• Zalo

'Không có chuyện chủ quán phở thành giám đốc doanh nghiệp sau một đêm'

Kinh tếThứ Tư, 20/11/2019 17:11:00 +07:00 Google News

Theo ĐBQH Vũ Tiến Lộc, đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp không có nghĩa là qua một đêm ngủ dậy thì ông chủ quán phở trở thành giám đốc doanh nghiệp.

Chiều 20/11, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV tiếp tục với phiên thảo luận về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Trong đó, vấn đề có nên đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp hay không vẫn tiếp tục ghi nhận các ý kiến trái chiều của ĐBQH.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Vũ Tiến Lộc – ĐBQH đoàn Thái Bình khẳng định, bộ Luật lao động và Luật doanh nghiệp được sửa đổi theo quan điểm phát triển bền vững, bao trùm để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

vu-tien-loc

 ĐBQH Vũ Tiến Lộc.

Ông Lộc nhấn mạnh, trên thế giới, khi làm kinh doanh thì có hai hình thức phổ biến là cá nhân tự kinh doanh và lập công ty. Ở nhiều nước có Luật riêng về các chủ thể này.

Theo ông Lộc, trước đây, Việt Nam có 2 Luật doanh nghiệp: Luật Công ty (1990) điều chỉnh các chủ thể có tư cách pháp nhân và Luật về cá nhân kinh doanh không có tư cách pháp nhân với tên gọi Luật Doanh nghiệp tư nhân (1991). Tuy nhiên, từ năm 1999 đến nay thì hai Luật này được tích hợp thành một gọi là Luật doanh nghiệp. ‘Đây là một quyết định đúng đắn của Quốc hội’, ông Lộc nói.

Và vì vậy, theo Chủ tịch VCCI, suốt 30 năm qua, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp được quan niệm bao gồm cả 2 loại hình: loại hình công ty (có tư cách pháp nhân) như công ty TNHH, công ty Cổ phần .v.v. và cá nhân kinh doanh (không có tư cách pháp nhân), được đặt tên riêng là Doanh nghiệp tư nhân.

Giải nghĩa về hộ kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, đây thực chất là sự pha trộn giữa hai loại hình: cá nhân kinh doanh (như doanh nghiệp tư nhân) và nhóm người kinh doanh (tương tự như công ty, nhưng với cơ cấu sơ khai nhất).

Về bản chất kinh tế, pháp lý và thực tiễn, chủ tịch VCCI cho rằng, các hộ kinh doanh, trước hết là các hộ kinh doanh có đăng ký, chính là một loại hình doanh nghiệp nhưng lại chưa được coi là doanh nghiệp và nhiều hộ kinh doanh hiện tại đang có quy mô, và số lao động được sử dụng thậm chí còn lớn hơn các công ty. Đó là một trong những khiếm khuyết lớn nhất trong hệ thống pháp luật về doanh nghiệp hiện hành, theo ông Vũ Tiến Lộc.

Đại biểu QH tỉnh Thái Bình tiếp tục cho rằng, việc không đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp sẽ để lại một hậu quả pháp lý: trong khi quyền và nghĩa vụ của công ty tư nhân, và các cá nhân kinh doanh, đóng góp chưa đầy 10% GDP, thì được quy định trong Luật doanh nghiệp còn quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh – nơi sinh kế của hàng chục triệu người và đóng góp hơn 30% GDP của đất nước, mà bản chất cũng là doanh nghiệp, thì chỉ được chế định trong một Nghị định do Chính phủ ban hành.

Ông Lộc nhấn mạnh, khi tham gia Luât Doanh nghiệp, hộ kinh doanh được gỡ bỏ các hạn chế về quyền kinh doanh, về phạm vi và quy mô hoạt động. Hộ kinh doanh được thụ hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các chính sách khác có liên quan.

Cũng theo đại biều này, việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp không phải là xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không phải ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành công ty, hay thành doanh nghiệp tư nhân, cũng không bắt các hộ kinh doanh phải thay tên, đổi họ mà chỉ để chính danh hộ kinh doanh trong Luật, “không để hộ kinh doanh bị bỏ lại phía sau”, để bảo vệ hộ kinh doanh, minh bạch hóa, nâng cao năng lực, thúc đẩy sự phát triển của hộ kinh doanh.

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết thêm, nếu ghi nhận hộ kinh doanh trong Luật doanh nghiệp sẽ không phát sinh thêm các chi phí và thủ tục hành chính cho họ và cho nhà nước. Tên của hộ kinh doanh vẫn là hộ kinh doanh. "Tuyệt đối không có chuyện, qua một đêm ngủ dậy thì ông chủ quán phở hôm qua trở thành giám đốc doanh nghiệp phở”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn