• Zalo

Huỳnh Đức, Công Vinh & những màn 'hủy diệt' của ĐTVN

Thể thaoChủ Nhật, 14/10/2012 04:22:00 +07:00Google News

(VTC News)- Thắng lợi đậm đà 6-1 của U21 VN trước U21 Singapore tại giải U21 quốc tế không phải lần hiếm hoi người hâm mộ được chứng kiến cơn mưa bàn thắng.

(VTC News)- Thắng lợi đậm đà 6-1 của U21 Việt Nam trước U21 Singapore tại giải U21 quốc tế không phải lần hiếm hoi người hâm mộ được chứng kiến cơn mưa bàn thắng mà đội quân áo đỏ tạo ra.

Nằm ở vùng trũng bóng đá thế giới nên không có gì khó hiểu khi những tỉ số kinh hoàng trong các trận bóng cứ liên tục xuất hiện. Khoảng cách mặt bằng chung Đông Nam Á với sân chơi châu lục và thế giới đã rất lớn nhưng ngay chính giữa các đội bóng trong khu vực này cũng tồn tại một khoảng cách... vời vợi.

Lê Huỳnh Đức, sát thủ số một của bóng đá Việt Nam (Ảnh: Quang Minh) 

Trong lịch sử, sau khi hội nhập trở lại từ những năm 90 thế kỷ trước, đội tuyển quốc gia Việt Nam từng tạo ra khá nhiều trận đấu có tỉ số cách biệt không tưởng. Có những trận đấu được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ giới mộ điệu, làm mát lòng khán giả nước nhà. Nhưng cũng có những trận cầu diễn ra ngay tại chính Hà Nội lại chỉ nhận được sự thờ ơ vì địch thủ quá yếu.

Việt Nam 11-0 Đảo Guam
(Vòng loại World Cup 2002)

Ngày 23/1/2000, sân Thống Nhất đã chứng kiến sự kiện di vào lịch sử bóng đá Việt Nam. Tiền đạo của Câu lạc bộ Quân đội (Thể Công) lúc ấy là Vũ Công Tuyền đóng góp tới 5 bàn thắng trong thắng lợi đậm kỷ lục của đoàn quân đỏ.


Chưa khi nào, người hâm mộ nước nhà lại được chứng kiến cơn mưa bàn thắng lớn đến thế trong một trận đấu quốc tế chính thức. Sau khi cuộc tranh tài kết thúc, nhiều người mới vỡ lẽ tại sao Việt Nam lại dễ dàng tạo ra được tỉ số kinh hoàng trên. Đơn giản là bởi Đảo Guam mang tới Thành phố Hồ Chí Minh toàn cầu thủ nghiệp dư.

Thời Đức Thắng, Vũ Công Tuyền, Hồng Sơn, Việt Nam từng tạo ra trận thắng đậm nhất lịch sử trước đảo Guam (Ảnh: Quang Minh) 

Đây là nền bóng đá gần như chưa phát triển với cư dân thưa thớt. Thành phần chính trong đội bóng này tới từ đủ mọi ngành nghề như nhân viên quét sơn, làm vườn, công chức văn phòng. Tập hợp những ông Tây không biết đá bóng này chỉ "ăn điểm" ở thể hình mà thôi.

Việt Nam 13-1 Macau

(Tổng tỉ số 2 lượt trận đi và về vòng sơ loại World Cup 2014)

Nếu như trận thắng đảo Guam đậm nhất trong lịch sử thì lần đụng độ Macau ghi nhận tổng tỉ số hai lượt trận thi đấu quốc tế chính thức cao nhất mà tuyển Việt Nam từng thiết lập nên.

Tại lượt đi, đội quân dưới trướng HLV Falko Goetz đè bẹp địch thủ phương Bắc với tỉ số 6-0. Chưa dừng lại, trong trận lượt về sau đó ít ngày, tỉ số còn khó tin hơn khi bảng điện tử hiện 7-1 nghiêng về phía Việt Nam. Đặc biệt, tiền đạo Lê Công Vinh đã trở thành cầu thủ Việt ghi nhiều bàn thắng nhất vào lưới 1 đối thủ trong hai lượt trận đi và về (7 bàn).

Đây chính là sự kiện làm bàn đạp giúp chân sút xứ Nghệ vượt mặt đàn anh Lê Huỳnh Đức trở thành cây săn bàn số một lịch sử bóng đá Việt Nam (31 bàn trên 52 trận).

Xem những hình ảnh "độc" về Hồng Sơn, Huỳnh Đức và thời kỳ hào hùng của bóng đá Việt Nam TẠI ĐÂY

Việt Nam 9-1 Campuchia
(Vòng bảng cúp Đông Nam Á Tiger Cup 2004)

Campuchia luôn là địch thủ ưa thích của Việt Nam. Trước chiến thắng đậm nhất tại Mỹ Đình năm 2004 (Công Vinh lập hat-trick), Việt Nam từng hạ đối thủ này với khoảng cách tỉ số rất lớn như trận thắng 6-0 ở vòng bảng Tiger Cup 2000, thắng 9-2 tại vòng bảng Tiger Cup 2002.

Công Vinh sắm vai chính trong những trận cầu hủy diệt gần đây của Việt Nam (Ảnh: Quang Minh).

Dẫu vậy, chiến thắng năm 2004 nhận được phản ứng tiêu cực từ khán giả Hà Nội. Đơn giản vì Tiger Cup năm ấy là một trong những thất bại nặng nề nhất của bóng đá nước nhà trong lịch sử tham dự ngày hội khu vực. Dù là một trong hai đồng chủ nhà (cùng với Malaysia), Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng và để lọt tấm vé đi tiếp vào tay Indonesia, Singapore - đội sau này lên ngôi vô địch.

Ký ức đau nhói nhất với đoàn quân HLV Tavares khi đó là thất bại 0-3 trước Indonesia ngay tại Mỹ Đình. Đây chính là trận thua đậm nhất của tuyển Việt Nam trước các đối thủ cùng khu vực kể từ khi sân Mỹ Đình khánh thành.


Việt Nam 9-0 Lào
(Vòng bảng cúp Đông Nam Á AFF Cup 2007)

Đây có thể coi là chiến thắng có ý nghĩa nhất trước những đối thủ yếu cùng khu vực. Bởi chính nó đã giúp Việt Nam vượt qua Indonesia về hiệu số bàn thắng bại (cùng có 5 điểm) để giành vé vào bán kết.

3 bàn thắng của Công Vinh, 4 bàn của Thanh Bình và 2 bàn của Văn Biển giúp đội nhà nâng hiệu số bàn thắng bại chung cuộc lên +9, vượt xa con số +2 của Indonesia.

Mặc dù vậy, ở bán kết Việt Nam không thể vượt qua người Thái khi thua chung cuộc 0-2 sau hai lượt trận.

Việt Nam 7-1 Myanmar
(Vòng bảng cúp Đông Nam Á AFF Cup 2010)

Việt Nam khởi đầu chiến dịch bảo vệ ngôi vương khu vực bằng chiến thắng tưng bừng trước người Myanmar với tỉ số làm nức lòng người hâm mộ.

Dù hạ Myanmar 7-1 nhưng Việt Nam vẫn thành cựu vô địch sau đó khi gục ngã dưới tay Malaysia.

Nhưng cảm xúc thăng hoa nhanh chóng bị xua tan đi sau trận thua vỡ mặt tại Mỹ Đình của thầy trò Calissto trước Philippines, địch thủ tăng cường đáng kể sức mạnh nhờ chính sách nhập tịch. Dù vẫn giành quyền vào chơi ở bán kết song đó cũng là lần cuối người hâm mộ chứng kiến triều đại của HLV râu kẽm người Bồ Đào Nha.

Thua tâm phục khẩu phục Malaysia ở hai lượt trận knock-out, Việt Nam chính thức trở thành cựu vô địch. HLV Calisto chính thức rời cương vị, thủ quân Minh Phương từ giã màu áo đội tuyển và bóng đá Việt bước sang một thời kỳ chuyển giao thế hệ mới.


Lý Sơn

Bình luận
vtcnews.vn