• Zalo

Không phải ai cũng biết ý nghĩa Lễ Vu Lan báo hiếu và Xá tội vong nhân

Thời sựThứ Sáu, 24/08/2018 14:58:00 +07:00 Google News

Cùng diễn ra vào ngày Rằm tháng 7 nhưng lễ Vu Lan báo hiếu và Xá tội vong nhân mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.

Rất nhiều người nhầm lẫn lễ Vu Lan và ngày Xá tội vong nhân là một và cho rằng đây chỉ là tên gọi khác nhau của ngày Rằm tháng 7, tuy nhiên, đây lại là hai lễ khác biệt.

Lễ Vu Lan và ngày Xá tội vong nhân có chung nguồn gốc ra đời từ Phật giáo, cùng được tổ chức vào ngày Rằm tháng 7 với mục đích tỏ lòng biết ơn, thể hiện lòng kính trọng với người đã khuất. Tuy có chung xuất phát điểm nhưng ngày xá tội vong nhân và lễ Vu Lan có sự khác biệt rõ ràng về ở điển tích ra đời và phong tục, nghi thức thực hiện của mỗi lễ.

Nguồn gốc lễ Vu Lan

Le-Vu-Lan-2

 Người dân chuẩn bị thả hoa đăng trong lễ Vu Lan tại chùa Tây Thiên, Vĩnh Phúc (Ảnh: P.V.)

Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.

Theo kinh Vu Lan, ngày xưa, Mục Kiền Liên tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm.

Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên, do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tranh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn hóa thành lửa đỏ.

Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".

Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.

Vào ngày lễ Vu Lan, người Việt lên chùa lễ Phật phù hộ cho các bậc sinh thành và mọi thành viên trong gia đình được phước lộc, bình an.

Ngày Xá tội vong nhân

3622_mam-cung-chung-sinh

 Tuỳ theo phong tục tập quán địa phương, mâm cỗ cúng chúng sinh mỗi nơi sẽ khác nhau nhưng đều cúng trước cửa nhà hoặc vỉa hè.

Dân gian quan niệm trong tháng cô hồn thì ngày rằm tháng bảy là ngày Xá tội vong nhân – ngày Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ được tự do trở về dương thế. Chính vì thế, theo tục lệ dân gian, người trần gian phải cúng cháo, gạo, muối, tiền vàng và quần áo cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày. Trong ngày xá tội vong nhân, người dân sẽ làm lễ cúng chúng sinh ở trước cửa nhà hoặc vỉa hè.

Cả hai lễ đều được tổ chức vào Rằm tháng 7 nhưng ngày xá tội vong nhân được người Bắc coi trọng hơn, còn lễ Vu Lan Báo hiếu lại phổ biến ở miền Nam và miền Trung.

Ngọc Yến
Bình luận
vtcnews.vn