Từ lâu, người ta luôn nhìn nhận rằng vẻ đẹp nữ giới phải gắn liền với mái tóc mượt óng ả. Tùy vào từng thời đại và vùng miền mà có tiêu chuẩn khác nhau như vàng, đen,....
Caterina Gentili, nghiên cứu sinh tại Trung tâm Nghiên cứu về Ngoại hình ở Anh cho biết: “Trong suốt chiều dài lịch sử, chúng ta nhìn nhận giá trị một người qua mái tóc. Đây chỉ là một phương diện mà cơ thể phụ nữ bị đem ra bàn tán xem có đáng được để mắt tới hay không".
Trong vài chục năm trở lại đây, "các sản phẩm tạo màu tóc đã trở thành công cụ quan trọng để phụ nữ giữ được vẻ ngoài và bảo vệ họ khỏi một trong những điều kị nhất: Tuổi già", Gentili nói.
Đến năm 2025, thị trường sản phẩm nhuộm tóc trên thế giới dự kiến đạt 28 tỷ USD, tăng hơn 8% so với 17,8 tỷ USD năm 2019. Điều này cho thấy nhu cầu sản phẩm nhuộm tóc tiếp tục tăng mạnh.
Nhuộm tóc bằng đỉa và axit sunfuric
Thời kỳ đầu của nhuộm tóc, cả nam và nữ đều nhằm mục đích cải thiện ngoại hình hoặc che tóc bạc. Các nền văn minh cổ đại sử dụng chất tạo màu tóc thô sơ, dựa trên các công thức bao gồm vỏ cây cassia, tỏi tây, đỉa, trứng cháy, lá móng - vẫn thường được sử dụng trên khắp Trung Đông và Ấn Độ - và thậm chí cả bột vàng.
Người Hy Lạp cổ đại ưa chuộng màu vàng và vàng đỏ, màu sắc gắn liền với Aphrodite, nữ thần của tình yêu, sức khỏe và sự trẻ trung. Cũng như vậy, gái mại dâm cao cấp ở Hy Lạp và La Mã cũng chọn màu tóc vàng để tạo nên sự gợi cảm.
Mãi tới tận thời Trung cổ ở châu Âu, nhuộm tóc mới bắt đầu trở thành thói quen riêng của phụ nữ. Chất tẩy trắng thường được pha trộn giữa hoa nghệ tây và thận bê. Chất này rất thịnh hành dù người Công giáo La Mã cho rằng mái tóc vàng gắn với sự lẳng lơ.
Thuốc nhuộm màu đỏ thường là hỗn hợp của nghệ tây và bột lưu huỳnh. Loại này rất phổ biến dưới triều đại nữ hoàng Elizabeth I của Anh vào thế kỷ 16 dù bột lưu huỳnh có thể gây chảy máu cam và đau đầu. Màu tóc đỏ cũng được yêu thích ở Italy nhờ họa sĩ Titian thời Phục hưng luôn vẽ các mỹ nữ với màu tóc vàng đỏ.
Thế kỷ 18, giới quý tộc châu Âu thích rắc các loại bột thơm màu trắng làm từ bột mì lên cả tóc thật và tóc giả.
Theo thời gian, việc nhuộm tóc trở nên nguy hiểm, thậm chí gây chết người do các phương pháp dùng lược làm bằng chì để nhuộm đen tóc hoặc dùng axit sulfuric để làm sáng tóc.
Tới tận đầu thế kỷ 20, thuốc nhuộm tóc giống như bây giờ mới ra đời, với sự đa dạng về màu, có thể mua về hoặc làm tại tiệm. Năm 1907, nhà hóa học trẻ người Pháp Eugene Schueller đã sử dụng chất para-phenylenediamine (PPD) cho loại thuốc nhuộm tổng hợp đầu tiên trên thế giới: "Oréal". Hai năm sau, Schueller khởi nghiệp và lấy tên French Harmless Hair Dye Company (Công ty Thuốc nhuộm tóc thân thiện với sức khỏe tại Pháp) - một cái tên nhằm xoa dịu nỗi lo về việc sử dụng chất nhuộm tóc. Năm 1909, ông quyết định đổi tên nó thành: L'Oréal.
Bán thuốc nhuộm bằng nỗi sợ tuổi già
Trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, phụ nữ sợ thuốc nhuộm tóc. Hóa chất nhuộm tóc được coi là không an toàn và bản thân hình ảnh của nó cũng có vấn đề. Thời kỳ Victoria, người ta tin rằng chỉ những phụ nữ kiêu căng mới nhuộm tóc, còn các bà nội trợ đứng đắn thì không.
Vào những năm 1940, dù xu hướng làm đẹp này đã trở nên phổ biến hơn, các thẩm mỹ viện vẫn phải chừa lối cửa sau cho những khách hàng nhuộm tóc nhưng không muốn bị phát hiện.
Để mở rộng thị trường, một số công ty quyết định đánh vào nỗi lo sợ tuổi già và quảng bá thuốc nhuộm như một cách để che tóc bạc. Một quảng cáo đen trắng của L'Oréal những năm 1920 phác họa một phụ nữ có vẻ ngoài buồn bã bên cạnh phiên bản vui tươi của chính mình trong mái tóc ngắn màu đen; dịch ra là: "Không còn một sợi tóc trắng nào; mãi mãi tuổi 30".
Claire Robinson, tác giả bài luận “Grey is a Feminist Issue” (Màu bạc là những vấn đề về nữ quyền) cho biết: "Gây áp lực khiến phụ nữ phải giữ được màu tóc như lúc trẻ ngay cả khi già đi chính là mưu đồ tiếp thị khiến thuốc nhuộm tóc trở nên phổ biến, giống như xà phòng vậy. Tư tưởng này đã tồn tại qua nhiều thế hệ và ngành công nghiệp làm đẹp hiện đại còn mạnh tay hơn nữa, đánh vào sự bất an và tự ti".
Trong thập niên 50, chỉ có 4-7% phụ nữ Mỹ nhuộm tóc; nhưng đến thập niên 70, con số này là gần 40%. Đến năm 2015, ước tính có khoảng 70% phụ nữ Mỹ sử dụng sản phẩm nhuộm tóc. Một cuộc khảo sát của OnePoll năm 2019 cho kết quả tương tự ở Anh.
Ở Nam Á và Đông Á cũng giống như vậy. Theo báo cáo của Nielsen, tại Ấn Độ, nơi có ngành công nghiệp chăm sóc tóc trị giá 3,3 tỷ USD, chất tạo màu chiếm tới 18% tổng sản phẩm về tóc và tăng trưởng 15% mỗi năm. Phụ nữ Ấn dành sự quan tâm đặc biệt tới Garnier Black Naturals của L'Oréal, thương hiệu thuốc nhuộm tóc bán chạy nhất thế giới.
Doanh số bán thuốc nhuộm tóc ở Trung Đông và châu Phi đạt 201,88 triệu USD trong năm 2017, tăng gần 10% so với năm 2016. Trong đó, thuốc tẩy là phân khúc phát triển nhanh nhất.
Trung Quốc và Hàn Quốc đều chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu đối với các sản phẩm tạo màu tóc, chủ yếu là thuốc nhuộm sẫm màu dành cho cả nam và nữ. Tại Nhật Bản, tiêu chuẩn về cái đẹp gắn liền với mái tóc đen. Một số trường học còn buộc học sinh phải nhuộm tóc đen dù trong những năm gần đây, quy định này tạo ra làn sóng phản ứng dữ dội.
Nhưng nhuộm tóc không còn chỉ để trông tự nhiên. Màu cầu vồng phủ hồng, xanh ngọc, tím đã trở thành mốt đối với phụ nữ trẻ trên khắp thế giới và cả nam giới (chẳng hạn như Jared Leto và Zayn Malik). Những màu sáng cũng bắt đầu được dùng cho lông nách, điển hình là Miley Cyrus.
Roxie Jane Hunt, nhà tạo mẫu tóc chuyên nhuộm màu cầu vồng đến từ Seattle, coi đây là cách để "thể hiện quyền quyết định cá nhân và chơi đùa với cá tính". Cô nói: "Rất nhiều phụ nữ cảm thấy họ muốn nổi bật chứ không muốn chìm vào đám đông".
Ở châu Á, Hàn Quốc là nơi rất ưa chuộng màu nhuộm cầu vồng, từ màu san hô, màu tro đến màu hồng anh đào. Những kiểu tóc giống tắc kè hoa thậm chí còn trở thành nét riêng của một số ngôi sao K-pop. Màu tóc mới còn được coi là báo hiệu cho một sự thay đổi trong sự nghiệp của các nghệ sĩ: Một album mới, đĩa đơn, hoặc tour diễn nào đó.
Trong một vài năm qua, ngày càng có nhiều phụ nữ châu Á nhuộm tóc vàng hoặc bạch kim để trở thành phiên bản mạnh mẽ hơn của chính mình.
Màu bạc thay thế màu vàng
Màu bạc bắt đầu trở nên phổ biến, siêu “hot” trong các tiệm làm tóc và cả bộ nhuộm tóc tại nhà. Các sắc thái như bạc, thép hoặc trắng bạch kim với hashtag #grannyhair được những người nổi tiếng như Kim Kardashian và Ariana Grande chào mời.
Bỗng chốc, tông màu bạc được ưa chuộng dù người ta cho rằng chỉ phụ nữ dưới 40 tuổi mới dùng và chi phí cho chất tạo màu này kèm theo khâu xử lý cũng rất tốn kém.
Mặc dù nhuộm bạc là một xu thế trên Instagram, mái tóc bạc tự nhiên vẫn gây điều tiếng với phụ nữ trên khắp thế giới - và nam giới Trung Quốc.
Một số người phụ nữ nổi tiếng nhuộm góc bạc như Judi Dench, Helen Mirren, Jamie Lee Curtis, Theresa May, Christine Lagarde, nhưng đa phần dân làm trong ngành giải trí, văn hóa và chính trị thì không.
Gentili nói: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi có rất ít người mẫu hay thần tượng với mái tóc trắng. Từ lâu rồi, phụ nữ tóc bạc gợi lên hình ảnh người bà, khôn ngoan và đảm đang, nhưng không hề quyến rũ. Mặt khác, những người đàn ông với mái tóc muối tiêu lại được coi là khác biệt, lôi cuốn, tự tin, đầy kinh nghiệm và gợi cảm".
Kể từ khi Truslow Smith tạo tài khoản Instagram mang tên "Grombre" (nơi mà cô lan tỏa hình ảnh mái tóc bạc và ombre) năm 2016, nó đã thu hút hơn 174.000 người theo dõi, với hàng chục phụ nữ gửi ảnh mái tóc bạc của họ mỗi ngày.
Truslow Smith có những sợi tóc bạc đầu tiên năm 14 tuổi. Để không cảm thấy xấu hổ với màu tóc của mình, cô đã nhuộm, nhưng rồi quyết định ngừng ở tuổi 24, chấp nhận bản thân mình. Cô nói: “Để tóc bạc tự nhiên thực sự là một sự thay đổi lối sống chứ không chỉ là một trào lưu. Hầu hết những người biết trân trọng nó thường không quay lại nhuộm. Đó là một sự giải phóng".
Bình luận