• Zalo

Không khí trong nhà có thể ô nhiễm và gây nguy hại hơn ngoài trời

Tin tứcThứ Tư, 28/12/2022 17:59:07 +07:00 Google News
(VTC News) -

Ngoài việc chịu ảnh hưởng của bụi mịn và các chất độc hại ngoài trời thì không khí trong nhà cũng có thể bị ô nhiễm bởi nhiều tác nhân khác nhau.

Nhiều ngày qua, tại Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố khác, chất lượng không khí  ngoài trời luôn ở mức độ nguy hại đối với sức khỏe, nồng độ bụi mịn tăng cao.

Theo PGS.TS Trần Quỳnh Anh, Phó Trưởng bộ môn Sức khỏe môi trường, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội, ngoài việc chịu ảnh hưởng của bụi mịn và các chất độc hại ngoài trời thì không khí trong nhà cũng có thể bị ô nhiễm bởi những tác nhân mang tính chất đặc thù hoặc những thói quen sinh hoạt như:

Không khí trong nhà có thể ô nhiễm và gây nguy hại hơn ngoài trời - 1

Lau dọn nhà cửa thường xuyên giúp giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm không khí trong nhà.

- Đun nấu bằng củi, than hoặc rơm rạ sẽ phát sinh ra khí CO và CO2 là những chất khí rất độc hại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

- Thói quen hút thuốc lá trong nhà: Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có khoảng hơn 70 hóa chất gây bệnh ung thư và các căn bệnh nguy hiểm như phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim mạch và nhiều bệnh nan y khác

- Đốt hương  thường xuyên, nhất là những loại hương tẩm hóa chất cũng sẽ khiến tăng các chất khí độc hại trong môi trường gia đình. Trước đây khói hương không độc hoặc ít độc vì hương được làm từ các loại thảo mộc.

Tuy nhiên, ngày nay nhiều người sản xuất sử dụng hóa chất tạo mùi thơm nên khói hương có thể chứa các hoạt chất độc hại ngang với khói thuốc lá như benzen, toluene, xylenes….

- Các loại rèm cửa, thảm trải sàn, khăn phủ bàn ghế, ga giường… không được thay giặt và vệ sinh thường xuyên sẽ là nơi trú ẩn lý tưởng của các loại vi sinh vật, nấm mốc và lưu cữu bụi bẩn.

- Các loại lông của chó mèo, vật nuôi cũng có thể là một nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà.

PGS.TS Trần Quỳnh Anh cho biết, tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.

Khi nồng độ bụi mịn trong không khí ở mức độ nhẹ thì có thể gây nên tình trạng kích ứng thông thường trên da hoặc  chảy nước mắt. Tuy nhiên, nếu ở mức độ nặng, bụi mịn có thể gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm. Nhất là đối với các bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì bụi mịn có thế làm khởi phát những đợt cấp của bệnh và khiến bệnh nhân phải vào viện cấp cứu.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh bụi mịn là nguyên nhân gây ra các bệnh lý hô hấp, tim mạch, ung thư…thậm chí dẫn đến nguy cơ tử vong.

Không khí trong nhà có thể ô nhiễm và gây nguy hại hơn ngoài trời - 2

Trồng cây xanh cũng là một giải pháp giúp giảm ô nhiễm nhưng không nên đặt cây trong phòng ngủ.

“Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới đã giảm mức giới hạn nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình hằng năm từ 10 mcg/m3 xuống 5 mcg/m3. Điều đó chứng tỏ người ta đã thấy những tác hại rất nghiêm trọng của bụi mịn đến sức khỏe con người”, PGS.TS Trần Quỳnh Anh nhấn mạnh.

Ngoài bụi mịn thì khí CO và CO2 sản sinh trong quá trình đốt rơm rạ, than củi, nhất là để sưởi ấm trong mùa đông cũng vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt, CO là loại khí rất độc và là nguyên nhân dẫn đến những trường hợp tử vong thương tâm do đốt lửa sưởi ấm trong thời gian qua.

Hợp chất benzen trong khói hương, khói thuốc lá sẽ tác động đến đường hô hấp dẫn đến viêm hô hấp mãn tính, phá hủy các tổ chức cơ thể dẫn đến biến đổi tế bào, biến đổi gen gây ra các hiện tượng dị sản, loạn sản. Khi là tế bào ác tính, chúng sẽ biến thành tế bào ung thư.

Để giúp không khí trong nhà được trong lành, hạn chế nguy cơ ô nhiễm, PGS.TS Trần Quỳnh Anh hướng dẫn, điều quan trọng là luôn giữ cho nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng. Rèm cửa, thảm, ga trải giường nên được giặt giũ thường xuyên. Trong những ngày lạnh, tốt nhất  không nên đốt củi, đốt than để sưởi ấm.

Với các gia đình ở nông thôn, nếu vẫn phải đun nấu bằng rơm rạ, than củi thì nên đặt bếp ở cuối hướng gió hoặc thiết kế ống khói để tránh khói lùa vào trong nhà. Khi thắp hương nên mở rộng cửa nhằm hạn chế khói hương luẩn quẩn trong nhà. Người có thói quen hút thuốc nên bỏ thuốc hoặc không nên hút thuốc trong nhà, nhất là khi gia đình có trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người cao tuổi.

“Vào mùa đông, thời tiết hanh khô và lạnh, các gia đình thường đóng kín cửa để tránh gió bụi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng chúng ta cũng phải mở cửa để không khí được lưu thông. Tốt nhất là nên mở cửa vào buổi trưa bởi đó là khoảng thời gian nhiệt độ ngoài trời ấm hơn và các chỉ số quan trắc cho thấy nồng độ bụi mịn giảm xuống thấp nhất trong ngày”, PGS.TS Trần Quỳnh Anh đưa ra lời khuyên.

Về việc có nên trồng cây xanh trong nhà và sử dụng máy lọc không khí, PGS.TS Trần Quỳnh Anh cho biết, vào ban đêm, cây xanh sẽ nhả khí CO2, vì vậy, các gia đình có thể trồng cây xanh trong nhà nhưng không nên đặt trong phòng ngủ.

Với máy lọc không khí, tuy chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh hiệu quả của thiết bị này song ít nhiều máy vẫn có tác dụng làm sạch không khí trong phòng và nếu có điều kiện, các gia đình có thể sử dụng.

“Máy lọc không khí có tác dụng tương tự điều hòa, vì vậy nên lưu ý, khi bật thiết bị, chúng ta lại phải đóng cửa phòng để không khí ô nhiễm ngoài trời không xâm nhập vào. Như vậy, việc đóng mở - cửa phải rất linh hoạt để vừa đảm bảo thông thoáng, vừa giữ cho không khí trong nhà được trong lành”, PGS.TS Trần Quỳnh Anh tư vấn.

Ánh Tuyết(VOV2)
Bình luận
vtcnews.vn