• Zalo

Liệu Nhà Trắng đã công khai hết toàn bộ hồ sơ vụ ám sát Tổng thống Kennedy?

Tư liệuThứ Hai, 17/07/2023 16:55:18 +07:00 Google News
(VTC News) -

Nhà Trắng hồi tháng trước đã hoàn tất việc công bố tất cả hồ sơ liên quan đến vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy, song nhiều người vẫn hoài nghi về tuyên bố này.

Vào ngày 22/6/1962, một quan chức tình báo Mỹ đã soạn thảo một bản ghi tóm tắt bức thư bị chặn giữa Lee Harvey Oswald – kẻ ám sát Tổng thống John F. Kennedy – và mẹ của anh ta. Bản ghi này đã được công khai từ lâu. Tuy nhiên trong suốt 60 năm, tên của người chặn thư luôn được giữ bí mật.

Theo một bản sao không qua chỉnh sửa của bản ghi được chính phủ Mỹ công bố gần đây, quan chức đã chặn bức thư của Oswald cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vài tháng trước khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát tên là Reuben Efron.

Thông tin này liệu có thể trở thành đầu mối giúp làm sáng tỏ một âm mưu phức tạp mà Chính phủ đã tìm cách che đậy trong nhiều thập kỷ? Bằng chứng bổ sung đã khiến nhiều người hoài nghi rằng CIA biết nhiều về Oswald hơn những gì ban đầu tổ chức này khẳng định. Liệu một chi tiết nhỏ bị giữ kín suốt thời gian qua vì những mệnh lệnh quan liêu có làm thay đổi kết luận Oswald là tay súng duy nhất đã ra tay ám sát JFK hay không?

Tổng thống John F. Kennedy và phu nhân Jacqueline Kennedy lái xe từ sân bay đến Dallas vào ngày 22/11/1963. Ông bị ám sát vào cuối ngày hôm đó. (Ảnh: New York Times)

Tổng thống John F. Kennedy và phu nhân Jacqueline Kennedy lái xe từ sân bay đến Dallas vào ngày 22/11/1963. Ông bị ám sát vào cuối ngày hôm đó. (Ảnh: New York Times)

Bí ẩn về Reuben Efron, người đã qua đời từ 3 thập kỷ trước, có thể không bao giờ thỏa mãn được các chuyên gia nghiên cứu vụ ám sát này. 30 năm sau khi Quốc hội Mỹ ra lệnh công khai các giấy tờ liên quan đến vụ ám sát đi kèm với một số ngoại lệ hạn chế, Tổng thống Biden cuối tháng 6 vừa qua tuyên bố rằng Cơ quan Lưu trữ Quốc gia đã hoàn thành việc xem xét các hồ sơ được phân loại trong vụ ám sát JFK và công bố cho công chúng. Song, ông khuyến nghị rằng một số ít vẫn nên được giữ lại để xem xét.

Tuyên bố của Nhà Trắng rằng “99% hồ sơ đã được công bố” đã bị nhiều chuyên gia nghiên cứu về vụ ám sát cố Tổng thống Kennedy chế giễu bởi họ cho thông tin này chưa chính xác.

“Thật là một điều xúc phạm đối với bất kỳ ai quan tâm đến sự thật trong vụ án này khi Nhà Trắng đã cố tình công bố nó vào tối thứ Sáu, trước kỳ nghỉ cuối tuần dài. Mọi người đều cho rằng tất cả các hồ sơ này lẽ ra nên được công bố từ lâu”, Gerald Posner, tác giả của cuốn sách “Case Closed: Lee Harvey Oswald and the Assassination of JFK” (Tạm dịch: “Kết thúc vụ án: Lee Harvey Oswald và vụ ám sát JFK”) nói với trang trang tin The Messenger.

Jefferson Morley, biên tập viên của blog JFK Facts và là tác giả của một số cuốn sách về CIA, cho biết việc công bố danh tính của Reuben Efron muộn màng cho thấy các cơ quan tình báo vẫn còn điều gì đó giấu công chúng Mỹ.

“Nếu họ giấu tên của gã này trong 61 năm và họ vẫn đang giấu những thứ khác, tôi tin rằng họ vẫn đang giấu các nguồn tin xung quanh Oswald. Tại sao thông tin về gã này lại được giữ bí mật trong 61 năm? CIA đang cố gắng đóng sập cửa cánh cửa của vụ án và Tổng thống Biden đã đồng ý với điều này”, ông Morley nói

Trong khi đó, tác giả Gerald Posner lại nghi ngờ vẫn còn “một khẩu súng đang bốc khói” trong các hồ sơ còn lại: “Mọi người đều tập trung vào các tài liệu CIA được giữ kín. Những gì chúng tôi biết được từ các hồ sơ của CIA được công bố trong năm nay là chúng không liên quan gì đến vụ ám sát, hoặc chỉ liên quan một cách trực tiếp”.

Ông Posner cũng tán thành rằng quyết định của Tổng thống Biden là “sự thoái thác trách nhiệm theo luật năm 1992”. Theo đạo luật được Quốc hội Mỹ nhất trí thông qua, tất cả các hồ sơ liên quan đến vụ ám sát JFK phải được tiết lộ công khai trước ngày 26/10/2017. Theo luật, chỉ có tổng thống mới có thể xác lập một số hạn chế do lo ngại về an ninh quốc gia, từ đó mới có thể hoãn công bố tài liệu. Song, dựa vào điều kiện này, nhiều tổng thống đã sử dụng quyền hạn đó để trì hoãn việc công bố tài liệu.

Trong số khoảng 320.000 tài liệu được xem xét kể từ khi luật được thông qua, 99% đã được tiết lộ, theo Cục Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, 2.140 tài liệu vẫn bị giữ lại toàn bộ hoặc một phần theo chỉ đạo của ông Biden. 2.502 tài liệu khác cũng bị giữ lại vì lý do nằm ngoài tầm kiểm soát của tổng thống như: theo lệnh của tòa án, đảm bảo quy tắc bảo mật của đại bồi thẩm đoàn, giới hạn quyền riêng tư về thuế hoặc bảo vệ danh tính của những người đã đóng góp tài liệu.

Các quan chức cho biết phần lớn các tài liệu đã thực sự được công bố nhưng một số phần đã được biên tập lại, trong đó bao gồm tên của những người vẫn còn sống, địa chỉ, số điện thoại, số An sinh xã hội hoặc địa điểm của các cơ sở tình báo. Các quan chức cho biết họ tin tưởng rằng không có thông tin nào được giữ lại sẽ thay đổi sự hiểu biết cơ bản về vụ ám sát.

Mặc dù tuyên bố ngày 30/6 của Tổng thống Biden đồng nghĩa với việc chính quyền Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ, song các cơ quan lưu trữ đã thiết lập “kế hoạch minh bạch” để các tài liệu còn lại có thể được công bố trong tương lai, chẳng hạn như sau cái chết của một người có danh tính được bảo vệ.

Mary Ferrell Foundation, tổ chức đã kiện chính phủ Mỹ về các hồ sơ, đã tìm kiếm một lệnh chống lại ông Biden sau tuyên bố mới nhất của ông về công bố hồ sơ JFK. Tuy nhiên, thẩm phán của Tòa án quận liên bang ở Bắc California đã bác bỏ yêu cầu của vụ kiện này.

Lawrence Schnapf, luật sư của tổ chức này, đã tố cáo hành động của ông Biden: “Tôi thật không hiểu nổi một người đàn ông có bức tượng bán thân của RFK trong văn phòng của mình và cũng là người đã bỏ phiếu cho luật, lại nhượng bộ trước những tuyên bố khó tin của cơ quan an ninh quốc gia rằng hồ sơ 60 năm tuổi có thể gây rủi ro cho quốc gia nên chúng không thể được công bố”.

Bộ Tư pháp Mỹ từ chối bình luận nhưng khẳng định trong hồ sơ của mình rằng chính phủ đã tuân thủ luật pháp. CIA không trả lời các yêu cầu bình luận. Phát ngôn viên của Nhà Trắng Adam Hodge cho biết: “Việc xem xét các hồ sơ theo yêu cầu của Quốc hội đã được hoàn thành và việc thiết lập kế hoạch minh bạch sẽ giúp thực hiện cam kết của tổng thống nhằm tối đa hóa sự minh bạch liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Kennedy”.

Robert F. Kennedy Jr., ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, gần đây cho biết chính phủ đã dàn dựng “60 năm che đậy” về vụ sát hại chú của ông. Hồi tháng 5, ông phát biểu trên một chương trình truyền hình rằng: “Có rất nhiều bằng chứng cho thấy CIA có liên quan đến vụ ám sát. Tôi nghĩ rằng tại thời điểm này, sự nghi ngờ đó là hoàn toàn hợp lý”.

Về phần mình, ông Trump hôm 7/7 đã thề sẽ giải mật và hủy niêm phong tất cả các tài liệu liên quan đến vụ ám sát cố Tổng thống John F. Kenedy nếu tái đắc cử. “Khi tôi trở lại Nhà Trắng, tôi sẽ giải mật và hủy niêm phong tất cả các tài liệu liên quan đến vụ ám sát JFK. Đã 60 năm trôi qua, đã đến lúc người dân Mỹ phải biết sự thật!”, cựu Tổng thống Donald Trump viết trên nền tảng truyền thông Truth Social.

Ông Trump nhắc lại lời hứa công bố các hồ sơ mật còn lại liên quan đến vụ ám sát cố Tổng thống John F. Kennedy, mặc dù thực tế là ông đã không làm như vậy khi có cơ hội trong thời gian tại vị suốt bốn năm. Thay vào đó, ông Trump đã đứng về phía Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trong việc tiếp tục che giấu một số hồ sơ trước công chúng.

Phương Thảo(Nguồn: The New York Times)
Bình luận
vtcnews.vn