• Zalo

Mảnh vỡ từ tên lửa khổng lồ của Trung Quốc rơi không kiểm soát về Trái Đất

Khám pháThứ Tư, 27/07/2022 09:01:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Các mảnh vỡ từ tên lửa đẩy Trường Chinh 5B của Trung Quốc đang rơi tự do trở về khí quyển Trái Đất sau vụ phóng thành công hôm 24/7.

CNN dẫn thông báo của Bộ Tư lệnh không gian Mỹ cho biết, các mảnh vỡ còn sót lại của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B được phóng lên không gian ngày 24/7 đang rơi tự do trở về khí quyển Trái Đất. Hiện chưa thể xác định vị trí chính xác mà các mảnh vỡ của tên lửa sẽ rơi xuống.

Theo Bộ Tư lệnh không gian Mỹ, các mảnh vỡ của tên lửa Trung Quốc sẽ rơi xuống Trái Đất vào đầu tuần tới.

"Đây là vật thể kim loại nặng 20 tấn. Dù nó sẽ vỡ thành nhiều mảnh khi đi vào khí quyển, nhưng sẽ có mảnh vỡ lớn rơi xuống mặt đất", Michael Byers, giáo sư Đại học British Columbia, cảnh báo.

Mảnh vỡ từ tên lửa khổng lồ của Trung Quốc rơi không kiểm soát về Trái Đất - 1

Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B trong sứ mệnh đưa modul phòng thí nghiệm Vấn Thiên lên trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc ngày 24/7. (Ảnh: China News Service)

Giáo sư Byers giải thích rằng các mảnh vỡ không gian gây ra rủi ro cực kỳ nhỏ với con người, nhưng có thể gây ra thiệt hại ngoài tầm kiểm soát nếu chúng rơi xuống khu vực người sinh sống. Việc các quốc gia đẩy mảnh chương trình nghiên cứu không gian đang tạo ra nhiều nguy cơ hơn từ các mảnh vỡ không gian so với trước đây, đặc biệt là các khu vực ở Nam bán cầu.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Astronomy , với các mảnh vỡ từ tên lửa đẩy có khả năng rơi xuống các vĩ độ ở Jakarta, Dhaka và Lagos cao hơn gấp ba lần so với New York, Bắc Kinh hoặc Moskva.

Holger Krag, Giám đốc văn phòng rác vũ trụ thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu, cho biết các mảnh vỡ từ tên lửa Trung Quốc sẽ rơi xuống khu vực nằm trong phạm vi từ 44 độ vĩ Bắc tới 44 độ vĩ Nam. Vị trí chính xác nơi các mảnh vỡ rơi xuống chỉ có thể được xác định trong những giờ cuối cùng.

Thông thường, sau khi tên lửa sử dụng hết tất cả nhiên liệu ở tầng đầu tiên, bộ phận này sẽ tách ra để giảm bớt trọng lượng và rơi trở lại Trái Đất. Chúng luôn bốc cháy trong lúc lao qua khí quyển ở tốc độ cao. Tuy nhiên, tên lửa Trường Chinh 5B kích thước cực lớn, cao gần 54 m và nặng gần 816.500 kg.

Mảnh vỡ từ tên lửa khổng lồ của Trung Quốc rơi không kiểm soát về Trái Đất - 2

Cấu tạo của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B. (Ảnh: BBC)

Tầng đầu tiên của Trường Chinh 5B sẽ vỡ ra khi đạt độ cao theo thiết kế nhưng kinh nghiệm trước đây cho thấy phần lõi tên lửa dài 30 m có thể đâm xuống đất ở tốc độ vài trăm kilomet mỗi giờ, theo Jonathan McDowell, nhà thiên văn học ở Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian.

Tàu vũ trụ càng lớn, số lượng mảnh vỡ rơi qua khí quyển càng nhiều, đặc biệt bộ phận làm từ vật liệu chịu nhiệt.

"Rất khó đánh giá khối lượng còn sót lại và số lượng mảnh vỡ nếu không biết rõ thiết kế của vật thể, nhưng tỷ lệ ước tính vào khoảng 20 - 40% khối lượng khô ban đầu", ông Holger Krag cho biết.

Còn theo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) khả năng mảnh vỡ rơi xuống khu dân cư rất thấp, nguy cơ con người bị mảnh rác vũ trụ rơi trúng chỉ vào khoảng 1/3200. Tên lửa có thể được thiết kế để tự rơi khỏi quỹ đạo, đáp xuống một khu vực định sẵn không gây thương tích cho con người hoặc thiệt hại về tài sản.

Theo người phát ngôn Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, họ sẽ theo dõi quá trình rơi trở lại Trái đất của tên lửa Trung Quốc.

Mỹ và một số quốc gia từng đề nghị Trung Quốc có phương án xử lý đúng cách các mảnh vỡ của lõi tên lửa đẩy sau khi phóng chúng lên không gian, theo CNN.

Năm ngoái, Trung Quốc bị chỉ trích vì một sự kiện tương tự. Mảnh vỡ từ các tên lửa của Trung Quốc rơi xuống khu vực Ấn Độ Dương gần Maldives khoảng 10 ngày sau khi phóng.

Năm 2021, lõi tên lửa của Trung Quốc nặng gần 20 tấn rơi tự do vào khí quyển, ngang qua hai thành phố lớn của Mỹ là Los Angeles và New York, trước khi rơi xuống Đại Tây Dương.

Hiện Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) vẫn chưa đưa ra bình luận nào về thông tin này.

Rạng sáng ngày 24/7, Trung Quốc phóng thành công tên lửa Long March 5B nặng 23 tấn từ đảo Hải Nam. Tên lửa này đưa modul phòng thí nghiệm Vấn Thiên lên trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc đang bay trên quỹ đạo quanh Trái Đất.

Đây là modul thí nghiệm đầu tiên của Thiên Cung, tức nơi thực hiện các thí nghiệm khoa học trong vũ trụ, đồng thời đóng vai trò dự phòng cho module lõi Thiên Hòa.

Trà Khánh(Nguồn: CNN)
Bình luận
vtcnews.vn