Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 19/12 - 22/12 tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Trong lễ khai mạc, Không quân Việt Nam sẽ bay chào mừng với 7 máy bay tiêm kích Su-30MK2 và các trực thăng họ Mi. Đặc biệt là màn bay chào mừng của những tiêm kích Su-30MK2 với bài bay lộn nhào, xoắn nhiều vòng trên không, thắt vùng đứng, bay biên đội 3, biên đội 4 chiếc ở cự ly hẹp, độ cao thấp...
Trên thế giới hiện nay có 5 quốc gia sở hữu chiến đấu cơ Su-30MK2 và Việt Nam là một trong số đó, các quốc gia khác gồm Trung Quốc, Venezuela, Indonesia và Uganda.
Ở khu vực Đông Nam Á, Su-30MK2 có trong biên chế Không quân Việt Nam được đánh giá là một trong những chiến đấu cơ hiện đại nhất nhờ khả năng tác chiến linh hoạt đi kèm hệ thống vũ khí đa năng.
Máy bay có chiều dài 21,9 m, cao 6,4 m, sải cánh 14,7 m, có khả năng mang 8 tấn vũ khí. Nhờ khả năng có thể tiếp nhiên liệu trên không, Su-30MK2 có thể mở rộng tầm hoạt động lên tới 8.000 km sau 2 lần tiếp nhiên liệu. Khi bay không tiếp nhiên liệu, máy bay có tầm hoạt động 3.000 km.
Điểm nổi bật ở Su-30MK2 là khả năng cơ động đặc biệt cao, và có thể triển khai tấn công cả máy bay có người lái và không người lái. Với trang bị hệ thống tên lửa dẫn đường tầm ngắn và tầm trung, những chiếc chiến đấu cơ có biệt danh “hổ mang chúa” có thể tấn công chính xác các mục tiêu mặt đất, mặt nước từ khoảng cách 120 km.
Những chiếc Su-30MK có ưu thế hơn các dòng chiến đấu cơ cùng loại về hệ thống radar, đồng nghĩa với khả năng phát hiện được mục tiêu từ trước khi bị đối phương nhận dạng.
Ngoài ra, chiếc Su-30MK có khả năng cơ động cao hơn. Nhờ hệ thống khung được nâng cấp, Su-30MK2 có thể tấn công mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày, đêm.
Máy bay được trang bị 12 điểm cố định dưới cánh để gắn vũ khí, với trang bị hỏa lực rất đa dạng, từ các tên lửa dẫn đường không đối không, không đối đất, tên lửa không dẫn đường, bom định vị, bom thông thường, bom chùm. Ngoài ra, máy bay còn được trang bị pháo tự động 30 mm.
Bình luận