Theo tờ Tribun News, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đưa ra phản ứng về kế hoạch mua sắm các tàu ngầm tấn công hạt nhân của Australia, sau khi ba nước Mỹ, Anh và Australia thông qua thỏa thuận hợp tác an ninh – quốc phòng AUKUS vào hôm qua 16/9.
Cụ thể, sáng nay 17/9, chính phủ Indonesia thông qua Bộ Ngoại giao nước này đã cho đăng tải một thông cáo báo chí liên quan đến việc Australia mua các tàu ngầm hạt nhân từ Mỹ và Anh. Phía Jakarta cho biết đang theo dõi vấn đề này một cách cẩn thận.
Một đoạn trong thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Indonesia viết: “Indonesia đang rất thận trọng theo dõi quyết định của chính phủ Australia về việc trang bị tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân.”
Indonesia cũng lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang, thậm chí là chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực, nếu Australia hiện thực hóa kế hoạch trên.
Chính phủ Indonesia cũng đề nghị Australia tiếp tục thực hiện cam kết và thực hiện nghĩa vụ của nước này liên quan đến Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) ở Đông Nam Á.
Chính phủ Indonesia cũng cho rằng Australia và các bên liên quan nên tiếp tục thúc đẩy đối thoại để giải quyết các khác biệt một cách hòa bình.
Về vấn đề này, Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS năm 1982 trong việc duy trì hòa bình và an ninh trong Khu vực.
Trước đó, ngày 16/9, hãng tin AFP dẫn một tuyên bố của Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết nước này sẽ đóng khoảng 8 tàu ngầm tấn công hạt nhân thế giới, dựa trên thỏa thuận AUKUS mới ký với Mỹ và Anh.
Cũng theo Thủ tướng Morrison, các tàu ngầm trên sẽ không có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân. Canberra hiện đang nghiên cứu các phương án khả thi để thúc đẩy kế hoạch trên trong 18 tháng tới.
Cùng với tuyên bố trên, Thủ tướng Morrison cho biết sẽ dừng kế hoạch mua các tàu ngầm tấn công thông thường từ Pháp, trị giá ước tính hơn 10 tỷ USD, kế hoạch này được hai bên khởi động từ năm 2016 và đang trong quá trình triển khai.
Dĩ nhiên, hành động trên của Canberra vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía Pháp, thậm chí Paris còn tuyên bố họ đã bị phản bội bởi chính các nước đồng minh.
Bình luận