• Zalo

Không lọt top 49, Hiệu trưởng ĐHQT Hồng Bàng nói gì về BXH các trường đại học VN?

Giáo dụcThứ Sáu, 08/09/2017 06:35:00 +07:00 Google News

Trước những thông tin trái chiều về kết quả xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam vừa được công bố, PGS.TS Thái Bá Cần khẳng định “Tôi không đánh giá cao kết quả của bảng xếp hạng trên”.

Chiều ngày 7/9, PV VTC News đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Thái Bá Cần (Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, TP.HCM) xung quanh những tranh cãi về kết quả xếp hạng các trường đại học tại Việt Nam vừa được một nhóm cá nhân công bố.

Theo đó, trong bảng báo cáo có tên “Một cách xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam”, do nhóm nghiên cứu gồm ông Lưu Quang Hưng (Chủ biên), Nguyễn Ngọc Anh (đồng chủ biên) và các thành viên Giáp Văn Cương – Ngô Đức Thế - Trần Thanh Thủy – Nguyễn Thị Thu Huyền đưa ra gồm: Tiêu chí, danh sách và thứ tự xếp hạng của 49 trường đại học tại Việt Nam.

1235566 3

 Tóp các trường ĐH trong bảng xếp hạng vừa được công bố. 

Trong bảng xếp hạng, đứng đầu là trường ĐH Quốc gia Hà Nội; điều khiến dư luận đưa ra những tranh cãi gay gắt bởi một số trường có chất lượng đào tạo nổi bật như: ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ đứng ở vị trí thứ 5, ĐH Y Dược TP.HCM xếp thứ 18, ĐH Ngoại thương đứng thứ 23, ĐH Thương mại đứng thứ 29, trong khi đó những trường có tên tuổi kém nổi hơn như ĐH Tôn Đức Thắng lại xếp ở vị trí thứ 2, tiếp đó là HV Nông nghiệp, ĐH Đà Nẵng. Còn ĐH Quốc tế Hồng Bàng - ngôi trường có 20 năm tuổi được các sinh viên đánh giá là có chất lượng đào tào khá tốt và chất lượng học phí vừa phải còn không lọt top này.

Dư luận đặt ra câu hỏi là kết quả của bảng xếp hạng trên liệu có chính xác, khách quan, đánh giá đúng và toàn diện về chất lượng đào tạo của các trường hay chưa?

Liên quan đến vấn đề này PGS.TS Thái Bá Cần cho biết: “Tôi đã đọc được một số thông tin về bảng xếp hạng các trường đại học này. Tuy nhiên tôi không đánh giá cao kết quả của bảng xếp hạng trên”.

Theo PGS.TS, việc xếp hạng các trường trong hệ thống giáo dục quan trọng là ở thông tin và số liệu. Nếu thông tin và số liệu không chính xác, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả xếp hạng. Đồng thời các tiêu chí đưa ra cũng đặc biệt quan trọng.

IMG_8450

 PGS.TS Thái Bá Cần cho hay không đánh giá cao kết quả của bảng xếp hạng trên. (Ảnh: Dương Thương)

“Những chuyên gia khi nghiên cứu về một vấn đề gì đó cần phải đưa ra những tiêu chí và số liệu cụ thể, và phải nhấn mạnh rằng kết quả trên là dựa vào những thông tin và số liệu mà nhóm thu thập được, chứ không thể ghi chung chung là “Kết quả xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam”. Việc ghi như thế và công bố lên truyền thông sẽ rất nguy hiểm, khiến dư luận nhầm tưởng rằng đó đã là kết quả nghiên cứu chính thức, đánh giá trọn vẹn. Như thế sẽ dễ gây ảnh hưởng đến danh tiếng của các trường, không hay”, PGS.TS khẳng định.

Ông Cần nói thêm: “Tôi cho rằng đây là việc làm của một số các nhân, họ thích thì họ làm. Tôi không rõ mục đích của họ khi đưa ra bảng xếp hạng này là gì. Quá trình họ thực hiện cũng có nhiều cố gắng, đáng quý tuy nhiên kết quả họ làm ra chắc chắn là cần phải bàn nhiều”.

Video: Hoa khôi Cao đẳng Cảnh sát I khoe sắc trong bộ trang phục cảnh sát. 

Về những tranh luận trái chiều cho rằng, nhiều trường ĐH danh tiếng có điểm chuẩn đầu vào luôn cao và ổn định, thu hút nhiều học sinh giỏi ứng tuyển như: ĐH Ngoại thương, ĐH Thương mại, ĐH Y Dược HCM,… lại đứng ở vị trí thấp, trong khi đó một số trường kém nổi thì xếp ở vị trí cao trong bảng xếp hạng, PGS.TS Thái Bá Cần từ chối trả lời. Bởi theo ông, việc đánh giá và xếp hạng các trường cần phải có số liệu, thông tin cụ thể, đồng thời phải có sự phân tích thấu đáo của các chuyên gia giáo dục. Chứ không thể dễ dàng đưa ra kết luận.

Ông cho hay thêm, việc trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng không có trong danh sách xếp hạng của các trường bởi thực chất trường cũng chưa bao giờ làm việc và cung cấp thông tin hay số liệu cho nhóm nghiên cứu trên.

Về 3 tiêu chí mà nhóm nghiên cứu đưa ra gồm: Thước đo về nghiên cứu khoa học (Công trình khoa học xuất bản trên các tạp chí quốc tế, chuyên ngành và phản biện), Thước đo về giáo dục và đào tạo (đội ngũ giảng viên nghiên cứu viên có trình độ Tiến sĩ, số lượng sinh viên đang theo học và điểm thi đầu vào), Cơ sở vật chất và quản trị (diện tích giảng đường, số lượng đầu sách trong thư viện trường), ông Cần đưa ra quan điểm cá nhân: “Việc nhóm trên đưa ra những tiêu chí trên là quan điểm của họ. Tuy nhiên theo tôi, để đánh giá và xếp hạng các trường giáo dục mà không có tiêu chí sinh viên ra trường có xin được việc làm hay không? Lương bổng thế nào thì chưa thật sự trọn vẹn”.

Dương Thương
Bình luận
vtcnews.vn