• Zalo

Lão nông 10 vợ ở thủ đô: Hành trình trốn trại lập 'phòng nhì' khắp Đông Dương

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 03/06/2015 06:29:00 +07:00 Google News

(VTC News) - Cộng đồng được dịp "té ghế" khi một lão nông, thợ cơ khí ở ngoại thành Hà Nội tuyên bố có 10 vợ rải khắp cả nước cùng 27 người con.

(VTC News) - Cộng đồng được dịp "té ghế" khi một lão nông, thợ cơ khí ở ngoại thành Hà Nội tuyên bố có 10 vợ rải khắp cả nước cùng 27 người con.


Kỳ 1: Diện kiến thợ cơ khí đa tình

Mấy năm nay, thi thoảng ở nước ta lại "phát lộ" một đấng mày râu có nhiều vợ. Đất thủ đô hiện đang "gây ấn tượng" chuyện năm thê bảy thiếp, khi có tới 3 "kỳ nhân" sở hữu cả chục "phòng nhì".

Người dân cả nước từng sốc với thông tin lão mù Nguyễn Văn Sơn (Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) có tới 11 vợ, để rồi sau đó ngã ngửa với nhà thơ, thợ mộc, thợ đóng gạch Nguyễn Đăng Hành (Đa Tốn, Gia Lâm) có 16 vợ và không thể nhớ được bao nhiêu con.

Mới đây, cộng đồng lại được dịp "té ghế" khi một lão nông, thợ cơ khí ở ngoại thành Hà Nội tuyên bố có 10 vợ rải khắp cả nước cùng 27 người con.

Lắp camera, chăng điện phòng thân

Lấy được số điện thoại, tôi gọi cho ông Dương Văn Chuốt. Ông Chuốt nói liến thoắng, cởi mở, bảo tôi lên ngay vì có nhiều chuyện hay ho ở Sóc Sơn lắm. Tôi hỏi đường đi lối lại, ông Chuốt bảo: "Tớ ở xã Minh Trí, nhưng cậu chỉ cần đi quá sân bay Nội Bài hỏi ông Chuối thì ai cũng biết, chỉ vào tận nhà. Còn nếu cậu hỏi cán bộ chính quyền, thì khắp cả huyện Sóc Sơn đều biết nhà tớ".

Chỉ nói vậy, rồi ông Chuốt tắt rụp máy. Tôi phóng xe từ Hà Nội lên, đến chỗ rẽ vào hướng những quả núi thấp ẩn hiện trong sương mờ, hỏi nhà ông Dương Văn Chuốt, thì công nhận ai cũng biết cả.

Ông Dương Văn Chuốt trong dinh cơ của mình 

Có người bụm miệng cười khi nhắc đến tên ông Chuốt, có người tỏ rõ vẻ hằn học khi chỉ đường. Mới hỏi đường thôi, đã thấy người đàn ông này có nhiều chuyện bí ẩn, lạ lùng.

Ngay ngã ba rẽ vào trung tâm xã Minh Trí, là nhà ông Dương Văn Chuốt theo chỉ dẫn của người dân.

Ngôi nhà khang trang, 2 tầng, kiểu dáng màu mè như biệt thự ở sâu trong mảnh đất. Bao quanh mảnh đất rộng mênh mông là những bức tường cao dễ đến 4m, có hàng rào dây trần dẫn điện. Các cột trụ ở góc tường đều có quả sứ để quấn dân điện như cột điện cao thế.

Mặt tiền khu đất nhà ông Chuốt dài tít tắp, là một dãy nhà xưởng lớn. Hàng cây sấu thẳng thớm chạy dọc mép ngoài. Ngẩng đầu nhìn kỹ thì tôi thấy trên mép trần khu nhà xưởng cứ vài mét lại có một camera hướng ra phía hành lang và con đường chạy trước mặt.

Tôi trộm nghĩ, chẳng lẽ lão nông, thợ cơ khí này là một đại gia giàu có, tiền vàng chất đầy bồ hay sao mà phải lắp camera và dây điện quanh nhà? Hay lão nông này giở trò cướp vợ của nhiều người, nên mới có lắm kẻ thù?

Ông Chuốt chỉ hệ thống dây điện trần mắc quanh nhà 
Camera giám sát lắp khắp nơi 

Đứng chờ một lát, thì người đàn ông thấp đậm phóng xe máy rất nhanh, cuốn bụi đường mù mịt, rồi phanh gấp cạnh tôi. Ông giới thiệu là Dương Văn Chuốt, rồi đon đả mời vào nhà.

Ông xách chiếc cặp da to, chứa tài liệu phình cứng. Chiếc cổng sắt cao tới 4m được mở ra một cách nặng nề.

Không gian sống của người đàn ông dị biệt này mở ra thật dễ chịu. Khoảnh sân rộng với những chiếc chậu khổng lồ, nhưng trồng những loại cây hết sức bình dị như đu đủ, su hào, su su, móc mật…

Tôi tò mò về hệ thống điện trần bao quanh nhà và camera, ông Dương Văn Chuốt bảo: "Nói thật với cậu, tớ là cái gai trong mắt nhiều người, lắm kẻ muốn thịt tớ lắm, nên tớ phải xây thành cao hào sâu để bảo vệ mình. Tớ trợ giúp pháp lý cho 25 xã và thị trấn huyện Sóc Sơn này. Cứ ở địa phương nào, cán bộ nào có sai phạm là tớ kiện, tớ vạch rõ tội trạng, tớ đòi lại từng mảnh đất bị họ xà xẻo, từng đồng tiền họ ăn gian. Thế nên, tớ bị ghét là rõ ràng rồi. Nhờ có hệ thống camera mà mấy năm trước tớ tóm sống được kẻ ném mìn hai lần vào nhà tớ".

Để tôi tin, ông Dương Văn Chuốt dẫn vào phòng khách. Ông bật chiếc tivi màn hình lớn lên, thì thấy cả chục chiếc camera bao quanh nhà đang miệt mài ghi lại hình ảnh suốt ngày đêm. Hệ thống dây điện trần cũng được bật 24/24 để phòng kẻ xấu không chịu ra vào theo đường chính.

Ông còn mở cả đoạn file ghi hình cảnh một kẻ ném mìn vào nhà ông. Nhờ hệ thống camera ghi hình ấy, mà công an đã nhanh chóng tóm được kẻ "khủng bố".

Tán gái bằng mật mã

Theo thống kê của ông Dương Văn Chuốt, thì ông có tổng số 10 bà vợ và 27 người con, trong đó có 1 người con nuôi. Người con lớn nhất của ông đã 44 tuổi và nhỏ nhất mới 5 tuổi. Hiện ông Chuốt đang sống cùng bà vợ thứ 8 từ Tây Ninh ra.
Trong số 10 bà vợ, thì có một bà không có con, một bà không được ông công nhận thực sự chỉ vì một câu nói xúc phạm ông, dù hai người đã chụp ảnh cưới, đã có vài năm sống với nhau và đã có con với nhau. Tất cả các bà vợ đều không có đăng ký kết hôn, nhưng tất cả các người con của ông đều mang họ Dương và khai sinh tên ông là bố.
Ngồi trên ghế đá giữa sân uống trà, tôi tỏ ra khó tin chuyện nhiều vợ, lắm con, thì ông Dương Văn Chuốt có vẻ hơi cáu. Ông bảo: "Bằng tuổi này, chứ có phải tào lao nữa đâu mà bốc phét, chém gió làm gì. Chuyện tôi có nhiều vợ, nhiều con là có thật, cả làng này biết".


Nói rồi, ông Chuốt lôi trong chiếc cặp tài liệu căng phồng ra chiếc máy tính bảng. Ông Chuốt bấm máy nhoay nhoáy, ngón tay chai sần của thợ cơ khí quai búa tạ lướt trên bàn phím kéo những tấm hình chụp chân dung các bà vợ, những đứa con cho tôi xem.

Trong Ipad có khá nhiều ảnh cưới với các bà, rồi có cả ảnh hai bà nằm ngủ với nhau trên một chiếc giường mà theo ông Chuốt nó thể hiện sự đoàn kết của các bà vợ bởi tài quản lý, lãnh đạo của ông (?!). Chuyện ấy nó giống như con dê đực, quản lý cả đàn dê cái, hay con khỉ đầu đàn lãnh đạo cả đàn khỉ mấy chục con. Người đàn ông, xét ở góc độ nào đó, cũng luôn muốn được công nhận tài lãnh đạo kiểu đầu đàn đầy quyền uy ấy.

Không chỉ nhoay nhoáy mở ảnh các bà vợ, con cái khoe chiến tích, ông Chuốt còn vào mạng từ wifi nhà mình, rồi check mail cho tôi xem. Giời ạ! những bài thơ ông gửi cho người tình, những lời nhớ nhung của các bà vợ vẫn được ông lưu đầy đủ.

Những áng văn xuôi đọc sướt mướt kiểu thư tình của lính những năm kháng chiến, các anh bộ đội thường chép của nhau gửi cho người yêu, mà chỉ việc thay mỗi tên người tình vào, rồi gửi đi.

Ông Chuốt thể hiện tài năng lỗi lạc trong việc chinh phục trái tim phụ nữ bằng những bài thơ ông đọc cho tôi, mà mỗi bài đều chứa một ẩn ý, kiểu như các mật mã trong phim trinh thám của Mỹ.

Xưởng cơ khí chẳng mấy khi hoạt động của lão nông Dương Văn Chuốt 

Có bài thơ, ông đọc một tràng, đầy trăng hoa gió lá, đầy núi non thơ mộng, đầy nhớ nhung cồn cào, rồi ông đột ngột hỏi tôi: "Cậu có hiểu ẩn ý trong bài thơ đó là gì không?".

Kẻ trần tục như tôi đành lắc đầu không hiểu, thì ông mới hạ cố mà giải nghĩa: "Dùng tất cả những chữ cái đầu câu thơ ghép lại với nhau, sẽ thành câu: "Anh nhớ Bình quá!". Giời ạ, với bài thơ này, ông Chuốt chỉ việc thay chữ cái mỗi câu có chữ đầu là B, thì lại khiến một cô gái thêm thổn thức!

Rốt cục, ông Chuốt đúc kết bằng câu: "Chim khôn chết mệt vì ruồi/Người khôn chết mệt vì lời nhỏ to". Ông bảo, phải trải qua bao nhiêu đắng cay, gian khổ, bao nhiêu mối tình, bao nhiêu nước mắt, mới đúc kết được bằng hai câu thơ đó. Với người khác, thì câu thơ đó có nhiều ý nghĩa, nhưng với ông Chuốt, thì nó là chân lý để chinh phục người phụ nữ, rằng với phụ nữ, thì cứ "thì thầm, to nhỏ", kiểu gì cũng "chết đứ đừ".

Khoản 1 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, trong đó quy định: "Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng,vợ chồng bình đẳng". Đồng thời, để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình Luật cũng có quy định về việc cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ (khoản 2 Điều 4). Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.

Còn tiếp…


Phong Nguyệt
Bình luận
vtcnews.vn