• Zalo

Kết quả truyền thông ấn tượng sau 05 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng về BHXH, BHYT

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Tư, 13/12/2017 11:21:00 +07:00 Google News

Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng về BHXH, BHYT, mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT được đưa thường xuyên, liên tục tới mọi đối tượng người dân, việc tiếp cận thông tin cũng dễ dàng hơn rất nhiều lần.

Nghị quyết 21-NQ/TW đưa ra 04 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên là: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT.

05 năm qua, truyền thông BHXH, BHYT được chú trọng thực hiện với nguồn lực lớn hơn, tuy nhiên công tác này cũng đang đứng trước những yêu cầu mới với không ít khó khăn thách thức.

Công tác truyền thông, tuyên truyền BHXH, BHYT được tiến hành với tất cả các nhóm đối tượng, bao gồm cả các cấp chính quyền, đoàn thể, trường học, các chi bộ, đảng viên và thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm các đối tượng của truyền thông tiếp cận đầy đủ với thông tin về chính sách BHYT và cách thức tham gia. 

1

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn 

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2012 - 2017, cả nước đã tổ chức gần 11.000 hội nghị, hội thi, đối thoại trực tiếp với các nhóm đối tượng tại cơ sở; riêng trong 03 năm 2015 - 2017, tổ chức gần 10.000 cuộc.

Trong đó có 1.500 hội nghị quán triệt, phổ biến nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và trang bị kiến thức về BHXH, BHYT; 7.500 cuộc đối thoại, tọa đàm, có nội dung tìm hiểu về Nghị quyết số 21-NQ/TW và tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT với đông đảo chủ sử dụng lao động, người lao động, cán bộ phụ trách công tác BHXH, BHYT trong các doanh nghiệp, công nhân, nông dân, phụ nữ, xã viên hợp tác xã, đoàn viên, thanh niên và học sinh - sinh viên; 222 hội thi tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT với nông dân, công nhân lao động và học sinh, sinh viên, hội thi tuyên truyền viên tìm hiểu nghiệp vụ trong ngành.

Từ năm 2013-2017, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan báo đài thực hiện đăng tải, phát sóng khoảng trên 13.000 phóng sự, phỏng vấn, tọa đàm, chuyên trang, chuyên mục, đối thoại trực tiếp và các tin bài về chính sách BHYT.

Giải báo chí toàn quốc về BHXH, BHYT tổ chức năm 2015 - 2016 thu hút 1.200 tác phẩm từ 131 cơ quan báo chí, đơn vị.

Trong giai đoạn từ 2013 - 2017, BHXH Việt Nam biên tập, phát hành trên 45 triệu bản ấn phẩm các loại (tờ rơi, tờ gấp, sách hỏi đáp, sổ tay, lịch, băng, đĩa CD) tuyên truyền về Nghị quyết số 21-NQ/TW cũng như chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.

BHXH các tỉnh, thành phố hiện cũng đang triển khai mạnh mẽ truyền thông BHXH, BHYT xuống tận cơ sở, tác động trực tiếp tới công nhân, người lao động, người dân với sự phối hợp từ các ngành, đoàn thể.

Hiệu quả của truyền thông bước đầu được thể hiện qua những con số phát triển số tham gia BHXH, BHYT trong giai đoạn vừa qua. Tỷ lệ bao phủ BHYT hiện đạt trên 85% dân số cả nước; số tham gia BHXH đạt trên 24% lực lượng lao động.

Từ năm 2013 trở lại đây, thông tin về BHXH, BHYT xuất hiện với mật độ ngày một dày hơn; thực tế có lẽ không chỉ dừng lại ở những con số thống kê. Có thể dễ dàng điểm lại một số sự vụ liên quan nhiều đến BHXH, BHYT được báo chí truyền thông, dư luận đặc biệt quan tâm trong các năm vừa qua.

Điển hình nhất trong năm 2013 là vụ việc nhân bản xét nghiệm máu tại bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức xảy ra đúng thời điểm Quốc hội triển khai giám sát thực hiện chính sách, pháp luật BHYT giai đoạn 2009-2012.

Hay vụ việc liên quan đến BHXH một lần với vụ đình công của công nhân công ty PouYuen, tại TP. Hồ Chí Minh.

Trong năm 2016 nổi lên các vấn đề như: thông tuyến khám, chữa bệnh, bội chi Quỹ BHYT, liên quan đến quản lý Quỹ BHXH, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu hay những băn khoăn khi so sánh việc tham gia BHXH và gửi tiền tiết kiệm.

Đặc biệt trong năm 2017, vấn đề quản lý quỹ khám, chữa bệnh tiếp tục được công chúng theo dõi chặt chẽ cùng với đó là thông tin về tiền lương đóng BHXH, mức hưởng lương hưu của lao động nữ sẽ được thực hiện từ năm 2018…

Gần đây hơn là vụ việc liên quan đến lương hưu của cô giáo mầm non Trương Thị Lan tại Hà Tĩnh được phản ánh nhiều trên báo chí và tác động không nhỏ đến kỳ họp của Quốc hội đang diễn ra cùng thời điểm.

Số liệu thống kê của cơ quan BHXH cũng cho thấy rõ báo chí ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề về BHXH, BHYT. Cụ thể, năm 2013 mới chỉ có khoảng 280 tin, bài, phóng sự, thì đến năm 2016 đã là 4.500 tin, bài, phóng sự, năm 2017 ước thực hiện khoảng 5.000 tin, bài, phóng sự. 

Điều đó cho thấy hoạt động truyền thông tích cực của ngành BHXH, khi ngành trực tiếp chủ động cung cấp thông tin đến người dân, bằng nhiều kênh khác nhau, giúp cộng đồng hiểu đúng, đủ bản chất nhân văn của chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.

Thu Huyền
Bình luận
vtcnews.vn