• Zalo

Làm việc qua 4 đời chủ tịch, vẫn phải tự đóng bảo hiểm thay UBND huyện

Thời sựThứ Sáu, 15/12/2017 07:57:00 +07:00 Google News

Bà Phượng và 40 trường hợp khác được UBND huyện An Dương (Hải Phòng) ký hợp đồng lao động dài hạn, nhưng qua 4 đời chủ tịch họ vẫn phải tự đóng bảo hiểm xã hội.

Dùng văn bản quy phạm pháp luật thay hợp đồng lao động

Theo phán ánh của bà Đinh Thị Phượng (SN 1978, công tác tại Phòng Văn hóa & Thông tin huyện An Dương, TP Hải Phòng), ngày 12/9/2003, Chủ tịch UBND huyện An Dương ký Quyết định hợp đồng lao động số 342 với bà Phượng vào làm việc tại Phòng Văn hóa & Thông tin huyện An Dương từ ngày 15/9/2003, với thời hạn 1 năm, phụ trách mảng di tích.

Khi hết thời hạn, UBND huyện An Dương lần lượt ký các quyết định về hợp đồng lao động xác định thời hạn với bà Phượng, gồm: 6 quyết định hợp đồng lao động có thời hạn 1 năm, 1 quyết định thời hạn 2 năm và 2 quyết định thời hạn 3 năm.

Cụ thể, thời kỳ ông Đỗ Khắc Hòa – Chủ tịch UBND huyện An Dương (đã nghỉ hưu), ký 3 quyết định hợp đồng lao động xác định thời hạn 1 năm.

Thời kỳ ông Hoàng Khải Hưng - Chủ tịch UBND huyện An Dương (đã nghỉ hưu), ký 3 quyết định hợp đồng lao động xác định thời hạn 1 năm, 1 quyết định xác định thời hạn 2 năm.

DSC_0759 copy

 4 đời chủ tịch UBND huyện đều sử dụng văn bản quy phạm pháp luật này thay cho hợp đồng lao động.

Thời kỳ ông Nguyễn Văn Hoàn - Chủ tịch UBND huyện An Dương (đang làm Bí thư Huyện ủy), ký 1 quyết định hợp đồng lao động xác định thời hạn 3 năm.

Thời kỳ ông Phùng Văn Thanh - Chủ tịch UBND huyện An Dương (đang làm Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng), ký 1 quyết định hợp đồng lao động xác định thời hạn 3 năm.

Tổng thời gian bà Phượng làm việc tại Phòng Văn hóa & Thông tin huyện An Dương tính đến nay là 14 năm. Tuy nhiên, trong suốt thời gian làm việc, bà Phượng phải tự nguyện đóng bảo hiểm 100% mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía UBND huyện.

Đặc biệt, với trình độ chuyên môn Cử nhân văn hóa, có thời gian công tác dài tại Phòng Văn hóa huyện nhưng bà Phượng chưa một lần được UBND huyện cho thi tuyển công chức. Trong khi đó, nhiều người có ít thời gian công tác nhưng lại được "ưu ái" cho thi tuyển công chức, trong số đó có nhiều người là người nhà cán bộ lãnh đạo huyện.

“Đối chiếu với tiêu chuẩn và các quy định, tôi nhận thấy mình đủ điều kiện để được thi tuyển nhưng trong suốt 13 năm qua tôi chưa được UBND huyện An Dương tạo điều kiện bố trí để thi tuyển công chức”, bà Phượng than thở.

anh h copy

 14 năm làm việc, cống hiến cho Phòng Văn hóa & Thông tin huyện An Dương, nhưng bà Phượng không được hưởng quyền lợi đúng luật.

Theo quy định của Bộ luật lao động các năm trước đây và mới nhất là Quy định tại Điều 22 Bộ luật lao động năm 2012, khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn thì các bên phải ký hợp đồng lao động mới.

"Theo quy định, trong trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm một lần, sau đó nếu người lao động tiếp tục làm việc thì phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Tôi đã làm việc liên tục tại UBND huyện An Dương tính đến nay là 14 năm. Lẽ ra từ ngày 1/10/2005, tôi đã được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Vậy tại sao đến nay tôi vẫn chỉ được làm việc theo hợp động lao động xác định thời hạn?”, bà Phượng thắc mắc.

Theo bà Phượng, trong hơn 10 năm qua, Phòng Văn hóa & Thông tin huyện nhiều lần đề xuất với UBND huyện và các phòng chức năng tạo điều kiện cho một số trường hợp từng công tác lâu năm tại Phòng được thi tuyển nhưng không được chấp thuận.

Chỉ có 1 trường hợp được thi tuyển công chức vào làm kế toàn, còn các cán bộ chuyên môn khác không được thi tuyển mặc dù theo định biên còn thiếu nhiều cán bộ.

Từ tháng 3/2017, bà Phượng làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng của TP Hải Phòng và Chủ tịch UBND huyện An Dương nhưng đến nay chưa được trả lời hướng giải quyết.

Bà Phượng cũng như gần 40 trường hợp khác đang làm việc tại các cơ quan của UBND huyện An Dương sắp phải "về vườn" theo chủ trương tinh giản biên chế của UBND TP Hải Phòng và UBND huyện trong khi quyền lợi, chế độ của bản thân chưa được UBND huyện đảm bảo đúng quy định theo Bộ Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.

IMG_2014 3

 Trụ sở UBND huyện An Dương, nơi đang có hàng chục nhân viên hợp đồng phải đóng thay bảo hiểm xã hội cho UBND huyện.

Huyện sẽ trả lại tiền đóng bảo hiểm?

Ngày 14/12, trả lời PV VTC News, bà Đinh Thị Lan Hương – Trưởng phòng thu (Bảo hiểm Xã hội Hải Phòng) cho biết, theo quy định hiện hành, người sử dụng lao động (UBND huyện An Dương) phải có trách nhiệm cùng với người lao động đóng bảo hiểm theo quy định, với tỷ lệ quy định từng thời điểm.

Trong trường hợp, nếu UBND huyện An Dương có dấu hiệu vi phạm Bộ luật lao động và Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, UBND TP Hải Phòng sẽ phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra, xác minh, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt theo quy định.

Bà Hương cũng cung cấp cho PV danh sách trích lục số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà bà Phượng đóng suốt từ năm 2003 đến nay, từ 20%-26% (BHXH) và 3% (Bảo hiểm thất nghiệp).

Chiều cùng ngày, làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Phòng, PV được biết, ngày 11/12, Sở này vừa có công văn trả lời UBND huyện An Dương liên quan đến vụ việc nêu trên.

Theo đó, để đảm bảo đúng quy định của pháp luật trong việc hoàn trả số kinh phí tham gia bảo hiểm xã hội mà người lao động đã đóng góp tự nguyện thay cho UBND huyện An Dương, UBND huyện An Dương trên cơ sở xem xét nội dung hợp đồng lao động đối với từng trường hợp cụ thể, phối hợp với Bảo hiểm xã hội huyện An Dương giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định.

PV VTC News cũng liên hệ làm việc với UBND huyện An Dương để tìm hiểu hướng giải quyết vụ việc, tuy nhiên đến cuối giờ chiều cùng ngày vẫn chưa có thông tin phản hồi.

VTC News sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn