Làng tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) là làng nghề truyền thống nổi tiếng với hơn 100 năm hình thành và phát triển. Đây là làng hương duy nhất ở Hà Nội còn giữ được cách làm truyền thống.
Những ngày giáp Tết, người dân làng hương Quảng Phú Cầu tất bật sản xuất để cung ứng sản phẩm ra thị trường. Ngoài ra, nhiều cơ sở ở đây còn kết hợp vừa sản xuất tăm hương vừa làm du lịch khi xếp hàng trăm bó tăm hương thành những bức tranh rực rỡ sắc màu Việt Nam, hút hồn khách du lịch trong và ngoài nước.
Mỗi ngày cơ sở làm tăm hương của gia đình ông Nguyễn Hữu Long đón gần 100 lượt khách du lịch. Mỗi khách đến đây phải bỏ ra 50 – 100 nghìn đồng để được vào chiêm ngưỡng cũng như chụp ảnh kỷ niệm.
Làng hương Quảng Phú Cầu cách không quá xa trung tâm Hà Nội, du khách có thể đi theo quốc lộ 21B, tỉnh lộ 429 hoặc lựa chọn phương tiện giao thông công cộng với tuyến xe buýt số 91 khởi hành từ bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông).
Để tạo ra những bức tranh đẹp từ những bó tăm hương, cơ sở của ông Long cần đến khoảng 3 – 4 công nhân, xếp liên tiếp trong khoảng 3 tiếng tuỳ thuộc vào hình thù bức tranh khó hay dễ. Theo ông Long, những hình thù khó thì khách phải đặt trước để cơ sở nhà ông còn sơn tăm hương và xếp từ tờ mờ sáng để kịp đón khách.
Bà Belinda (đến từ Úc) vui mừng khi đến với làng hương Quảng Phú Cầu vào đúng thời điểm giáp Tết. “Tôi rất hạnh phúc khi được xem những công đoạn làm tăm hương cũng như hiểu hơn về văn hoá tâm linh của người Việt. Ngoài ra, tôi cũng được chiêm ngưỡng những hình ảnh đẹp, ấn tượng từ những bó tăm hương được xếp lại”, bà Belinda cho hay.
Bà Jasmin đến từ Singapore (đứng thứ 2 từ trái qua) cho hay, bà biết đến làng hương Quảng Phú Cầu qua mạng xã hội. Khi tới đây, chứng kiến tận mắt quy trình sản xuất ra cây hương, bà thấy vô cùng thú vị.
“Tôi thích thời tiết Việt Nam thời điểm này, khá mát mẻ và dễ chịu. Con người Việt Nam thân thiện, hiền hoà và mến khách. Ngoài ra, ở làng hương có khung cảnh đẹp, mọi thứ đều mới lạ. Các cây hương có màu sắc sặc sỡ. Đến đây, tôi được hiểu thêm về văn hoá Việt Nam. Đây là chuyến đi thú vị và nhiều kỷ niệm với tôi. Tôi hy vọng có thể cùng gia đình quay lại đây vào thời gian gần nhất”, bà Jasmin chia sẻ.
Nhiều du khách thích thú khi được trải nghiệm công đoạn xếp những bó tăm hương.
Để tạo ra được một cây hương phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chẻ tre (hoặc vầu), vót tăm, nhuộm chân hương, làm thân hương, phơi khô và đóng gói.
Theo ông Long, chân hương được nhuộm màu hồng hoặc đỏ tùy thuộc vào đơn đặt hàng của khách với mục đích sử dụng khác nhau. Chân hương nhuộm đỏ với kích cỡ to hơn, dài hơn được dùng để làm hương thắp trong đình, chùa. Còn loại chân hương nhuộm hồng với kích cỡ vừa vặn được sử dụng trong gia đình vào các dịp lễ, Tết hay hôm Rằm, mùng Một. Mỗi bó chân hương như thế nặng khoảng 3 kg, được bán với giá từ 3.000 đồng/kg.
Với hơn 10 nhân công làm việc cật lực, mỗi ngày, trung bình xưởng của ông Long sản xuất được 7-8 tấn chân hương, ngày nhiều thì được 10 tấn. Tăm hương sau khi được bó lại chắc chắn sẽ được những người thợ lành nghề nhuộm phẩm và đem phơi nắng
“Hương là sản phẩm mang yếu tố tâm linh, vậy nên mọi công đoạn chúng tôi đều phải được thực hiện tỉ mỉ và công phu. Nguyên liệu chính để làm ra chân hương là cây vầu. Vầu được dùng làm chân hương phải đủ độ tuổi và được chọn lựa kỹ càng chứ không được cẩu thả”, ông Long nói.
Bà Nguyễn Thị Liên (60 tuổi) cho biết, mỗi ngày bà làm việc từ 7h sáng đến 12h, chiều bắt đầu từ 14h đến 18h. Công việc vất vả mang lại cho bà thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày. Những người có tay nghề cao hơn, biết chế phẩm rồi nhuộm màu thì có thu nhập cao hơn, khoảng 500.000 đồng/ngày. “Khó khăn nhất có lẽ là công đoạn phơi chân hương, vì phụ thuộc nhiều vào thời tiết, có nắng mới phơi chân hương được”, bà Liên nói.
Những bó tăm hương phơi đã đủ nắng được các công nhân thu lại và bó lần cuối. Mỗi ngày cơ sở nhà ông Long đưa khoảng 8-10 tấn tăm hương cung cấp ra thị trường các tỉnh như: Thanh Hoá, Nghệ An, Huế…
Những người thợ đang miệt mài làm ra các cây hương tại cơ sở sản xuất hương Thắng Bình ở Quảng Phú Cầu. Tại đây, tùy từng loại hương, người làm nghề sẽ lựa chọn nguyên liệu phù hợp. Thường hương được làm từ trầm, tùng, trắc, bạch chỉ, hoắc hương, hoa hồi, quế chi, nhựa cây trám, củ, rễ cây hương bài, than xoan...
Với cách làm truyền thống, khi se hương, người thợ phải lăn thật nhẹ và chắc tay để cho bột bám đều vào que hương. Còn bây giờ, nhờ công nghệ hiện đại, các cơ sở đều đầu tư máy móc để công đoạn này nhanh hơn, chỉ cần cho hương và tăm vào máy sẽ tự động nén chắc, giúp các cơ sở tăng năng suất.
Các cơ sở của làng hương Quảng Phú Cầu đã và đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu riêng, áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Đến nay, nhiều sản phẩm như hương vòng, hương nén... của địa phương đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3-4 sao, được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Hương Quảng Phú Cầu không chỉ được người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng mà còn là mặt hàng quen thuộc ở trong và ngoài nước.
Bình luận