Căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang leo thang tới mức độ căng thẳng chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh Lạnh, liên quan vấn đề Ukraine, EU và Mỹ trừng phạt Nga với các cáo buộc đầu độc cựu điệp viên Skripal ở Anh và can thiệp bầu cử Mỹ.
Mới đây, chỉ huy lực lượng hải quân Mỹ ở châu Âu, James G. Foggo III nói rằng Nga đang tăng cường hiện diện ở Bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương.
"Họ để chúng tôi biết rằng họ đang ở ngoài đó. Họ hoạt động với số lượng nhiều hơn và tới những nơi họ chưa hoạt động trước đây", ông Foggo cho hay.
NATO tất nhiên muốn đáp trả tín hiệu này và gửi đi thông điệp của chính mình.
Chiến lược săn tàu ngầm Nga
Ông Foggo ước tính Nga hiện có khoảng 40 tàu ngầm chiến đấu, hơn 20 chiếc trong số đó đang trong biên chế của Hạm đội Phương Bắc có khả năng hoạt động ở Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực.
Để theo dõi các tàu ngầm Nga, NATO tăng cường thực hiện các chuyến bay tuàn tra từ bên ngoài một căn cứ Mỹ mới được "hồi sinh" tại Sân bay Quốc tế Keflavik ở Iceland. Tổng cộng 153 chuyến bay đã được thực hiện từ căn cứ này trong năm 2017, gấp gần 8 lần so nằm 2014 với chỉ 21 chuyến bay được ghi nhận.
Được thành lập từ năm 1951, căn cứ quân sự Mỹ ở Iceland đã bị ngưng hoạt động vào năm 2006 khi NATO chuyển trọng tâm từ Nam Âu đến Địa Trung Hải. Nhưng mối đe dọa tới từ một nước Nga đang hồi sinh mạnh mẽ và các đội tàu ngầm hùng mạnh của Matxcơva khiến Washington phải đưa quân trở lại đảo quốc nằm giữa Greenland và Vương quốc Anh.
Để đi từ các căn cứ Bắc Cực của Nga tới Đại Tây Dương, các tàu ngầm Nga buộc phải đi qua Iceland.
Nga từng khẳng định mục đích của triển khai hạm đội tàu ngầm là phòng thủ và bảo vệ an ninh của đất nước, chống lại bất cứ kẻ thù nào từ các đòn tấn công tới từ nhiều hướng. Đô đốc Vladimir Komoyedov, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Hạ viện Nga từng thừa nhận hạm đội tàu ngầm "chất lượng cao nhưng còn tương đối ít ỏi" của Nga vẫn chưa thể đối chọi được với đội tàu với số lượng đông đảo của NATO.
Tuy nhiên, Carl Schuster, cựu thuyền trưởng hải quân Mỹ cho rằng mối đe dọa vẫn luôn hiện hữu khi Nga mở rộng khu vực hoạt động tại thời điểm các nước NATO đã giảm số lượng cũng như hoạt động của các đội tàu. Ông này khẳng định đây là một vấn đề đặc biệt phải lưu tâm khi mà NATO đã ngó lơ và chỉ thực sự nhận ra thực trạng này thời gian gần đây sau một thời gian dài dồn sức cho các vấn đề khác.
''Nga đang ngày càng nguy hiểm hơn''
Ông Foggo thừa nhận thế hệ tàu ngầm mới của Nga đang nguy hiểm hơn nhiều so với trước đây. Đặc biệt là các tàu ngầm lớp Borei.
Các tàu ngầm này hoạt động bằng nhiên liệu hạt nhân và có khả năng lặn sâu tối đa lên đến 480m dưới mực nước biển. Mỗi tàu được trang bị từ 16 - 20 tên lửa liên lục địa thế hệ mới Bulava mà NATO gọi là SS-NX-30.
Lớp tàu Borei được đánh giá là xương sống của lực lượng ngăn chặn hạt nhân dưới nước của Nga, tương tự lớp Ohio của Mỹ.
Video: Tàu ngầm Nga dội tên lửa diệt IS từ Địa Trung Hải
Không chỉ phát triển lớp tàu mới, Nga đang trong quá trình hiện đại hóa các tàu ngầm cũ với sức mạnh đã được chứng minh trong quá khứ, như các tàu lớp Kilo sử dụng động cơ diesel – điện. Lớp tàu hiện có thể hoạt động dưới nước lâu hơn, có khả năng mang 4 tên lửa hành trình và từng góp công không nhỏ trong các chiến dịch diệt các mục tiêu IS tại Syria.
"Từ bất cứ nơi nào tàu ngầm Nga hoạt động, họ đều có thể nhắm tới bất cứ thủ đô nào ở châu Âu. Họ có thể thực hiện được điều đó hay không lại là chuyện khác, nhưng dù sao chúng ta cũng phải biết họ đang ở đâu", ông Foggo cảnh báo.
Ván cờ đại dương
Mỹ đang chi tới 34 triệu USD để nâng cấp căn cứ tại Keflavik, điều này sẽ giúp hải quân Mỹ triển khai các trinh sát cơ P-8 Poseidon và các máy bay chống ngầm thường xuyên hơn.
Nhưng ngay cả với các máy bay phản lực 2 động cơ thường xuyên làm nhiệm vụ giám sát ở Bắc Đại Tây Dương, việc tìm kiếm tàu ngầm Nga cũng không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
"Biển cả rộng lớn, bao la. Đó là một ván cờ giữa chỉ huy tàu ngầm và tất cả các khí tài đang tìm kiếm anh ta", Rick Dorsey, điều phối viên chiến thuật cho một trong các đơn vị P-8 của Mỹ hoạt động ở Iceland nhận định. ''Nó đòi hỏi một sự kết hợp từ nhiều đơn vị khác nhau. Các tàu và máy bay của chúng tôi phải phối hợp với nhau và chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các quốc gia khác để nắm được bức tranh toàn cảnh", điều phối viên này nói.
Ông Foggo trong khi đó ca ngợi việc Anh và Na Uy đã mua lại những chiếc P-8, đồng thời kêu gọi các thành viên NATO phải đầu tư hơn nữa vào nghiên cứu và phát triển kỹ thuật để nắm giữ lợi thế khi cạnh tranh với Nga.
"Chúng tôi phải tiếp tục thách thức họ bất kể họ ở đâu và phải biết được họ ở đâu", ông Foggo một lần nữa tuyên bố.
Bình luận