• Zalo

Lãi suất giảm sâu, doanh nghiệp vì sao vẫn khó tiếp cận?

Tài chínhThứ Ba, 17/11/2020 07:25:11 +07:00 Google News

COVID-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam điêu đứng, nguồn vốn vay của ngân hàng dồi dào trong khi DN khó hấp thụ khiến lãi suất gần như xuống đáy.

Lãi suất giảm sâu, doanh nghiệp vì sao vẫn khó tiếp cận? - 1

Lãi suất liên tiếp hạ nhưng DN vẫn khó tiếp cận vốn vay. (Ảnh minh họa)

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức thấp kỷ lục. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), gần 70% doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng là cho vay qua đêm, lãi suất quanh mức 0,1%/năm, thấp nhất trong lịch sử. Dù lãi suất thấp nhưng nhu cầu vay vẫn rất thấp, có ngày chỉ hơn 30.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, hàng loạt ngân hàng tung ra các gói hỗ trợ DN. Từ 12/11/2020 - 12/2/2021, Vietcombank giảm 1,0%/năm lãi suất cho vay cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của DN và người dân tại 10 tỉnh miền Trung, sàn lãi suất sau khi được giảm còn khoảng 4,5%/ năm.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết: “Với đợt giảm lần nay, có khoảng 1.700 doanh nghiêp, 34.000 khách hàng cá nhân được tiếp cận, toàn bộ dư nợ được giảm lãi suất ước tính khoảng 50.000 tỷ đồng. Qua đó, Vietcombank dự kiến sẽ chia sẻ ít nhất 270 tỷ đồng lợi nhuận”.

Ngoài ra, theo người đứng đầu Vietcombank, ngân hàng còn có cơ chế riêng, cởi mở với tài sản đảm bảo cho các ngành nghề đặc thù, ưu tiên nhóm ngành an sinh xã hội, nước sạch, năng lược tái tạo, bệnh viên công. Những khách hàng đáp ứng chuẩn theo quy định của NHNN và Vietcombank khi vay vốn, chỉ cần đáp ứng 70% chính sách tài sản bảo đảm. Sau 2 năm mới phải đáp ứng toàn bộ.

Trước đó, Agribank cũng tuyên bố giảm tiếp 0,3% lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 4,5%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Bên cạnh đó, từ nay đến hết 30/6/2021, Agribank còn triển khai các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng DN nhỏ và vừa với tổng quy mô lên đến 35.000 tỷ đồng.

Dự báo sang quý 4/2020, lãi suất liên ngân hàng sẽ vẫn ở mức thấp nhờ vào thanh khoản dồi dào và NHNN có thể sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành như thời điểm hiện tại. So với cuối năm 2019, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn lần lượt đạt 5,12% và 7,7%, đều thấp hơn so với cùng kì năm 2019 (8,51% và 8,79%). Dịch bệnh bùng phát đợt 2 vào đầu tháng bảy khiến nhu cầu vay vốn của các DN và người dân giảm mạnh, gây ảnh hưởng mạnh lên tăng trưởng tín dụng”, TS Phạm Thế Anh, kinh tế trưởng của VEPR nhận định.

Theo TS Phạm Thế Anh, chính sách tiền tệ, cụ thể là công cụ lãi suất trong thời điểm hiện nay sẽ ít hiệu quả. Khi dịch bệnh còn tồn tại thì nhu cầu cho một số ngành đặc thù sẽ biến mất, dù lãi suất có giảm cũng không tạo được động lực để DN vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Dư địa chính sách tiền tệ có thể còn, tuy nhiên việc tính toán dùng vào thời điểm vào và mức độ ra sao cần phải cân nhắc kỹ, vì chính sách tiền tệ còn đối mặt với ràng buộc về lạm phát và tỷ giá. Gần đây, việc Mỹ chính thức điều tra Việt Nam thao túng tỷ giá cũng yêu cầu NHNN cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ.

Dù lãi suất cho vay hạ nhưng nhiều DN khó tiếp cận với vốn vay. Một DN địa ốc ở Hà Tĩnh chia sẻ, bản thân DN vẫn còn nợ cũ và chịu lãi suất 10,5%/năm. Dù ngân hàng thương mại hạ lãi suất nhưng gói cũ không được giảm. “Mặc dù năm nay, DN chịu ảnh hưởng của COVID-19 nhưng vẫn trả lãi đều cho ngân hàng. Hiện DN có dự án mới nhưng để tiếp cận vốn vay mới khó bởi không đáp ứng được điều kiện của ngân hàng đặt ra”, vị chủ DN này nói.

Trong khi đó, một chủ đầu tư dự án nhỏ ở Long Biên, Hà Nội cho biết: “Do không tiếp cận được vốn vay ngân hàng, dự án không bán được hàng nhưng vẫn triển khai nên tôi đã phải bán 2 xe ô tô hạng sang và huy động vốn từ bạn bè, người thân. Nếu giao dịch vẫn ở mức thấp thế này, tôi sợ không có đủ vốn để hoàn thiện bàn giao nhà đúng theo hợp đồng mua bán”.

Tại buổi toạ đàm “Nối lại cung - cầu vốn, tiếp sức phục hồi” vừa qua, ông Bùi Ngọc Tường, đại diện Tập đoàn Đầu tư nước sạch và Môi trường Hùng Thành cho biết, DN ông đang quản lý 22 nhà máy nước sạch trên khắp cả nước, thuộc nhóm DN vừa và nhỏ, tức thuộc nhóm DN được ưu tiên. DN nói chưa từng có nợ xấu, nợ quá hạn tại các ngân hàng. Mỗi tháng DN có khoảng 2 tỷ đồng dòng tiền chảy vào tài khoản ngân hàng, nhưng 10 năm nay vẫn chưa vay được vốn tại ngân hàng đặt tài khoản.

Vốn điều lệ là 120 tỷ đồng, trong khi đầu tư tới 22 nhà máy, nên nhu cầu vay vốn rất lớn. DN mong được vay vốn với lãi suất thấp mà chưa được, vì không có tài sản thế chấp. Vay vốn ngân hàng khó quá”, ông Tường nói.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn