• Zalo

Kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày: Hàng không cấp tập tăng chuyến

Thị trườngThứ Bảy, 13/04/2024 06:00:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 đã được phép kéo dài 5 ngày liên tục, các hãng hàng không gấp rút tăng chuyến, mở bán vé nhiều hơn, dù máy bay đang trong cảnh khan hiếm.

Ngày 12/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 - 1/5 và làm bù vào thứ Bảy (4/5).

Kế hoạch này đã được dự tính trước đó và các hãng hàng không gấp rút tìm mọi cách tăng chuyến, trong bối cảnh máy bay đang khan hiếm do vướng lịch bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ kéo dài.

Xoay xở tăng chuyến

Vietnam Airlines cho biết, sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, hãng chốt phương án tăng cường năng lực khai thác cho dịp cao điểm trên cơ sở tối ưu hóa sử dụng đội tàu bay hiện có và mở mới các chuyến bay vào khung giờ sáng sớm, tối muộn trên một số đường bay có nhu cầu lớn.

Cụ thể, hãng sẽ tăng hơn 100 chuyến bay nội địa và quốc tế trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, từ đó cung ứng thêm hơn 15.000 chỗ.

Với số chuyến bay tăng, Vietnam Airlines sẽ cung ứng tổng cộng 575.000 ghế trên 2.900 chuyến bay trong giai đoạn cao điểm từ 26/4 đến 2/5. So sánh cùng kỳ năm 2023, tổng số ghế nội địa và quốc tế tăng lần lượt hơn 10% và 12%.

Theo đó, các đường bay du lịch nội địa như giữa Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Côn Đảo...được tăng tải nhiều nhất. Còn đối với mạng bay quốc tế, Vietnam Airlines tập trung các chuyến bay đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia. Hiện tại, nhiều chuyến bay đến các điểm du lịch vào dịp cao điểm đã đầy chỗ 70%.

Hàng không gặp khó khi thiếu máy bay đúng cao điểm nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và hè 2024. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

Hàng không gặp khó khi thiếu máy bay đúng cao điểm nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và hè 2024. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

Trong khi đó, hãng bay Vietravel Airlines cho biết sẽ bổ sung thêm khoảng 1-2 chuyến bay chặng bay đi/đến các điểm như Đà Nẵng, TP.HCM, Bangkok (Thái Lan). Hãng vẫn tiếp tục lên kế hoạch để có thể tăng giờ bay và tăng chuyến bay đêm đến mức tối đa.

Còn Vietjet cũng dự kiến sẽ tăng thêm 86.000 ghế, tương đương gần 425 chuyến bay trên các đường bay du lịch trong tuần nghỉ lễ giỗ Tổ, 30/4-1/5. Ngoài ra, hãng cũng bổ sung tần suất các đường bay đến và đi từ TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang trong giai đoạn hè, cung cấp thêm 1,3 triệu ghế để phục vụ người dân và du khách.

Theo một lãnh đạo Cục Hàng không, tính chất đặc thù khai thác lệch đầu trong các giai đoạn cao điểm đã bắt đầu xuất hiện vào dịp nghỉ lễ. Các chặng bay theo chiều từ hai thành phố lớn về các cảng hàng không, sân bay địa phương có tỷ lệ lấp đầy cao hơn vào thời điểm bắt đầu giai đoạn nghỉ lễ.

Cơ quan quản lý đã yêu cầu các hãng xem xét tăng tải cung ứng trên các đường bay từ Hà Nội, TP.HCM đi các địa điểm có nhu cầu du lịch lớn như Đà Nẵng, Phú Quốc, Tuy Hòa, Bình Định, Cam Ranh…đặc biệt trong các ngày 27 - 29/4 và 2 - 3/5 trên cơ sở phù hợp với hạ tầng và bảo đảm an ninh, an toàn các chuyến bay, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ lễ cũng như phục vụ các chương trình trong chuỗi hoạt động của Năm du lịch quốc gia 2024.

Mối lo thiếu máy bay trầm trọng

Ngành hàng không hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt máy bay trầm trọng. Nguyên nhân chính đến từ việc nhà sản xuất động cơ triệu hồi động cơ máy bay để kiểm tra, sửa chữa. Có 42 máy bay của Vietjet, Vietnam Airlines trong diện triệu hồi. Đến nay có 22 máy bay đã tháo động cơ và kiểm tra sửa chữa, 22 chiếc còn lại sẽ lần lượt dừng khai thác để kiểm tra động cơ trong năm.

Ngoài ra, khủng hoảng về chuỗi cung ứng toàn cầu, tình trạng thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật hàng không sau COVID-19 dẫn tới thiếu vật tư phụ tùng và công tác định kỳ, bảo dưỡng động cơ tàu bay bị kéo dài. Ban đầu nhà sản xuất Pratt & Whitney thông báo cần trung bình 18 tháng để kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế động cơ sau khi tháo khỏi máy bay. Nhưng thông tin cập nhật mới nhất là thời gian bảo dưỡng động cơ có thể kéo dài hết năm 2026, thậm chí sang đến năm 2027.

Theo tính toán của Cục Hàng không, dịp hè 2024, cần khoảng 24 - 26 triệu ghế để đáp ứng nhu cầu của hành khách và dự kiến các hãng sẽ thiếu từ 24 - 26 máy bay trong đợt này.

Phương án thuê máy bay đã được các hãng tính đến từ lâu, Song hiện máy bay vừa đắt đỏ vừa khan hiếm. Ví dụ, thời điểm trước Tết 2024, giá thuê máy bay Airbus A321 là 2.300 USD/giờ thì đến nay mức giá đã chạm ngưỡng 4.000 USD/giờ.

Trong bối cảnh này, các hãng hàng không phải nỗ lực xoay xở, áp dụng nhiều phương án, trong đó có việc cấp tốc sử dụng máy bay thân rộng.

Vietnam Airlines cho biết, dự kiến cuối tháng 5/2024 sẽ tiếp nhận máy bay Boeing 787-10 thứ 5 trong tổng số 8 chiếc theo hợp đồng thuê mua máy bay, đồng thời là máy bay thân rộng thứ 30 của hãng. Vietnam Airlines hiện là hãng hàng không duy nhất tại Việt Nam khai thác loại máy bay thân rộng hiện đại nhất và có kích thước lớn nhất này. 

Việc đưa đội máy bay thân rộng vào khai thác đường bay ngắn là bài toán khó cho việc cân đối chi phí. Vì chi phí động cơ và một số bộ phận kỹ thuật của loại tàu bay này là rất lớn nếu phải hạ/cất cánh thường xuyên hơn (bay đường dài thì 12-16 tiếng mới hạ/cất cánh 1 lần, nếu bay nội địa thì 1-2 tiếng đã phải hạ/cất cánh 1 lần). Mặc dù vậy, trong nhu cầu cấp thiết hiện nay thì hãng vẫn cần có phương án thay thế kịp thời, đảm bảo nhu cầu đi lại trong nước.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn