công, ưu tiên đầu tư nông nghiệp nông thôn và dành nhiều quan tâm về vấn đề giao thông.

Thảo luận kế hoạch KTXH 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển KTXH 2011, kế hoạch phát triển KTXH năm 2012 sáng nay, các ĐBQH đều ghi nhận những vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô của những tháng đầu năm 2011 đã bước đầu có chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, nhất là khu vực nông thôn, lạm phát giảm, chỉ số giá tiêu dùng thấp, ngân sách đảm bảo tiến độ kế hoạch… cho thấy sự điều hành của Chính phủ đạt được kết quả khả quan.

Cắt giảm đầu tư phải đảm bảo tính công bằng

Tuy nhiên, các ĐBQH cũng cho rằng, kết quả đạt được chỉ là bước đầu, chưa đảm bảo tính ổn định và bền vững nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường và nền kinh tế trong nước bộc lộ khó khăn ngày càng sâu sắc.

ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) nhấn mạnh, cử tri tin tưởng vào khả năng điều hành của Chính phủ, tin rằng Chính phủ nhận thức được những thách thức và sớm thoát khỏi khó khăn hiện tại để phát triển bền vững.

ĐB Tín bày tỏ, mong Chính phủ nhìn thẳng vào thực trạng hiện nay, trong đó đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở trong tình trạng nửa sống nửa chết, e rằng khó tồn tại sau 1 năm nữa. Cùng với đó, chất lượng cuộc sống một số mặt giảm đi, an toàn người dân trên đường đi, trên bàn ăn, thậm chí trong nhà mình cũng trở thành nỗi lo thường trực.

Còn ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) thì nhấn mạnh, trước mắt những giải pháp đặt ra cho 2012 cần hết sức quyết liệt, nếu không sẽ không có gì cải thiện so với năm 2011. Cũng như nhiều ĐB khác, ĐB Quang đề nghị tập trung cắt giảm đầu tư công, trong đó cắt giảm đầu tư phải đảm bảo tính công bằng chứ không cào bằng.

ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh)  
Tuy đề nghị cắt giảm đầu tư công nhưng nhiều ĐB đề nghị vẫn nên đầu tư cho nông nghiệp và phát triển nông tập trung các tỉnh nghèo để bảo đảm phát triển bền vững.

Còn ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng: “Để xác định năm 2012 ưu tiên cái gì tôi kiến nghị Chính phủ quan tâm 6 nhóm giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11, chúng ta bị bệnh triển khai thiếu đồng bộ” – ĐB này thẳng thắn.

Giao thông làm nóng nghị trường

ĐB Lê Phước Thanh (Quảng Nam) đề nghị nên đầu tư cho giao thông, đặc biệt là tại miền Trung – nơi đang rất khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão lũ lụt khiến hạ tầng giao thông chưa đồng bộ.

ĐB Thanh cho rằng, phát triển giao thông cần kết nối đầu tư liên vùng, ở miền Trung hạ tầng giao thông thấp kém nên đầu tư cho giao thông là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Chung nỗi lo lắng bức xúc về thực trạng giao thông hiện tại, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cũng lên tiếng, tai nạn giao thông đã báo động đến mức cần phải ban hành tình trạng khẩn cấp.


Theo ĐB Nga, trên 80% tai nạn giao thông do lỗi của người điều khiển phương tiện, nên kể cả đường sá có tốt cũng dễ xảy ra tai nạn, việc phạt xử phạt vi phạm cũng rất quan trọng nhưng cả 2 yếu tố này nước ta đều thực hiện kém: người dân cho việc nộp phạt là bình thường, cảnh sát thì nhận mãi lộ.


Nguyên nhân cơ bản theo ĐB Nga, pháp luật về giao thông xây dựng khá đồng bộ song thực tế không ai chịu trách nhiệm trong việc kỷ luật những trường hợp thực hiện pháp luật giao thông không nghiêm.

“Chưa có lãnh đạo nào chịu trách nhiệm vì để xảy ra tai nạn, chưa có Bộ trưởng nào bị miễn nhiệm vì việc này. Tại sao bắt buộc đội mũ bảo hiểm làm rất tốt mà lại có những việc khác như lấn chiếm vỉa hè, mãi lộ… lại thực hiện không thành công? Phải chăng quá trình thực hiện đầu voi đuôi chuột, để cho tiêu cực hoành hành?


Đu dây qua sông Poko ở Kon Tum - hình ảnh được ĐBQH cho là mảng tối giao thông cần xóa bỏ (Ảnh: VOV GT) 

Theo nữ ĐB này, do tình hình hiện đang khẩn cấp nên cần có biện pháp hành chính mạnh, cần có nghị quyết riêng để tạo căn cứ pháp lý, phải cho Hà Nội và TP.HCM cơ chế đặc thù, “nếu không ta lại nhìn 11.000 người chết vì tai nạn giao thông vào năm sau. Ta có thể huy động cả quân đội vào giải pháp (bảo đảm an toàn giao thông – PV) này như một số quốc gia. Thiểu số phải vì cộng đồng, báo chí động viên nhân dân chia sẻ với nhà nước cùng đảm bảo an toàn giao thông. Tôi cho đây là nhiệm vụ hàng đầu của Quốc hội và Chính khóa XIII” – bà Nga nhấn mạnh.


Cũng nói về giao thông, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nhắc lại hình ảnh người dân Kon Tum đu dây qua sông, người dân đu dây vượt lũ ở Quảng Bình – theo ĐB Tám thì đây là mảng tối của giao thông miền núi và Tây Nguyên.


ĐB Tám nhấn mạnh, dù giao thông có cải thiện nhưng vẫn còn mảng tối như vậy. “Cử tri phấn khởi khi biết một trong những ưu tiên của Bộ trưởng Bộ GTVT là ưu tiên cho phát triển đường bộ nên kỳ vọng nhiệm kỳ này Bộ trưởng ưu tiên xóa mảng tối này cho Tây Nguyên và miền Trung. Có thể coi đây là điều kiện đột phá cho phát triển giao thông của miền núi và Tây Nguyên” – ĐB Tám nói.


Chiều nay (27/10 ) và sáng mai (28/10) Quốc hội tiếp tục thảo luận về KTXH.


Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn