• Zalo

'Không thể hiểu sao trong bom đạn, Hoàng Vân lại viết những câu hát dân dã tới thế?'

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 05/02/2018 11:38:00 +07:00 Google News

Nhạc trưởng Lê Phi Phi - con trai và là đồng nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Vân từng thốt lên: Không hiểu vì sao giữa thời kỳ bom đạn ác liệt, ông lại cho ra những câu hát: "Nếu ai hỏi vì sao, quê hương chúng ta đồng lúa mới" đời thường, dân dã tới thế.

Nhạc sĩ Hoàng Vân, tên thật là Lê Văn Ngọ. Ông sinh ngày 24/7/1930 trong một gia đình trí thức tại Hà Nội. Ông được gia đình cho học nhạc lý từ rất nhỏ. Thế nên, khi chỉ mới 15 tuổi, ông có sáng tác cho riêng mình.

Giống như nhiều nghệ sĩ cùng thời, sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Vân gắn liên với cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc. Năm 16 tuổi ông tham gia Đội thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế rồi làm phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312.

Nhạc sĩ Hoàng Vân từng được cử đi học tại Nhạc viện Trung ương Trung Quốc, tiếp đến là Nhạc viện Sofia, Bulgaria. Sinh thời, ông từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như: Chỉ huy dàn nhạc đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam kiêm chỉ đạo nghệ thuật, giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội. Ông từng là ủy viên Ban Chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam. Ông có nhiều học trò thành danh như nhạc sĩ An Thuyên, Trương Ngọc Ninh, Văn Thành Nho, Phú Quang,...

hoang-van-1517721399081151372769

Nhạc sĩ Hoàng Vân.

Nhạc sỹ Hoàng Vân có một gia tài sáng tác đồ sộ bao gồm ca khúc, khí nhạc. Ông là tác giả của nhiều ca khúc mang âm hưởng anh hùng ca hào sảng, trong đó tiêu biểu là bài Hò kéo pháo.

Bên cạnh đó, ông còn viết nhiều ca khúc trữ tình, lãng mạn, trong đó nổi bật là ca khúc Quảng Bình quê ta ơi. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một người con của đất Quảng Bình rất yêu thích ca khúc này. Trong suốt thời gian điều trị tại Bệnh viện 108 trước khi qua đời, vị Đại tướng luôn yêu cầu con cháu bật bài này cho ông nghe mỗi ngày.

Con trai nhạc sĩ Hoàng Vân - nhạc trưởng Lê Phi Phi cũng không ít lần bày tỏ sự ngạc nhiên vì sao giữa thời kỳ bom đạn ác liệt, ông lại cho ra những câu hát: "Nếu ai hỏi vì sao, quê hương chúng ta đồng lúa mới" đời thường, dân dã tới thế.

Một mảng đề tài khác nổi bật trong gia tài đồ sộ của Hoàng Vân là các sáng tác về nhiều ngành nghề. Có thể coi ông là người sáng tác nhiều nhất về các ngành của Việt Nam, trải dài cả công - nông - binh.

Đặc biệt hơn, mỗi sáng tác của ông đều hay và được mọi người yêu thích đến nỗi được xem như "ngành ca".

Nhạc sĩ Hoàng Vân cũng có nhiều sáng tác dành cho thiếu nhi được nhiều người thuộc lòng như: Em yêu trường em, Con chim vành khuyên, Bài ca tình bạn... 

Không chỉ sáng tác ca khúc, ông còn viết nhiều tác phẩm hợp xướng và khí nhạc. Một số hợp xướng viết với dàn nhạc giao hưởng như: Hồi tưởng, Việt Nam muôn năm, Vượt núi, Tuổi lên mười, Hát dưới cờ búa liềm, Thành phố chúng ta nhà máy chúng ta...

Ngoài tình yêu dành cho âm nhạc, nhạc sĩ Hoàng Vân còn dành tình cảm lớn cho người bạn đời, bà Ngọc Anh - vốn là một bác sĩ. Ông từng viết nhiều ca khúc và sử dụng bút danh là Y-NA (viết tắt của cụm từ Yêu Ngọc Anh).

Nhạc sĩ Hoàng Vân có với nhau hai người con là nhạc trưởng Lê Phi Phi và Tiến sĩ âm nhạc Y Linh. Vì các con đều định cư ở nước ngoài nên nhạc sĩ Hoàng Vân và vợ sống với nhau trong căn nhà ở phố Hàng Thùng. Thời gian mắc bệnh nặng và phải nằm viện, nhạc sĩ Hoàng Vân từng năn nỉ các bác sĩ được về nhà với vợ.

Con người ấy, tài năng ấy, tình yêu ấy, đã đi về một nơi xa, nhưng những gì ông gửi lại, thì trong lòng những người ở lại, còn sống mãi. 

Video: Hò kéo pháo - sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Vân

Mộc Lan
Bình luận
vtcnews.vn