Cúc Phương (Ninh Bình), là Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, với hệ sinh thái vô cùng phong phú, độc đáo, nguyên bản.
Giữa đại ngàn hoang sơ diệu vợi, vạn năm nay vẫn thế, có một hang động tuyệt đẹp ẩn trên vách đá vôi không cao lắm. Đó là ngôi nhà của người cổ xưa, tổ tiên của người Việt ở vùng đất này, những người ăn lông ở lỗ.
Hang đó, được gọi là Động Người Xưa. Cái tên đúng với nghĩa thực, bởi nó là nơi người xưa cư trú. Phía bên kia dải núi, thuộc đất Thạch Thành (Thanh Hóa), thuộc vùng rìa VQG Cúc Phương, có một hang động nữa, rất nổi tiếng, là hàng Con Moong, cũng là di tích tiêu biểu của thời kỳ cuộc sống khởi thủy và mông muội gần vạn năm trước.
Có thể nói, Động Người Xưa và Con Moong trong VQG Cúc Phương, là ngôi nhà đặc trưng nhất của tổ tiên người Việt, với những câu chuyện vừa ly kỳ, hấp dẫn, có phần rùng rợn, nhưng mang tính khảo cổ đặc sắc. Bằng các cuộc khai quật, các nhà khoa học đã hiểu được gần như toàn bộ đời sống vất chất, tinh thần, tập quán của tổ tiên thời còn ăn lông ở lỗ, lấy hang đá làm nhà.
Ngày giữa tuần vắng khách. Thi thoảng có vài cặp tây ba lô đạp xe trên con đường nhựa như dải lụa xuyên rừng Cúc Phương, để tìm không gian thanh bình. Tôi trèo lên những bậc đá xanh rêu tìm đến Động Người Xưa.
Chiều xuống nhanh, không gian âm u, tĩnh mịch. Đang trèo những bậc đá, thì gặp anh Thái, người Mường, nhà ở mãi xã Thành Yên, gùi bó dược liệu đi qua.
Rủ vào hang đá, anh Thái lắc đầu từ chối. Theo lời anh Thái, người Mường sống trong Cúc Phương không gọi hang đá ấy là Động Người Xưa, mà gọi là Hang Ma.
Tôi đã từng đến nhiều hang đá, nơi có mộ táng người xưa, cả táng chum, táng đất, mộ treo, ở cả vùng người Mường và người Thái, thì họ đều gọi những hang động đó là Hang Ma. Có thể, theo họ, nơi người chết trú ngụ, thì đều gọi là Hang Ma.
Tổ tiên người Mường kể rằng, Hang Ma ấy, là nơi ma trú ngụ, rất linh thiêng, rất rùng rợn, nên chẳng ai dám bén mảng đến.
Anh Thái còn khẳng định như đinh đóng cột rằng, có lần, trong buổi chiều tà, khi đi lấy thuốc qua vách núi này, anh nghe thấy tiếng trai gái cười khúc khích. Tưởng khách du lịch khám phá hang động, anh bò xuống xem. Thế nhưng, anh thấy mấy cặp trai gái ăn mặc rất kỳ lạ, chỉ đắp vỏ cây lên chỗ kín, cùng nhau đi xuống suối dưới chân núi.
Anh ngồi trên vách đá nhìn xem, thì lát sau thấy họ đi từ dưới suối lên, vai gùi theo những ống bương đầy ắp nước. Họ đeo chiếc rìu đá ở hông. Trai gái đều ngực trần. Mấy cô gái da ngăm, nhưng ngực tròn như quả bưởi, rất đẹp.
Điều kỳ lạ, là khi nhóm trai gái đi lấy nước, cười nói líu lo, đến vách đá, chỗ có hang động, thì họ biến mất luôn. Anh Thái có cảm giác như họ chui tọt vào trong đá.
Về nhà, hỏi các cụ già người Mường, thì các cụ bảo rằng, ở Động Người Xưa và hang Con Moong đều có những hình ảnh ấy. Điều lạ nữa, là chỉ người Mường thấy được, còn khách du lịch thì không bao giờ thấy được cảnh đó.
Người Mường tin rằng, đó là hình ảnh tổ tiên của họ và tổ tiên chỉ cho con cháu của họ thấy được mà thôi. Liệu những người mông muội sống trong hang đá gần vạn năm trước, có phải là tổ tiên của những cư dân Mường sống quanh Cúc Phương bây giờ?
Ánh sáng của chiếc đèn pin mà tôi mang theo dường như bị hút mất bởi bóng đêm quá đậm đặc. Cảm giác lạnh lẽo, rờn rợn khi những ngôi mộ thấp lè tè hiện ra dưới ánh sáng yếu ớt, với những chân hương vương vãi.
Tiếng đập cánh của những con dơi bay ra từ hang đá đi kiếm ăn phát ra từ không gian tĩnh mịch càng gợi lên vẻ u tịch, rợn người.
Ngoài cái tên Hang Ma, thì người Mường còn gọi là hang Đăng Đắng, dịch ra là Hang Dơi, bởi hang động này là nơi trú ngụ của rất nhiều loài dơi. Người Mường thích ăn thịt dơi, hay săn dơi, nhưng họ không bao giờ dám bắt dơi ở Động Người Xưa và hang Con Moong. Họ tin rằng, mỗi linh hồn hóa thành một con dơi. Cả vạn con dơi trong động này, là cả vạn linh hồn tổ tiên họ.
Các nhà khoa học đã xác định được tới 19 loài dơi cùng trú ngụ trong hang đá này. Dù không phải nơi có nhiều cá thể dơi nhất, nhưng Động Người Xưa là nơi có nhiều loài dơi trú ngụ nhất thế giới. Việc có tới 19 loài cùng trú ngụ hòa bình trong một hang đá, thực sự là điều bí ẩn, mà các nhà khoa học cũng chưa giải mã được.
Động Người Xưa là một hang đá bằng phẳng, rộng rãi, có vòm cao tới 45m, hun hút bóng đêm. Vòm hang quay hướng đông nam, và miệng hang trông như miệng con rồng khổng lồ. Bên trong lòng hang rất rộng, với nhiều ngóc ngách thông ra nhiều hướng, với nhiều tầng hang. Ngôi nhà khổng lồ này có thể chứa được cả ngàn người.
Cũng như nhiều hang đá khác, vòm đá vôi tạo ra những nhũ đá nhiều màu sắc, nhưng điều đặc biệt, là gõ vào những nhũ đá phát ra âm thanh lạ như tiếng cồng, chiêng của người Mường.
Dù ít được biết đến, nhưng thực tế, Động Người Xưa đã được các nhà khoa học của Viện Khảo cổ phát hiện và khai quật từ năm 1966, cách nay nửa thế kỷ.
Kết quả khai quật thu được rất nhiều hiện vật, với đủ các loại vỏ ốc suối, ốc núi, các loại xương răng động vật, công cụ lao động, đồ gốm, ẩn trong các tầng văn hóa rất dày.
Các hiện vật cho thấy, nguồn sống của người xưa phụ thuộc hoàn toàn vào rừng. Họ săn bắn, hái lượm để sống. Cuộc sống hoàn toàn hoang dại.
Đồ dùng mới chỉ là đá cuội. Họ tạo những hòn đá, cuội thành rìu đá để chặt cây, nạo vỏ cây, xẻ thịt da thú rừng. Cối và chày nghiền hạt cũng chỉ là đá cuội.
Những hiện vật gần với cuộc sống hiện đại hơn là đồ gốm. Tổ tiên của chúng ta dù ở trong hang, song cũng đã biết làm ra đồ gốm, với những chiếc vò bằng đất sét nung.
Điều đặc biệt nhất, thể hiện sự mông muội cổ xưa, đó là những mộ táng được phát hiện trong hang đá này. Trong cuộc khai quật cách nay nửa thế kỷ, các nhà khoa học đã kinh ngạc khi phát hiện 3 ngôi mộ cổ ở độ sâu 0,4m và 1,4m, chôn theo tư thế nằm co ro. Dấu tích xương cốt vẫn còn rõ rệt.
Người chết đã bị trói lại trong tư thế co ro. Người ta đào một cái hố, đặt xác người bị trói lại theo tư thế nằm, rắc thổ hoàng, chia công cụ bằng đá, trang sức vỏ nhuyễn thể, rồi lấp đất lại, và tiếp tục sinh hoạt bên trên.
Các nhà khoa học lý giải rằng, sở dĩ người xưa trói người chết trước khi chôn, bởi họ tin rằng, làm như thế, “con ma” sẽ không trở về làm hại người sống.
Ba ngôi mộ đều có kiến trúc độc đáo, xung quanh xếp đá hộc, đáy rải đá dăm. Bên cạnh những ngôi mộ có dấu tích của bếp lửa, với những lớp than dày. Có thể, người xưa muốn người chết luôn gần gũi với mình, nên mới chôn cạnh bếp lửa như thế. Bởi, bếp lửa có vị trí rất quan trọng, linh thiêng, là nơi quây quần của người cổ.
Các kết quả bằng phóng xạ các bon cho thấy, người nguyên thủy đã sống ở hang đá này cách nay gần 1 vạn năm, thuộc nền văn hóa Hòa Bình.
Những ngôi mộ cổ trong Động Người Xưa, là những ngôi mộ đầu tiên của Văn hóa Hòa Bình được phát hiện, đã làm sáng tỏ những ý niệm sơ khai về tín ngưỡng tôn giáo nguyên thủy.
Khám phá Động Người Xưa, thắp nén nhang trong hang động này, cũng là sự tưởng nhớ đến tổ tiên của mình.
Dương Ngọc Phạm
Bình luận