• Zalo

Lý do các nước châu Âu đổ xô sắm tiêm kích tàng hình F-35

Quân sựThứ Tư, 09/02/2022 08:33:44 +07:00Google News

Với nhiều quốc gia ở lục địa già, quyết định lựa chọn F-35 còn bao gồm yếu tố địa chính trị, chứ không chỉ về khả năng hoạt động hay tiềm lực tài chính.

Tháng 12/2021, Phần Lan thông báo nước này sẽ mua 64 máy bay F-35A Lightining II từ Lockheed Martin trị giá 11,4 tỷ USD để thay thế phi đội F/A-18 Hornets.

Mặc dù phải tới năm 2026, những chiếc F-35 đầu tiên mới được bàn giao, nhưng đây là vụ mua sắm quân sự lớn nhất của Helsiki từ trước tới nay và cũng là một trong những vụ mua sắm lớn nhất ở châu Âu.

Lý do các nước châu Âu đổ xô sắm tiêm kích tàng hình F-35 - 1

Máy bay F-35B của Italy, Anh và Mỹ trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh ở Biển Địa Trung Hải ngày 20/11/2021. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh)

Trước đó, tháng 6/2021, Thụy Sỹ thông báo mua 36 máy bay F-35A trong thỏa thuận trị giá 5,5 tỷ USD và tuyên bố “hệ thống toàn diện, cực kỳ mạnh mẽ và hoàn toàn mới của F-35 sẽ giúp bảo vệ và giám sát không phận” nước này.

Phần Lan không phải là thành viên NATO nhưng có hợp tác với các nước trong NATO và là một thành viên Liên minh châu Âu (EU). Phần Lan chiến đấu trong 2 cuộc chiến tranh với Liên Xô trong thế kỷ 20 nhưng hiện tại có mối quan hệ hợp tác với Nga. Hai nước có chung đường biên giới dài 1.335km.

Trong chuyến thăm Phần Lan tháng 10/2021, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, Phần Lan là một trong những đối tác thân cận nhất của NATO.

“Chúng tôi có các giá trị chung, có các thách thức an ninh chung và do đó, việc NATO và Phần Lan hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề quan trọng là điều hoàn toàn dễ hiểu”, ông Stoltenberg nói.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh “cánh cửa của NATO vẫn để ngỏ” nếu Phần Lan quyết định gia nhập khối liên minh quân sự này. Tuy nhiên, việc trở thành thành viên NATO không được dư luận cũng như một số lãnh đạo chính trị Phần Lan ủng hộ.

“Tia chớp” trên bầu trời châu Âu

Ngoài Phần Lan và Thụy Sỹ, Bỉ, Ba Lan, Đan Mạch, Italy, Na Uy, Anh và Hà Lan cũng đang vận hành các biến thể F-35 hoặc đang chờ bàn giao máy bay thế hệ thứ năm.

Đan Mạch, Italy, Na uy, Anh và Hà Lan là những nước nằm trong chương trình sản xuất F-35. Thổ Nhĩ Kỹ cũng là một đối tác chủ chốt nhưng đã bị loại khỏi chương trình này sau khi mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Video: F-35 hạ cánh trên tàu sân bay HMS Elizabeth của Anh, tháng 10/2019

Hy Lạp cũng bày tỏ quan tâm tới máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Lockheed Martin.

Mới đây nhất, ngày 2/2 vừa qua, Tổng thống Romania Klaus Iohannis bày tỏ nước này có ý định mua F-35.

Khả năng hoạt động đa nhiệm khiến F-35 trở thành mẫu máy bay phổ biến đối với nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Âu.

F-35 có thể tấn công trên không cũng như tấn công mặt đất, có khả năng thực hiện nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát (ISTAR) giúp tăng hiệu quả của các đơn vị không quân, hải quân và mặt đất bằng cách cung cấp dữ liệu chiến trường có giá trị trong thời gian thực.

Khả năng sống sót của F-35 được tăng lên nhờ tính năng tàng hình. Máy bay có các giá treo vũ khí bên trong để hoạt động ở chế độ hình tàng hình.

Ở “chế độ Quái thú”, F35 có thể mang 4 quả bom dẫn đường bằng laser GBU-12 nặng 226kg trên cánh, 2 bom  GBU-12 trong khoang chứa vũ khí bên trong và 1 tên lửa tầm nhiệt không đối không AIM-9.

Bên cạnh những khả năng ấn tượng, F-35 được xem như khoản đầu tư tiết kiệm. Thông thường, chi phí của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm thấp hơn chi phí của máy bay thế hệ thứ tư. Thụy Sĩ cũng viện dẫn giá cả là một yếu tố trong quyết định mua F-35.

Tuy nhiên, chi phí vận hành và bảo trì máy bay là rất lớn. Lớp phủ tàng hình của F-35 phải được sơn lại sau mỗi chuyến bay. Một giờ bay F-35 hiện có giá 36.000 USD, mặc dù Lockheed Martin muốn giảm con số này xuống 25.000 USD/giờ bay. Trong khi đó, F-16 có giá 22.000 USD/giờ bay.

Đối phó mối đe dọa từ Nga?

Với nhiều nước châu Âu, quyết định lựa chọn F-35 còn mang tính địa chính trị chứ không chỉ vì khả năng hoạt động và tiềm lực tài chính, đặc biệt là trước các hành động của Nga trong những năm gần đây.

Lý do các nước châu Âu đổ xô sắm tiêm kích tàng hình F-35 - 2

2 máy bay F-18 Hornets của Phần Lan (bên trái) bay cùng 2 máy bay F-35 của Không quân Mỹ ngày 13/6/2019. (Ảnh: Không quân Mỹ)

Việc mua sắm số lượng lớn loại máy bay tiên tiến như F-35 cũng thường  dẫn tới việc hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ, như thông qua chương trình đào tạo phi công và bảo trì. Việc sử dụng cùng hệ thống cũng cải thiện khả năng phối hợp hoạt động quân sự với Mỹ. Những yếu tố này có thể xem như sự răn đe đối với Nga.

Hiện chưa rõ F-35 sẽ hoạt động như thế nào trước S-400 của Nga. Lo ngại về việc lộ bí mật hệ thống máy bay thế hệ thứ năm đã dẫn tới việc Mỹ quyết định loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35.

Dù vậy, không phải tất cả các nước châu Âu mua F-35 đều coi Nga là mối đe dọa.

Tháng 12/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan nói rằng ông không thấy có hoạt động nào liên quan đến “vùng lân cận” của Phần Lan và “không có mối đe dọa quân sự nào nhắm vào Phần Lan”.

Phần Lan đã răng cường khả năng sẵn sàng về mặt quân sự trong những tuần gần đây. Một quan chức nước này nói rằng, dù không có mối đe dọa trực tiếp nào những vẫn có rủi ro từ các hành động quân sự hiện nay.

“Càng có nhiều hành động quân sự, cho dù đó chỉ là một hoạt động vô hại, rủi ro xảy ra sự cố sẽ càng cao”, quan chức này nhấn mạnh.

Hoàng Phạm(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn