• Zalo

Không xuất được hàng sang Trung Quốc, chủ vựa trái cây miền Tây ngậm ngùi đóng cửa

Thị trường Thứ Ba, 04/02/2020 13:36:54 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều chủ vựa chuyên thu mua các loại trái cây ở miền Tây để xuất sang thị trường Trung Quốc đang tạm đóng cửa vì ảnh hưởng của dịch bệnh corona khiến cửa khẩu chưa thể thông quan.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Virus corona bùng phát khiến Trung Quốc tạm dừng thông quan cửa khẩu, tác động đến việc tiêu thụ nông sản Việt Nam.

Một chủ vựa ở Tiền Giang chuyên thu mua mít để xuất khẩu sang Trung Quốc cho biết, quyết định tạm đóng vựa thu mua, chờ đến khi dịch bệnh được khống chế mới tính tiếp. "Trước đây, mỗi ngày tôi xuất đi Trung Quốc 30 đến 40 tấn mít. Giá mít trước Tết tôi thu mua tại vựa trên dưới 40.000 đồng/kg. Như mọi năm, ngày mùng 2 đến mùng 4 tôi đã mở cửa thu mua lại nhưng giờ chưa xuất hàng sang được Trung Quốc nên vẫn đóng cửa", người này nói.

Không xuất được hàng sang Trung Quốc, chủ vựa trái cây miền Tây ngậm ngùi đóng cửa - 1

Thương lái cho biết họ thu mua mít (loại 1) tại vườn với giá khoảng 7.000 đồng/kg.

Ghi nhận tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho thấy, mít được các thương lái thu mua tại vườn hiện ở mức rất thấp. Một số thương lái cho biết, hiện chỉ thu mua mít loại 1 và bán cho thị trường nội địa. “26, 27 Tết, tôi mua mít với giá 26.000 - 27.000 đồng/kg nay chỉ còn 7.000 đồng (đối với mít loại 1). Tôi giao lại vựa với giá 9.000 đồng/kg”, chị Hồ Thị Lành – thương lái chuyên thu mua mít tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết.

Giống như mít, sầu riêng Việt cũng chịu ảnh hưởng lớn từ việc cửa khẩu dừng thông quan. Ông Huỳnh Tấn Lộc - Giám đốc hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp, huyện Cái Bè , tỉnh Tiền Giang, cho biết, hiện sầu riêng đang nghịch vụ thế nhưng ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc cũng khiến đầu ra của loại trái cây này gặp khó.

“Thị trường của sầu riêng Việt chủ yếu là Trung Quốc, các thị trường khác và cả trong nước không bao nhiêu. Như hợp tác xã của tôi ngày mùng 8 mới đóng hàng xuất được cho Nhật Bản nhưng cũng chỉ một tấn thôi”, ông Lộc thông tin.

 

Không xuất được hàng sang Trung Quốc, chủ vựa trái cây miền Tây ngậm ngùi đóng cửa - 2

Kho sầu riêng của ông Ngô Tấn Lâm tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy tạm đóng cửa vì chưa thể xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An (địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất miền Tây), hiện nay sản lượng thanh long tồn kho khoảng 1.900 tấn. Dự báo sản lượng thanh long thu hoạch toàn tỉnh (từ 28/1 đến 13/2) ước tính khoảng 63.000 tấn. Theo các nông dân, giá thanh long hiện được thương lái thu mua chỉ từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg. Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tối 2/2/2020, có khoảng 175 xe thanh long loại 20 tấn/xe đang nằm chờ tại Lạng Sơn vì không thể thông quan.

Ông Nguyễn Thành Vinh, Phó Tổng Giám đốc Liên Hiệp Hội các Hợp tác xã Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cho rằng đã đến lúc trái cây Tiền Giang cũng như cả nước phải nâng cao về chất lượng, để đủ sức cạnh tranh và xuất khẩu  sang các thị trường ”khó tính” như châu Âu, thay vì chỉ phụ thuộc vào thị trường trong nước.

"Nông dân phải tổ chức lại sản xuất, phối hợp với chính quyền. Bên ngành nông nghiệp phải có cán bộ khoa học kỹ thuật đến hướng dẫn bà con sản xuất trái cây theo GAP, phải bao trái, quản lý sâu bệnh cho chặt chẽ để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Bây giờ trái cây Việt Nam rất nhiều, thị trường xuất khẩu rất cần mà chất lượng chưa đạt", ông Vinh nhận định.

Trước diễn biến của dịch bệnh corona, trong trường hợp dịch bùng phát kéo dài nhiều tháng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, đơn vị ngành Công Thương các địa phương phối hợp đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; Ưu tiên thị trường nội địa; Khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản; Tập trung chỉ đạo phối hợp với các địa phương, nghiên cứu điều chỉnh đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương.

THANH TIẾN
Bình luận
vtcnews.vn