• Zalo

Kinh hãi làm miến ở làng nghề

Kinh tếThứ Hai, 17/12/2012 10:14:00 +07:00Google News

Chúng tôi đã tận thấy công nghệ làm miến tại những làng nghề vốn được coi là “nổi tiếng” Hà Nội và không khỏi rùng mình.

Chúng tôi đã tận thấy công nghệ làm miến tại những làng nghề vốn được coi là “nổi tiếng” Hà Nội như Cự Đà (Thanh Oai) hay Dương Liễu (Hoài Đức) và không khỏi rùng mình.

Bạ đâu sản xuất đấy

Làng Cự Đà có nghề làm miến từ rất lâu, mùi miến ướt chua chua, khăn khẳn đã trở nên quá quen thuộc với dân từ thuở họ mới chào đời. Đặt chân đến Cự Đà, khách lạ có lẽ phải bịt mũi, nhưng với cư dân của làng thì… vô tư.

Dùng chân vò cho khỏi dính vào nhau.
Miến được phơi khắp nơi, xen kẽ ngay cạnh những rãnh nước thải đen ngòm, bốc mùi nồng nặc của chính cơ sở sản xuất. Sự xuất hiện của tôi khi lân la hỏi vài em nhỏ phơi miến đã thu hút sự chú ý của chị Nguyễn Thị H.

Chị H. nói: “Các anh mua miến trắng hay miến vàng, lấy bao nhiêu tấn, loại nào nhà em cũng có”.

Theo chân chị H. chúng tôi bước vào căn nhà kiêm luôn xưởng sản xuất thấp lè tè và bẩn thỉu, phía trên lợp phibro ximăng. Gọi là khu xưởng cho oai, thực chất đây chỉ là một khoảng sân cũ được dựng lên bằng mấy chiếc cột sắt để che mưa nắng.

Toàn bộ quy trình sản xuất này, thợ làm miến vô tư dùng tay, chân, thậm chí đi cả giày dép lên chính đống miến thành phẩm.
Giữa xưởng là một chiếc máy tráng miến cọc cạch và hoen gỉ được phủ bao tải dứa. Có lẽ, từ khi mở xưởng đến nay, chưa bao giờ cỗ máy này được vệ sinh sạch sẽ.

Ngay bên cạnh là 6-7 chiếc bồn xi măng được quây tròn dùng làm bể lọc, bể nào cũng cáu bẩn loang lổ vết bột. Dưới nền lõng bõng nước thải bốc mùi chua. Tại một góc trong cùng là dăm người thợ đang lúi húi bó từng bó miến thành phẩm ngay trên nền đất.

Nơi xay bột dong để làm miến chỉ cách cầu tiêu tự hoại chưa đầy 1m. 

Thấy chúng tôi phàn nàn về việc sản xuất miến mất vệ sinh, chị H. nói: “Các anh mua miến về để buôn hay để ăn mà cẩn thận thế? Nhà đất ở đây chật, công việc lại lu bù, không tận dụng như vậy thì biết sản xuất ở đâu?”.

Tôi cũng giật mình khi nhận ra nơi tận dụng để chứa bột dong chính là toilet có cửa làm bằng tấm lợp rách mà trước đó người ta vẫn vào đó và dội nước ào ào.

Nước để lọc bột dong được lấy lên từ chiếc ao tù ngay cạnh mặt đường. 

Phơi trên bãi rác, mồ mả

Quy trình để sản xuất miến bắt đầu từ việc thu mua củ dong riềng. Thông thường, chủ cơ sở sản xuất sẽ thu gom dong từ các đầu mối cung cấp và mang về xay lấy bột.

Những phên miến phơi cạnh đường xe lửa hứng đủ mọi thứ nước thải từ toilet của các đoàn tàu chạy qua. 

Nhiều làng nghề làm miến đều chưa có nước sạch nên nước ngâm bột đều là nước ao tù. Nơi nào khá lắm thì có nước giếng khoan. Củ dong lẫn đất cát được làm sạch tại chỗ rồi đưa vào xay cho ra một thứ hỗn hợp bột-nước màu đen.

Thứ hỗn hợp đó sẽ được ngâm trong bể xi măng lộ thiên ngoài trời cho bột lắng lại mà người ta gọi là “lọc”. Sau vài lần “lọc” như vậy, bột sẽ bớt đen và được người ta dùng xẻng đóng vào bao tải và chuyển vào xưởng để chế biến thành miến.

Hoặc phơi trên các ngôi mộ ngoài bãi tha ma 

Sau khi đưa vào xưởng, bột lại một lần nữa được ngâm vào các bể xi măng nhỏ hơn. Lúc này bột bắt đầu qua công nghệ “làm đẹp”.

Chủ xưởng sẽ dùng một loại nước đựng trong những chiếc can toàn chữ Trung Quốc bắt đầu múc ra từng ca để pha với bột dong nhằm tạo màu. Tùy đầu mối yêu cầu màu gì thì xưởng sản xuất sẽ đáp ứng màu đó.

Sau khi pha xong hóa chất, bột được đưa lên máy hấp và cán ra thành từng tấm khổ 70x150cm và đưa lên phên nứa mang đi phơi gần đường sắt, thậm chí mồ mả ngay bờ kênh nước thải, bãi rác (ở Cự Đà).

Khi các tấm miến đã se mặt, dân đưa về để cắt nhỏ thành sợi, phơi lại một lần nữa cho khô rồi mang đi tiêu thụ.

Toàn bộ quy trình sản xuất này, thợ làm miến vô tư dùng tay, chân, thậm chí đi cả giày dép lên chính đống miến thành phẩm.

Hằng ngày, hàng chục tấn miến được sản xuất bằng “công nghệ” như vậy vẫn được mang đi khắp mọi miền đất nước.

Theo Tiền phong

Bình luận
vtcnews.vn