• Zalo

'Không có chuyện nguồn cung cho bất động sản thiếu do tín dụng bị siết'

Bất động sảnThứ Bảy, 04/06/2022 18:15:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước không có chủ trương siết tín dụng bất động sản, chỉ kiểm soát chặt rủi ro cho vay trong lĩnh vực này.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 tổ chức chiều 4/6, nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến việc siết tín dụng bất động sản gây tác động thế nào đến thị trường, khi mà các ngân hàng hiện đang siết tín dụng cho vay bất động sản.

'Không có chuyện nguồn cung cho bất động sản thiếu do tín dụng bị siết' - 1

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú trả lời về siết tín dụng bất động sản. (Ảnh: Đắc Huy)

Giải đáp thắc mắc này, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nói: “Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ siết và thắt tín dụng bất động sản. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước trên tinh thần kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào một số lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro lớn, trong đó có lĩnh vực bất động sản, chứng khoán...Bất động sản cũng là đối tượng cần được kiểm soát chặt chẽ, nhất là đối với việc kinh doanh dự án lớn, nhà nghỉ, resort, khu nghỉ dưỡng, hoặc những dự án có tính chất đầu cơ, thậm chí là lũng đoạn giá”.

Còn nguồn tín dụng vào phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục do Bộ Xây dựng đề xuất sẽ tiếp tục triển khai và được hỗ trợ 2% lãi suất. Như vậy, không phải tất cả các lĩnh vực bất động sản đều bị kiểm soát chặt chẽ.

"Do đó không có chuyện nguồn cung cho bất động sản thiếu do tín dụng bị siết lại", ông Tú nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, tín dụng bất động sản thời gian này vẫn tăng bình thường. Tính đến cuối tháng 4, tín dụng cho vay bất động sản dư nợ 2 triệu 288 nghìn tỷ đồng.

“Hiện tổng dư nợ tín dụng bất động sản chiếm 19,16% tổng dư nợ của nền kinh tế, trong đó dư nợ tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước muốn kiểm soát chặt chiếm 1/3, khoảng 785 nghìn tỷ. Còn lại tín dụng tạo điều kiện và khuyến khích các ngân hàng vẫn tiến hành cho vay bình thường, chiếm khoảng 1 triệu 500 nghìn tỷ, chiếm khoảng 66-67%. Điều đó không có nghĩa tất cả các lĩnh vực bất động sản đều bị siết”, ông Tú khẳng định.

Trước đó, trả lời báo chí, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cũng cho biết: Hệ thống ngân hàng hiện không đặt vấn đề siết hay cấm tín dụng bất động sản nhưng luôn cảnh báo rủi ro. Nhiều ngân hàng cũng thận trọng với các khoản vay này.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn