• Zalo

Lo ngại buôn bán bất động sản ảo

Kinh tếThứ Ba, 11/03/2014 07:49:00 +07:00 Google News

(VTC News)- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách lo ngại việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai sẽ gây nên hiện tượng kinh doanh ảo.


Kinh doanh bất động sản tương lai
Dự thảo luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai. Trước đây, các doanh nghiệp chỉ được cho thuê, cho thuê mua bất động sản đã có sẵn như quy định hiện hành.

 Dự thảo luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai.

Lo ngại điều này sẽ gây nên hiện tượng kinh doanh ảo, ông Phùng Quốc Hiển- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng cần cân nhắc giữ như luật hiện hành.
Ông Hiển cũng nêu lên một thực tế hiện nay một số dự án bất động sản tương lai tương đối mờ mịt, nhiều trường hợp, người nộp tiền khi xảy ra tranh chấp cũng không biết đòi tiền ở đâu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hiền - Trưởng ban Dân nguyện góp ý, cần có quy định rất rõ để người tham gia dự án phải có quyền giám sát quá trình hình thành bất động sản trong tương lai.
Cũng có cùng lo ngại hình thức mua bán, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai rất dễ nảy sinh tranh chấp, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần có các quy định chặt chẽ về vấn đề này, nhất là các quy định liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua, thuê, thuê lại, thuê mua bất động sản.
Lắng nghe những ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng đồng tình và cho rằng cần có quy định chế tài chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi người mua. Ông Dũng cũng đưa ra ví dụ doanh nghiệp phá sản thì ai bảo vệ quyền lợi người mua.
Chưa bỏ giao dịch qua sàn
Về sàn giao dịch bất động sản, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lưu ý, cần xem xét kỹ trước khi bỏ quy định các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tán thành không bắt buộc giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản. Quy định này chỉ làm tăng thêm tổ chức kinh doanh dịch vụ trung gian, tăng thêm thủ tục, chi phí, giá bất động sản “ảo”.
Ông Phùng Quốc Hiển- Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách của Quốc hội đồng ý với việc không bắt buộc các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải bán và chuyển nhượng, cho thuê và cho thuê mua bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản.
Góp ý vào Dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng sàn giao dịch bất động sản để minh bạch hàng hóa, đảm bảo chất lượng hàng hóa chứ không phải là nơi để môi giới.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng sàn giao dịch bất động sản là biểu hiện bậc cao trong giao dịch, rất văn minh vì thế không nên bỏ mà cần giữ như Luật hiện hành và bổ sung thêm các quy định để quản lý chặt chẽ.
Đồng ý với quan điểm này ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị xem xét thật kỹ, tránh việc khi cần qua sàn thì nói đó là việc rất tốt, khi muốn bỏ thì lại nói ngược lại.
Mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau.
Nhiều ý kiến tán thành với quy định “Đối tượng được mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua bất động sản của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua các loại bất động sản”.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, cần có các quy định chặt chẽ để đảm bảo quản lý nhà nước về bất động sản. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh bất động sản để phù hợp với từng đối tượng kinh doanh.
Theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam, khái niệm người gốc Việt Nam là rất rộng, có những trường hợp như người nước ngoài nên cũng cần phải lưu ý làm rõ.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh bất động sản theo 4 hình thức: đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất thuê để cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật; thuê quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật để cho thuê lại.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Dũng cho rằng dự thảo luật chưa mở rộng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua và đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất được giao…vì Luật Đất đai 2013 chưa cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Giới hạn này được cơ quan thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện thêm dự án luật để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
 
Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc sáng nay (10/3) và kéo dài đến hết ngày 14/3, UBTVQH sẽ tiếp tục cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Ngoài ra, UBTVQH xem xét, cho ý kiến là về việc chuẩn bị kỳ họp Quốc hội thứ 7 và phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014 - 2016 cho các dự án dự kiến hoàn thành năm 2014 - 2015. Ở mảng công tác lập pháp, các dự án luật sẽ được UBTVQH cho ý kiến lần đầu gồm: dự án luật Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Luật Căn cước công dân, Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi).
Bình luận
vtcnews.vn