• Zalo

Mẹ đau đớn nhìn con sáng đi làm còn lành lặn, chiều về thành người khuyết tật

Lá lành đùm lá ráchThứ Năm, 15/02/2024 13:28:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Con trai gặp tai nạn trên đường đi làm về phải cưa bỏ chân trái, chị Ngọ đi vay khắp nơi vẫn chưa đủ tiền cho hai lần phẫu thuật.

Những ngày đầu năm mới, khi mọi nhà vui Tết Nguyên đán thì chị Hầu Thị Ngọ (45 tuổi, dân tộc Sán Chỉ, Thái Nguyên) một mình tất tả chạy khắp các phòng ban Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để lo thủ tục mổ cho con trai Trần Văn Hậu (26 tuổi) bị tai nạn giao thông.

Ít ngày nữa Hậu sẽ thực hiện cuộc phẫu thuật lần thứ 2, sau lần một phải cưa bỏ chân trái để bảo toàn tính mạng. Đưa tay khẽ sờ phần chân bị cắt bỏ của con trai, chị Ngọ ước đây là cơn ác mộng.

Đắp kín chăn cho con, chị Ngọ bước vội ra góc hành lang, lén lau nước mắt. Chị không muốn con nhìn thấy sự yếu đuối của mình. 

Hậu là công nhân nhà máy giấy. Cách đây nửa tháng, sau ca trực đêm Hậu đi xe máy trở về nhà thì xảy ra va chạm với ô tô. Hậu được người dân đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên.

Hậu phải cưa chân sau tai nạn. (Ảnh: Nguyễn Ngoan)

Hậu phải cưa chân sau tai nạn. (Ảnh: Nguyễn Ngoan)

Cú điện thoại của người lạ lúc 3h chiều khiến chị Ngọ đứng không vững. "Họ báo Hậu va chạm với ô tô bị dập nát chân", chị Ngọ nói. Lúc hay tin con tai nạn chị chỉ biết khóc, chồng động viên mãi mới thu dọn được chút đồ rồi chạy vội lên viện.

Đến nơi nhìn chân trái của con dập nát được băng trắng, máu thấm ướt đẫm ga giường, người mẹ gục tại chỗ.

Hậu được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ngay trong tối đó để phẫu thuật cắt bỏ chân bảo toàn tính mạng do mất máu quá nhiều. Sau 4 tiếng chờ đợi, đèn phòng phẫu thuật tắt, Hậu về phòng hồi sức, bác sĩ cho phép bố mẹ vào thăm.

Đến giường bệnh của con, dù được bác sĩ báo trước, nhưng thấy phần chân trái của Hậu không còn, chị Ngọ cắn chặt môi, nước mắt ứa ra. "Con tôi sáng đi làm còn đầy đủ hai chân, vậy mà chiều về thành người khuyết tật", chị Ngọ nghẹn ngào.

Hậu vốn là đứa trẻ ngoan, hiếu thảo. Biết gia đình khó khăn, bà nội phải chạy thận quanh năm nên cậu nghỉ học sớm, đi làm phụ bố mẹ. Xin được vào nhà máy giấy với mức lương tháng 10 triệu/tháng cả tăng ca, Hậu đều gửi hết tiền về cho mẹ lo thuốc thang cho bà và chi tiêu trong nhà, chỉ giữ lại vài trăm nghìn tiền xăng xe.

"Hậu là lao động chính, giờ đây khi tai họa ập xuống, gia đình tôi không đủ khả năng xoay xở tiền chữa trị", chị Ngọ nói và chia sẻ phải đi vay mượn khắp nơi mới được 30 triệu đồng mổ cho con lần một. Còn số tiền cho ca mổ tới chị chưa biết phải vay mượn ở đâu khi vừa mới ngày đầu xuân.

Chị Ngọ bật khóc mỗi khi nhìn thấy con. (Ảnh: Nguyễn Ngoan)

Chị Ngọ bật khóc mỗi khi nhìn thấy con. (Ảnh: Nguyễn Ngoan)

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, chấn thương sọ não, gãy hở xương đùi trái, tay trái.

“Tình trạng bệnh nhân khá nặng, được chỉ định mổ cấp cứu cắt chi tổn thương để bảo vệ cơ thể”, bác sĩ Tuấn Anh nói và cho biết sau phẫu thuật Hậu thoát khỏi tình trạng sốc cấp cứu, tuy nhiên cổ xương đùi còn gãy nên phải thực hiện thêm một cuộc phẫu thuật để xử lý.

Theo bác sĩ Anh, khi bệnh nhân ổn định tại ngoại khoa sẽ được chuyển sang điều trị phục hồi chức năng. Dự kiến sau 3 đến 6 tháng tập luyện, người bệnh có thể lắp chân giả.

“Hậu còn trẻ đã phải cắt cụt chân, ảnh hưởng đến khả năng vận động và làm việc sau này. Thời gian điều trị dài, tốn kém cho gia đình, mong cộng đồng có thể hỗ trợ gia đình một phần chi phí”, bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ.

Nguyễn Ngoan
Bình luận
vtcnews.vn