• Zalo

Kỷ lục gia Việt biến cậu bé tự kỷ, nghiện game thành 'thần đồng' siêu trí nhớ

Giáo dụcChủ Nhật, 16/09/2018 16:49:00 +07:00Google News

Từ một cậu bé tưởng chừng tách biệt với thế giới và khó khăn trong sinh hoạt thường ngày, Huỳnh Lâm Tính trở thành "thần đồng" siêu trí nhớ của Việt Nam.

Cậu bé kỳ cục

Ngay từ nhỏ, Huỳnh Lâm Tính (ở TP.HCM) có sở thích khá kỳ lạ, cậu đặt biệt say mê mới với bong bóng, xếp giấy và ngắm nhìn các cây cầu.

Đến lớp, nếu không thu mình lại thì Tính cũng chẳng ngồi yên một chỗ quá 5 phút. Cậu không thích chơi với bạn bè mà chỉ muốn nói chuyện với mỗi cô giáo.

Ngoài ra, Tính mắc vấn đề về võng mạc nên rất khó nhìn và quan sát, cũng chính vì thế, cậu hay nổi nóng với bạn. Dần dần, Tính bị các bạn cô lập, phải tìm kiếm niềm vui qua trò chơi điện tử và nghiện luôn.

Chị Trang - mẹ Tính nhớ lại, thấy con có những dấu hiệu giống như trẻ tự kỷ, chị đưa bé đi điều trị nhiều nơi. Tại bệnh viện (BV) Nhi đồng, các BS bảo chị hãy thường xuyên đưa con đi viện để điều trị vấn đề tâm lý.

"Tôi thấy con mình dù lạ nhưng cũng không đến nỗi nào, đâu nhất thiết phải như vậy. Một thời gian sau, tôi đưa con tới thầy Nguyễn Phùng Phong để đào tạo trí nhớ.

IMG_1282

 Huỳnh Lâm Tính trổ tại nhớ dãy ký tự hàng trăm số.

Ban đầu, tôi đăng ký tham dự để xem thế nào, nếu phù hợp sẽ đưa con vô. Tôi chỉ mong muốn con có thể phát huy hết những gì mình có, sau này lớn lên có thể tự chủ cuộc đời và hòa nhập cùng bạn bè là đủ rồi" – chị Trang tâm sự.

Như một cơ duyên, ngay khi tiếp xúc với bé, kỷ lục gia Nguyễn Phùng Phong - người từng thiết lập kỷ lục thế giới nhớ 198 quốc kỳ đảo ngẫu nhiên trong thời gian nhanh nhất phát hiện Tính có khả năng đặc biệt và nhận cậu.

Kể cả kỷ lục gia và cha mẹ Tính cũng không ngờ rằng đó là khởi đầu cho một "thần đồng" trí nhớ xuất hiện.

Phương pháp của kỷ lục gia

Khởi đầu, Huỳnh Lâm Tính được nắn chỉnh về phương pháp ghi nhớ trong học tập mỗi tuần 1 buổi. Một thời gian ngắn, Tính đã tỏ ra vượt trội hơn người. Tính chỉ cần học trên lớp là có thể nhớ ngay, không cần về nhà học lại. Tính dần được các bạn ngưỡng mộ vì khả năng nhớ cực lâu của mình.

Cuối năm 2017, cậu bé tự kỷ - tăng động ngày nào chính thức được chọn tham dự cuộc thi Trí nhớ thế giới (Super Memory Championship).

Tháng 12/2017, tin vui báo về. Đội tuyển siêu trí nhớ Việt Nam với 3 huấn luyện viên và 6 tuyển thủ tham dự (trong đó có Tính) giành được giải Đồng đội trên đất Trung Quốc.

Từ một đứa trẻ thụ động và nghiện game, Huỳnh Lâm Tính trở thành một trong những gương mặt nổi bật về trí nhớ của Việt Nam.

Chia sẻ về bí quyết khơi gợi khả năng của Tính, kỷ lục gia Nguyễn Phùng Phong nói, ông cố gắng giúp bé mã hóa từ con số thành hình ảnh.

IMG_1236

 Kỷ lục gia Nguyễn Phùng Phong thay mặt đội tuyển Siêu trí nhớ Việt Nam nhận thưởng từ Hội Kỷ lục gia Việt Nam.

"Con số thuộc về não trái, còn hình ảnh thuộc về não phải, nếu chỉ nhớ số thì chỉ dùng có một phần não. Khi bạn tập phương pháp này sẽ ghi nhớ bằng cả hai bán cầu não nên nhớ nhiều và nhớ lâu hơn. Đây là phương pháp toàn não", kỷ lục gia Nguyễn Phùng Phong cho biết.

Thứ hai là phương pháp diễn họa thông tin thành hình ảnh. Đây là phương pháp giúp trẻ học được cách ghi chép, truyền tải các ý tưởng trong học tập, công việc và cuộc sống một cách nhanh chóng, dễ hiểu và dễ nhớ

Thứ ba là lập sơ đồ tư duy để tận dụng khả năng ghi nhận hình ảnh của bộ não. Đây là cách để ghi nhớ chi tiết, tổng hợp hay phân tích một vấn đề ra thành một dạng của lược đồ phân nhánh. Phương pháp này giúp khai thác triệt để khả năng liên lạc, liên hệ các dữ kiện với nhau của não bộ.

Thứ tư là phương pháp trí nhớ định vị (hay hành trình ghi nhớ), đây là cách xây dựng trí nhớ dựa trên những vật dụng, địa điểm, không gian quen thuộc với mình thành một hệ thống hành trình.

Phương pháp hành trình trí nhớ giúp nhớ nhanh hơn, dễ hơn và lâu hơn vì kết hợp cả 2 yếu tốt hình ảnh và không gian.

Mộc Lê
Bình luận
vtcnews.vn