• Zalo

Dân nghèo Ấn Độ túng quẫn, lo đói hơn mắc COVID-19

Tư liệuChủ Nhật, 12/04/2020 13:20:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Việc phong tỏa đột ngột và nghiêm ngặt khiến những người nghèo ở Ấn Độ phải vật lộn với cuộc sống, với cái đói còn đáng sợ hơn cả virus.

Lo đói hơn lo mắc COVID-19

Ram Vendran Ravidas, 42 tuổi làm nghề lái xe kéo được nhiều năm. Vào một ngày đẹp trời, nếu làm việc chăm chỉ, Ravidas có thể kiếm được 6 USD (gần 140 nghìn đồng). Anh sống tạm bợ bên ngoài garage cho thuê chiếc xe kéo này.

Nhưng giờ đây, khi lệnh phong tỏa có hiệu lực, cuộc sống của Ravidas trở nên cùng quẫn. Anh không còn chỗ ở, cũng không kiếm đâu ra khách hàng. Buồn chán, đói khát với túi tiền trống rỗng, Ravidas trở nên tuyệt vọng.

Dân nghèo Ấn Độ túng quẫn, lo đói hơn mắc COVID-19 - 1

Ravidas chật vật khi công việc bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa. (Ảnh: NYT)

“Nếu bạn không có một ngôi nhà, làm sao bạn có thể làm việc tại nhà. Nhà tôi chính là nơi tôi làm việc. Hôm nay là lần đầu tiên trong đời tôi phải nhận thức ăn từ một tổ chức từ thiện”, anh nói.

Với Ravidas, anh lo đói còn hơn là lo virus tấn công mình.

“Tôi không lo lắng về virus. Nếu tôi nhiễm nó, ít nhất cuộc đời khốn khổ này sẽ chấm dứt”, anh tâm sự.

Phần lớn công nhân Ấn Độ, chiếm 85% trong tổng số 470 triệu người lao động ở Ấn Độ, làm việc trong các khu vực kinh tế không chính thức. Họ không có hợp đồng ràng buộc, cũng chẳng được luật lao động hay công đoàn bảo vệ.

Cuộc sống sau lệnh phong tỏa cũng trở nên chật vật đối với Raj Kumari, làm nghề quét rác trên các con phố ở New Delhi. Bà Kumari làm việc này nhiều năm cùng người chồng, cho tới khi ông ấy qua đời cách đây 8 năm.

Sau khi con trai cả bị mất việc vì lệnh phong tỏa, Kumari trở thành trụ cột trong gia đình 7 miệng ăn. Vì các hạn chế giao thông, bà phải cuốc bộ tới nơi làm việc.

“Đây là điều tôi phải làm vì tiền, vì cuộc sống. Ngay cả khi đường phố vắng vẻ, tôi vẫn phải ra ngoài”, bà Kumari nói.

Bà Kumari trước đây chưa từng được trang bị khẩu trang hay găng tay khi làm việc và giờ vẫn vậy. Chiếc khẩu trang bà đeo khi đi làm hiện nay là do con gái đưa. Đó là đồ được trường cô bé phát cho học sinh để đối phó với tình trạng ô nhiễm ở New Delhi.

Dân nghèo Ấn Độ túng quẫn, lo đói hơn mắc COVID-19 - 2

Lao động nhập cư ở Ấn Độ chật vật giữa cuộc chiến với COVID-19. (Ảnh: EPA)

Ở một góc tối tăm hơn tại thủ đô New Delhi, Ashu và 2 người em trai nhặt nhạnh kim loại phế liệu từ một trong những bãi rác lớn nhất của thành phố.

Nếu làm việc chăm chỉ, Ashu có thể kiếm được 53 xu (gần 13 nghìn đồng) mỗi ngày. Từ khi có lệnh phong tỏa, Ashu không thể tới bãi rác thường xuyên. Nếu mạo hiểm đi và bị cảnh sát bắt, 3 anh em sẽ bị đánh.

“Cháu nghe nói có một loại virus từ Trung Quốc đang lây truyền khắp nơi. Nhưng cháu sợ cảnh sát hơn và cũng sợ đói nữa. Khi hết tiền, chúng cháu sẽ tìm cách quay lại đây lần nữa”, cậu bé nói.

Thiếu nước sinh hoạt

Hơn 60% người Ấn sống ở các khu định cư đô thị, trong đó có 4 trong số 20 thành phố đông dân nhất và 21 trong 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Nhiều người trong số họ thiếu nước sinh hoạt hoặc thiếu nước đủ an toàn để uống.

Tình trạng đó khiến công việc của Arjun Chauhan trở nên cần thiết. Mỗi ngày, anh băng qua các con phố trên chiếc xe máy cà tàng, xếp chồng các bình nước lên khắp các vị trí trống.

“Nếu tôi ở nhà, gia đình tôi sẽ đói và Ấn Độ sẽ khát nước”, Chauhan cho hay.

Chauhan nói, bố mẹ và 5 chị em trong gia đình đều dựa vào đồng lương của anh.

Kể từ khi lệnh phong tỏa có hiệu lực, khoản thu 8 USD (gần 200 nghìn đồng) của Chauhan bị cắt xuống chỉ còn một nửa.

Video: Dân Ấn Độ chen chúc lên xe về quê giữa mùa dịch

Anh không thể tiếp cận với tất cả khách hàng vì cảnh sát ngăn anh giao hàng và thậm chí còn đánh, mặc dù theo quy định, việc giao các mặt hàng thiết yếu như thuốc và nước là được phép.

Khi không tiếp cận được nước, các khách hàng của Chauhan cũng chỉ còn cách dùng tiết kiệm. Họ phải chắt chiu sử dụng và cũng chẳng lấy đâu ra nước sạch để rửa tay chống dịch như khuyến cáo của WHO.

Trong một cuộc khảo sát mới đây được công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu YouGov thực hiện với 1.000 người Ấn Độ, hầu hết người tham gia cho rằng, chính phủ nước này làm không đủ để chống lại đại dịch, đồng thời mong muốn giới chức đảm bảo nơi cư trú cho lao động nhập cư và nguồn cung thiết yếu.

Thiếu thốn nguồn cung ứng

Vào thời điểm này hàng năm, bãi biển Miramar ở thành phố Panjim, tiểu bang Goa thu hút rất đông khách du lịch. Nhưng hiện tại, bãi biển này gần như không có lấy bóng người.

Đó là hệ quả sau tuyên bố phong tỏa được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ban hành hôm 24/3. Tình trạng hỗn loạn nổ ra khắp nơi. Đám đông hoảng loạn bao vây các cửa hàng.

Dân nghèo Ấn Độ túng quẫn, lo đói hơn mắc COVID-19 - 3

Một lao động nhập cư cõng con trai trở về quê nhà. (Ảnh: Reuters)

Khi các chuyến xe khách và tàu hỏa ngừng hoạt động, hàng triệu công nhân nhập cư đi bộ về nhà. Ít nhất một trong số đó đã bỏ mạng sau khi cuốc bộ hơn 215 km về quê ở Madhya Pradesh.

Giống như nhiều nơi khác, ở Goa, mọi thứ trở nên tồi tệ.

Chính quyền trấn an người dân rằng nguồn cung sẽ không bị gián đoạn. Nhưng gần như tất cả mọi thứ đều ngừng hoạt động.

Hashtag #GoaChếtđói lan truyền chóng mặt. Mọi chuyện chỉ cải thiện hơn đôi chút khi New Delhi đưa ra các hướng dẫn mở lại các cửa hàng tạp hóa.

Dân nghèo Ấn Độ túng quẫn, lo đói hơn mắc COVID-19 - 4

Người dân Ấn Độ xếp hàng nhận đồ thực phẩm trong thời gian phong tỏa. (Ảnh: Reuters)

Cách không xa bãi biển Miramar là nơi giáo sư Trường Y Harvard, Vikram Patel sinh sống. Ông Patel và nhiều người hàng xóm bị cảnh sát “nhắc nhở” bằng vũ lực khi xếp hàng mua đồ dự trữ.

Patel tỏ ra bất mãn khi nói về các thay đổi liên tục từ các hạn chế xã hội mà chính quyền ban hành, đồng thời chỉ trích cách chính phủ bảo đảm nguồn cung ứng hay các lực lượng thực thi pháp luật dùng biện pháp hà khắc để trấn áp những người tuyệt vọng vì đói.

Patel tin rằng các lệnh phong tỏa hiện nay sẽ nghiền nát các doanh nghiệp nhỏ, có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc sống ở các bang nông thôn như Goa.

Song Hy(Nguồn: The Guardian, New York Times)
Bình luận
vtcnews.vn