• Zalo

Kem đánh răng Dạ Lan: Cái kết buồn cho ‘nàng’ Dạ Lan

Kinh tế Thứ Hai, 23/10/2017 15:05:00 +07:00Google News

Tương tự Cao Sao Vàng, xe đạp Thống Nhất, xà bông Cô Ba, xá xị Chương Dương,… kem đánh răng Dạ Lan giờ đây khi nhắc lại khiến không ít người xúc động xen lẫn tiếc nuối bởi những sản phẩm vốn gắn bó với đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam trước kia, giờ đây chỉ còn là những thương hiệu “vang bóng một thời”.

Kem đánh răng “huyền thoại”

Khi đất nước chuyển mình từ bao cấp sang kinh tế thị trường, thị trường hàng hóa nội địa tràn ngập các thương hiệu Trung Quốc, các thương hiệu Việt rất hiếm hoi lại bị cạnh tranh gay gắt. Giữa lúc đó, kem đánh răng Dạ Lan thực sự đại diện đáng tự hào của thương hiệu Việt.

Ra đời từ năm 1988, sản phẩm kem đánh răng Dạ Lan là sản phẩm hợp tác giữa Cơ sở sản xuất Sơn Hải (tiền thân của Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Sơn Hải sau này) và kỹ sư Lưu Trung Nghĩa – một trong những chuyên gia đầu ngành sản xuất kem đánh răng tại Việt Nam vào thời điểm đó.

Ban đầu, kem đánh răng Dạ Lan gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khách hàng, doanh nghiệp tiềm năng. Đích thân ông Trịnh Thành Nhơn, chủ Cơ sở sản xuất Sơn Hải, đã phải tự bươn chải, chở hàng đi bán từ Đà Nẵng xuống tận Cà Mau.

1

Cái tên Dạ Lan đến giờ chỉ là một “hồi ức” đẹp đẽ trong tâm trí người tiêu dùng.

Cho đến cuối năm 1989, sau khi có cơ hội được tham gia một hội chợ triển lãm tại Hà Nội, Dạ Lan mới chính thức “tiến quân” ra Bắc và “đổi đời” tại đây. Nhờ tài thuyết phục khéo léo, ông Nhơn đã thành công thu hút các tiểu thương ngoài Bắc, khiến họ đồng ý bán kem đánh răng Dạ Lan thay cho các sản phẩm Trung Quốc. Kết quả là chỉ trong vòng một tuần, 1000 thùng kem đánh răng Dạ Lan đã được tiêu thụ hết sạch.

Chất lượng tốt, lại có hương vị độc đáo cùng giá thành phải chăng, hợp túi tiền và bao bì dễ gây thiện cảm với hình ảnh cụ già đẹp lão khoe hàm răng trắng sáng, kem đánh răng Dạ Lan nhanh chóng được đón nhận rộng rãi, trở thành sản phẩm “nhẵn mặt” tại mọi cửa hàng, trong từng gia đình.

Giai đoạn năm 1993 – 1994, Dạ Lan hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường kem đánh răng nội địa, nắm trong tay tới 70% thị phần cả nước, riêng từ Đà Nẵng trở vào là 90% thị phần. Nhờ vậy, Dạ Lan được xem là “công thần” số một trong việc đánh đuổi kem Trung Quốc ra khỏi thị trường Việt Nam. Không chỉ được tiêu thụ mạnh tại Việt Nam, kem Dạ Lan còn được xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia và một số tỉnh phía nam Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận vào năm 1995, thị trường kem đánh răng nội địa bị đảo lộn do những “ông lớn” ngành hóa mỹ phẩm thế giới là Unilever và Colgate Palmolive đặt chân tới Việt Nam.

3 3

Các gian hàng bán kem đánh răng Dạ Lan tại các khu chợ truyền thống.

Cuộc tái sinh với chiêu "mãi võ Sơn Đông"

Năm 1995, công ty quốc tế Colgate Palmolive đặt vấn đề liên doanh với Sơn Hải, công ty sở hữu nhãn hiệu Dạ Lan. Ban đầu, ông Nhơn không đồng ý với Colgate Palmolive, nhưng việc Công ty Phong Lan tuyên bố bán lại P/S, thương hiệu kem đánh răng “anh em” với Dạ Lan, cho Unilever với giá 5 triệu USD đã khiến ông phải cân nhắc.

Ông Nhơn chia sẻ, “P/S đã về tay Unilever thì Colgate Palmolive chắc chắn không từ bỏ ý định thâm nhập thị trường Việt Nam. Thấy khả năng cạnh tranh trực tiếp với họ là không đơn giản, tôi đành bán Dạ Lan đi với hi vọng Colgate Palmolive sẽ tiếp tục phát triển nó”.

Trái với hi vọng của “cha đẻ” Dạ Lan, thương hiệu 200 năm tuổi này đã “bóp chết” thương hiệu này chỉ sau vỏn vẹn 3 tháng và thế chỗ vào đó là kem đánh răng Colgate tồn tại đến tận bây giờ. 

Chưa hết, năm 1998, phía Colgate Palmolive còn quyết định giải thể luôn công ty này vì thua lỗ. Tuy nhiên, ông Nhơn cho biết, sau 3 năm liên doanh với Dạ Lan, Colgate Palmolive đã chiếm được 10% thị phần, tương đương với 30 triệu USD.

Đau đớn trước thảm cảnh của “đứa con tinh thần”, ông Nhơn đã thề “Không bao giờ đụng đến lĩnh vực hóa mỹ phẩm”.

Vậy nhưng sau vài năm sau khi liên doanh giữa Dạ Lan và Colgate Palmolive hết hiệu lực, ông Nhơn đã quyết định “tái sinh” lại thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan vào năm 2009, dưới sự điều hành của Công ty Hóa mỹ phẩm quốc tế (ICC) cũng do chính ông thành lập.

Sự trở lại của Dạ Lan khiến nhiều người thích thú vì được gặp lại “cố nhân”, tuy nhiên việc quay lại cũng vấp phải muôn vàn khó khăn. Việc tổ chức hệ thống phân phối đến tay người tiêu dùng không hề dễ dàng và khó cạnh tranh với các tập đoàn tiêu dùng đa quốc gia. Họ vốn đã mạnh về việc xây dựng kênh phân phối nhanh chóng và rộng rãi cùng đội ngũ nhân viên, xe lưu động rải khắp các siêu thị, tiệm tạp hóa.

Do vậy, ông Nhơn đã quyết định thực hiện theo cách khác mà theo ông là dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn. “Sản phẩm được bán từ cửa nhà máy đến tận cửa nhà người tiêu dùng”, ông cho biết. ICC chia thành 2 thị trường, một phần được tổ chức phân phối theo kiểu truyền thống, đến các đại lý, siêu thị và một phần được bán tại các khu chợ để trực tiếp mời gọi khách hàng. ICC đã thiết kế cho Dạ Lan 3 kiểu bao bì, kích cỡ khác nhau để tạo sự khác biệt.

Video: Sốc - Kem đánh răng không có tác dụng làm trắng

Tại các khu chợ truyền thống, ICC tổ chức các gian hàng để mời gọi khách hàng, cho khách hàng dùng thử, tặng quà khuyến mãi và bán hàng cho họ. Cứ sau khi đóng cửa một khu chợ vài ngày thì gian hàng này được chuyển qua địa điểm khác để tiếp tục bán như vậy. Kiểu bán hàng này rất giống với kiểu người Hoa mãi võ Sơn Đông bán thuốc ngày xưa.

Cách làm này đã có hiệu quả tức thì, sau khi tổ chức những gian hàng như vậy, có những phiên chợ chỉ 6 tiếng đồng hồ, ICC đã bán được hơn 200 triệu tiền hàng. Đây là một con số khá lớn đối với bán lẻ.

Sau ba năm bán hàng kiểu mãi võ Sơn Đông, doanh thu của ICC đã tăng hơn 30% so với thời khởi điểm. Tuy nhiên, ông Nhơn cho biết, cách làm này cũng chỉ là kế tạm thời bởi vô tình ICC đã trở thành “cái gai” trong mắt các tiệm tạp hóa, vốn là đối tác kinh doanh của họ. Hơn nữa, việc di chuyển liên tục giữa cách phiên chợ dẫn đến tình trạng người dân không phải muốn mua hàng lúc nào cũng được.

Ngoài ra, ICC cũng khó lòng mà cạnh tranh được với các tập đoàn đa quốc gia, nhất là khi họ không có đủ ngân sách để điều tra thị trường và tạo ra được các dòng sản phẩm kem đánh răng mới có hương vị đặc trưng.

Đáng buồn, cuộc tái sinh của Dạ Lan đã không thể thành công như mong đợi của ông Nhơn. Kem đánh răng Dạ Lan hiện nay chỉ được tiêu dùng chủ yếu ở các vùng nông thôn, còn ở các đại lý và siêu thị, nhãn hiệu này hoàn toàn vắng bóng trên các kệ hàng. Có lẽ đến giờ, cái tên Dạ Lan cũng chỉ là một “hồi ức” đẹp đẽ trong tâm trí người tiêu dùng.

(Nguồn: vietnamfinance.vn)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn