Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã bế mạc chiều 15/11 sau 21 ngày làm việc khẩn trương, liên tục.
“Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã phản ánh được đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tất cả những vấn đề được người dân quan tâm đều được mang ra nghị trường để trao đổi, phân tích, tìm ra giải pháp nhanh để có thể đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri”. Đây là nhận định chung của đông đảo đại biểu Quốc hội.
“Hơi thở” cuộc sống tràn ngập Nghị trường
Đánh giá cụ thể về kết quả kỳ họp lần này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải chia sẻ, đặc điểm dễ nhận thấy trong những kỳ họp cuối năm của Quốc hội những năm gần đây là tính sôi động và hơi thở cuộc sống “tràn ngập” trên Nghị trường. Kỳ họp lần này cũng vậy, các phản ánh, kiến nghị của cử tri, thực tiễn đời sống như xăng dầu, đất đai, giải phóng mặt bằng, giá thuốc, vấn đề tự chủ của bệnh viện… gần như phủ kín các phiên thảo luận về kinh tế xã hội, các phiên chất vấn thành viên Chính phủ cũng như các phiên thảo luận về các dự án luật.
“Có thể nói, các ĐBQH hết sức trách nhiệm và nhiệt tình, kỹ năng, kiến thức trong quá trình tham gia các phiên họp của Quốc hội, đặc biệt các phiên chất vấn. Điểm mấu chốt mang tới thành công của kỳ họp Quốc hội là từng đại biểu Quốc hội”, bà Hải nhấn mạnh.
Yếu tố thứ hai làm nên thành công của kỳ họp theo nữ Bí thư tỉnh Thái Nguyên đó là công tác chuẩn bị tài liệu của Quốc hội, trong đó không thể phủ nhận vai trò của Chính phủ, cơ quan tham mưu, đã khắc phục được nhiều bất cập của các kỳ họp trước về công tác chuẩn bị tài liệu, nhờ đó tài liệu không chỉ được gửi đến đại biểu từ sớm mà được chuẩn bị hết sức chi tiết, nhiều đổi mới từ việc đánh giá, có hệ thống biểu bảng giúp đại biểu phân tích, đánh giá dễ dàng trong quá trình nghiên cứu tài liệu.
Yếu tố thứ ba không thể không nhắc tới là sự điều hành của chủ tọa kỳ họp, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội, rất linh hoạt và am hiểu trong điều hành những lĩnh vực được đưa ra thảo luận. Cùng góp phần làm nên thành công của kỳ họp là vai trò của đội ngũ phóng viên báo chí và đội ngũ hậu cần phục vụ kỳ họp. Nhờ đó, nội dung của kỳ họp được chuyển tải tới cử tri, với Nhân dân và bạn bè quốc tế nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Với sự đóng góp của đội ngũ hậu cần phục vụ kỳ họp, những trục trặc trong quá trình bấm nút ở các phiên thảo luận do hệ thống bị quá tải ở những kỳ họp trước đã được khắc phục tối đa, trong kỳ họp này, hệ thống “chạy” trơn tru, không xảy ra bất cứ điều gì.
“Không vì cần ban hành chính sách mà bỏ qua yêu cầu nội dung”
Có thể thấy, kỳ họp lần này của Quốc hội có khối lượng công việc lập pháp rất lớn, thảo luận cho ý kiến lần đầu với 7 dự án luật và dự kiến thông qua 7 dự án luật khác, thậm chí dành nguyên 1 ngày để cho ý kiến đối với dự án quan trọng như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi). Tuy nhiên do còn nhiều ý kiến khác nhau, nên Quốc hội đã quyết định chưa thông qua Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) ở kỳ họp này.
Đây cũng là điều khiến đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) ấn tượng ở kỳ họp thứ 4 đó là sự chủ động trong công tác lập pháp của Quốc hội, không vì mục tiêu phải ban hành chính sách thật nhanh mà bỏ qua yêu cầu về nội dung, đảm bảo các yêu cầu và tính khả thi, hiệu quả để luật có thể đi vào cuộc sống.
“Tôi nghĩ rằng, việc Quốc hội chưa thông qua một đạo luật nào đó vì các chính sách, nội dung, giải pháp trong đó chưa đủ chín, đủ rõ, chưa đáp ứng các yêu cầu, nhất là tính khả thi, hiệu quả, thì việc cần có thêm thời gian để xem xét là cần thiết, trong đó Luật Khám chữa bệnh là một ví dụ”, đại biểu Đồng Ngọc Ba nêu quan điểm.
Tham gia các phiên chất vấn, trả lời chất vấn và thảo luận, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) còn cảm nhận được bản lĩnh của các ĐBQH khi đặt các câu hỏi trúng, đúng, đi thẳng vào vấn đề, thể hiện sự đồng hành cùng tháo gỡ với Chính phủ, qua đó không chỉ chỉ ra những vấn đề Chính phủ đã làm được, đặc biệt những vấn đề chưa làm được, thậm chí những công việc triển khai chưa đạt yêu cầu, từ đó tìm ra các nguyên nhân và chỉ ra các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Nhấn mạnh, kỳ họp này tiếp tục kế thừa những kết quả của các kỳ họp trước, được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu với các nhóm nội dung chính liên quan công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó tâm điểm là đã đánh giá lại kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và đưa ra định hướng giải pháp cho năm 2023 cũng như thời gian tới, đại biểu đoàn Bình Định tin tưởng, "từ kết quả của kỳ họp này, tôi tin rằng những quyết sách, quyết định của Quốc hội, nhất là những giải pháp cho thời gian tới, sẽ phát huy được hiệu quả trong thực tiễn, có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều quan trọng là đời sống của người dân sẽ được nâng lên".
Khẳng định “đúng là tinh thần đổi mới của Quốc hội đã được “thổi” vào nhiệm kỳ này rất nhiều", đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) cũng nhận thấy “Quốc hội đã có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, những vấn đề cần thiết đối với đời sống xã hội. Cùng với đó, các vấn đề phải được xử lý một cách cặn kẽ, thấu đáo”.
Việc Quốc hội lùi thời gian thông qua Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), một dự luật rất “nóng”, liên quan trực tiếp đến mỗi người dân, thu hút sự quan tâm lớn của cử tri, đã thể hiện đúng tinh thần làm luật của Quốc hội “lấy người dân, người bệnh làm trung tâm”. Theo kế hoạch của Chính phủ, dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) được xem xét, thông qua ở 2 kỳ họp, nhưng với những vấn đề chưa được làm rõ, thống nhất giữa các đại biểu với nhau, và giữa số đông các đại biểu, Quốc hội đã quyết định để lại nhằm xem xét, đánh giá sát với thực tiễn hơn, bảo đảm pháp luật chính sách phải đi vào thực tiễn.
“Những đạo luật liên quan đến nhau được thông qua đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả”
Ở một góc nhìn khác, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho rằng, kỳ họp lần này rất thành công với sự bố trí các chương trình và nội dung rất khoa học, hợp lý. Trong thời gian ngắn nhất có thể, rất nhiều đạo luật đã được thông qua, trong đó đặc biệt là những luật có liên quan đến nhau, bảo đảm sự đồng bộ và hiệu quả.
“Các buổi thảo luận tổ ghi nhận nhiều ý kiến các đại biểu tham gia. Có những tổ thảo luận đến hết buổi và tập trung nhiều vào những vấn đề đang chờ có biện pháp giải quyết. Phiên chất vấn cũng diễn ra sôi nổi. Các chất vấn đi thẳng vào những vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực các Bộ trưởng quản lý, đáp lại, các Bộ trưởng đã trả lời cơ bản thấu đáo các vấn đề. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng, trưởng ngành cũng đã đưa ra những lời hứa và cam kết sẽ giải quyết tốt vấn đề thuộc lĩnh vực mình phụ trách trong thời gian tới. Với sự giám sát của Quốc hội, sự theo dõi, giám sát của các đại biểu đã chất vấn, tôi kỳ vọng những vấn đề đại biểu nêu và các Bộ trưởng đã hứa, cam kết sẽ được giải quyết một cách thấu đáo trong thời gian tới”, đại biểu Trần Quang Minh bày tỏ.
Tuy nhiên, trong các vấn đề nêu ra tại kỳ họp, đại biểu đoàn Quảng Bình vẫn băn khoăn về việc giải ngân vốn đầu tư công đang gặp nhiều khó khăn, liên quan đến nhiều vấn đề từ cán bộ, thực thi và sự quyết liệt vào cuộc của các cấp, các ngành và các địa phương.
Đại biểu cho rằng, trong việc giải ngân vốn đầu tư công, kể cả các chương trình mục tiêu quốc gia, cần phải có sự phân công, phân nhiệm và đề ra lộ trình cụ thể, đồng thời có tổng kết, đánh giá theo từng giai đoạn để đạt được mục tiêu.
Bình luận