• Zalo

Israel sẽ tấn công Iran theo cách mạnh mẽ nhất, quy mô vượt xa cuộc chiến Syria

Quân sựThứ Ba, 26/10/2021 14:29:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Theo ước tính, quân đội Israel sẽ mất hơn 1 năm để chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự chưa từng có nhằm xóa sổ các cơ sở hạt nhân của Iran.

Tờ Times of Israel dẫn các nguồn tin riêng cho biết, lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đang phác thảo một kế hoạch tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran và nó sẽ sớm được hoàn thiện vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa kế hoạch này Tel Aviv có thể sẽ mất hơn một năm để chuẩn bị.

Cũng theo nguồn tin của Times of Israel, IDF sẽ phải giải quyết trước một số “rào cản” họ có thể gặp phải khi tấn công vào các cơ sở hạt nhân Iran vốn nằm sâu dưới lòng đất, chưa kể đến việc khu vực lân cận được bảo vệ bởi hệ thống phòng không đa tầng. Một vấn đề khác cần được tính đến là khả năng Tehran tấn công trả đũa các đồng minh của Israel trong khu vực.

Ở một chiều hướng khác, các cuộc không kích thường xuyên của Israel nhằm vào mục tiêu quân sự (lực lượng thân Iran) ở Syria cũng đang giúp cho IDF xây dựng được chiến lược phù hợp nếu họ muốn tấn công Tehran trong tương lai.

Israel sẽ tấn công Iran theo cách mạnh mẽ nhất, quy mô vượt xa cuộc chiến Syria - 1

Thông tin Israel sẽ tấn công các mục tiêu của Iran bị rò rỉ trên mạng từ lâu. (Ảnh:Real-politique)

Theo lý giải của Times of Israel, các chiến dịch quân sự bí mật ở Syria giúp phi công Israel làm quen và biết cách né tránh các hệ thống radar cảnh giới của đối phương, họ hoàn toàn có thể qua mặt hệ thống phòng không của kẻ thù bằng nhiều cách khác nhau. Đây là cơ sở giúp cho kế hoạch tấn công Iran diễn ra suôn sẻ.

“Dựa vào khả năng phòng không của Syria vốn được các chuyên gia Iran xây dựng, không quân Israel trong những tháng gần đây đã xây dựng được một chiến thuật tấn công mới, nhiều khả năng họ sẽ sử dụng số lượng lớn chiến đấu cơ tấn công đồng thời vào nhiều mục tiêu để giảm thiểu thiệt hại cũng như tăng cơ hội thành công cho nhiệm vụ, thay vì sử dụng các phi đội nhỏ như trong quá khứ”, Tờ Times of Israel viết.

Theo Sputnik, trong những năm gần đây, Israel không ngừng thực hiện các cuộc không kích vào Syria với nhiều kiểu chiến thuật khác nhau, bất chấp việc lực lượng phòng không của Damascus không ngừng được mở rộng và trang bị thêm nhiều khí tài hiện đại, đó là chưa kể đến sự hỗ trợ của người Nga. Dù vậy, Israel vẫn tìm được cách qua mặt được “lưới” phòng không tinh vi này.

Phi công Israel dường như rất biết cách qua mặt các hệ thống radar cảnh giới, họ không ít lần khiến phòng không Syria rơi vào thế bị động, thậm chí khiến người Nga thiệt hại nặng. Điển hình như việc phòng không Syria bắn nhầm một máy bay do thám IL-20 của Nga vào năm 2018, các máy bay Israel bị cáo buộc đã gây nên sự cố này.

Dĩ nhiên, nếu Israel phát động một cuộc tấn công nhằm vào Iran, quy mô của nó sẽ vượt xa các cuộc cuộc không kích IDF đã thực hiện ở Syria trong suốt nhiều năm qua.

Israel lo sợ Iran có được vũ khí hạt nhân

Trước các báo cáo của Times of Israel, Tel Aviv cũng đã nhiều lần tuyên bố sẽ tấn công Iran nhằm ngăn nước này có được vũ khí hạt nhân, bất chấp hành động này có sự hậu thuẫn từ Mỹ hay không. Tuy nhiên, IDF vẫn chần chừ do chưa đánh giá hết được “thiệt hại” từ một hành động quân sự đơn phương như vậy.

Israel sẽ tấn công Iran theo cách mạnh mẽ nhất, quy mô vượt xa cuộc chiến Syria - 2

Israel thừa khả năng tấn công Iran nhưng hành động này có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường. (Ảnh: Times of Israel)

Tuần trước, Israel đã thông qua khoản ngân sách bổ sung 1,5 tỷ USD vào chi tiêu quốc phòng năm tới để chuẩn bị cho kế hoạch tấn công Iran, điều này thể hiện rõ lập trường của Tel Aviv trong vấn đề này. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Iran và Mỹ mở lại vòng đàm phán mới nhằm khôi phục Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) hay Thỏa thuận hạt nhân Iran (2015).

Israel còn cho rằng việc Mỹ cố theo đuổi JCPOA là hành động viển vông bởi Washington không thể thay đổi được lập trường của Tehran.

Trước đó, vào tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz cho biết cách tiếp cận hiện tại của Mỹ có thể làm hạn chế chương trình hạt nhân Iran nhưng Washington vẫn nên có một kế hoạch dự phòng trong trường hợp các cuộc đàm phán thất bại. Còn về phía Tel Aviv họ sẽ có hành động của riêng mình nếu cảm thấy bị đe dọa.

Bất chấp sự bi quan của Israel, Mỹ và Iran đều bày tỏ mong muốn trở lại Vienna và đạt được một thỏa thuận lâu dài. Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào tuần tới.

Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận JCPOA vào năm 2018 dựa trên những tuyên bố không có cơ sở rằng Iran đã vi phạm thỏa thuận này. JCPOA về cơ bản hạn chế tối đa khả năng làm giàu uranium của Iran và chỉ cho phép nước này duy trì một số lượng nhất định uranium để phát triển công nghệ năng lượng nguyên tử và nghiên cứu y tế.

Cùng với việc rút khỏi JCPOA, Mỹ cũng tăng cường trừng phạt Iran, điều này khiến Tehran tức giận và họ quyết định quay trở lại việc làm giàu uranium.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vào ngày 25/10, Iran đã bắt đầu mở rộng khả năng làm giàu uranium tại cơ sở hạt nhân Natanz lên mức 20%, nhưng để quá trình này đạt tới ngưỡng có thể chế tạo vũ khí còn cách một khoảng khá xa.

Về phía Iran họ nhiều lần tuyên bố không có ý định sở hữu vũ khí hạt nhân và chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ cho mục đích hòa bình.

Trà Khánh
Bình luận
vtcnews.vn