• Zalo

Họp chỉ đạo ứng phó bão số 12: Đại diện Bộ Công thương không đến dự

Thời sựThứ Năm, 02/11/2017 12:39:00 +07:00 Google News

Trong cuộc họp chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 12, đại diện Bộ Công thương đã không đến dự để báo cáo về tình hình các hồ chứa nước thủy điện.

Đại diện Bộ Công thương không đến dự

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 12 được dự báo sẽ đổ bộ vào Trung và Nam Trung Bộ, sáng 2/11, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức họp trực ban để báo cáo nhanh về công tác trực ban ứng phó với bão.

Dự cuộc họp trực ban gồm có đại diện các cơ quan, bộ, ban, ngành có liên quan như: Bộ NNN&PTNT (gồm đại diện Tổng cục phòng chống thiên tai, Tổng cục Nông nghiệp, Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Đê điều, Tổng cục Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi), Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cùng đông đảo đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công thương đã không đến dự cuộc họp để báo cáo về tình hình các hồ chứa nước thủy điện cũng như kế hoạch dự kiến xả lũ cụ thể khi xảy ra tình trạng bão đổ bộ, mưa lớn và nước các hồ chứa dâng cao.

IMG_20171102_080147_1

Trước khi bắt đầu cuộc họp trực ban, Ban chỉ đạo Trung ương PCTT đã dành 1 phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân trong "thảm kịch bão Linda" xảy ra ở Nam Bộ cách nay vừa tròn 20 năm khiến gần 3.000 người chết và mất tích.

Phó ban chỉ đạo PCTT Trần Quang Hoài cho biết đã gửi công văn cho Bộ Công thương từ nhiều ngày trước đó nhưng không thấy Bộ Công thương phản hồi và trong cuộc họp trực ban cũng không thấy đại diện Bộ Công thương đến dự để thông báo về tình hình các hồ chứa nước thủy điện.

“Chúng tôi đã gửi công văn mà hôm nay Bộ Công thương cũng không cử người đến dự”, ông Hoài phân trần.

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão

Theo báo cáo nhanh của đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng 2/11, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, trở thành cơn bão số 12 trên Biển Đông và có tên quốc tế là Damrey (Con Voi).

Vào hồi 7h sáng cùng ngày, vị trí tâm bão số 12 ở vào khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 117,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 380km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7h ngày 3/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Định - Ninh Thuận khoảng 420km về phía Đông.

baoso12 3

Vị trí và đường đi của bão số 12. 

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 14.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 13-14; biển động rất mạnh.

Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 10-14 độ Vĩ Bắc; phía Đông 111,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3. Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km và tiếp tục mạnh thêm.

Chủ động ứng phó với mưa lũ, đảm bảo an toàn cho Tuần lễ APEC

Báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Trung ương PCTT cho thấy, lũ trên sông Ba (Phú Yên), sông Cái Nha Trang (Khánh Hòa) đang lên; các sông khác từ tỉnh Quảng Nam đến Phú Yên, sông Dinh (Khánh Hòa) và các sông thuộc khu vực bắc Tây Nguyên đang xuống.

Trong 6 - 12 giờ tới, lũ trên sông Ba, sông Cái Nha Trang sẽ đạt đỉnh, sau đó xuống dần; các sông khác từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Phú Yên, sông Dinh (Khánh Hòa) và các sông thuộc khu vực bắc Tây Nguyên tiếp tục xuống.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 12, từ  4-8/11 trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên khả năng cao tiếp tục xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ cao sẽ xuất hiện lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trong đợt lũ này.

Tại phiên họp sáng nay, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Quang Hoài lưu ý việc thực hiện nghiêm Công điện số 83, 84 ngày 31/10 của Văn phòng thường trực; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng; Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT chỉ đạo, các đơn vị phải tiếp tục kiểm đếm, hướng dẫn theo dõi chặt chẽ tàu thuyền trên biển và nơi neo đậu, đặc biệt hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, thông tin cho các phương tiện để hướng dẫn, chủ động đối phó; theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa, lũ tại khu vực Nam Bộ và áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông.

Kiểm tra việc sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, kiên quyết không để người dân nào trên các phương tiện, tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ; Kiểm tra, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, cơ sở dịch vụ du lịch đảm bảo an toàn; chủ động tiêu nước đệm hạn chế ngập úng. Triển khai các đoàn công tác đến các địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó nhất là việc huy động lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm để sẵn sàng triển khai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 6h ngày 1/11, Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.366 tàu với 259.370 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Tuy nhiên, hiện còn 31 phương tiện của Bạc Liêu, 112 phương tiện (897 lao động) tại Cà Mau chưa liên lạc được. Đây là các phương tiện có công suất nhỏ khai thác thủy sản gần bờ, đi về trong ngày. Hiện các địa phương đang tích cực tìm cách liên lạc.

Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định: “Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã cử Đoàn công tác làm việc với Ban Chỉ đạo APEC và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam để bàn các biện pháp chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, đảm bảo tuần lễ APEC được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng diễn ra an toàn, hiệu quả”.

Không để xảy ra “thảm kịch Linda” lần thứ hai

Cũng trong sáng 2/11, trước khi bắt đầu cuộc họp, Ban chỉ đạo Trung ương PCTT đã dành 1 phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân đã chết và mất tích trong cơn bão Linda đã xảy ra cách nay tròn 20 năm (1997 – 2017) khi đổ bộ vào Cà Mau khiến hơn 3.000 chết và mất tích.

Sáng 1/11/1997, một vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực nam biển Đông, cách quần đảo Trường Sa khoảng 300 km về phía đông đông nam. Trưa cùng ngày, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão - cơn bão thứ năm ở biển Đông, có tên quốc tế là Linda.

Bão di chuyển nhanh, chủ yếu theo hướng tây. Đến sáng 2/11/1997, bão đạt cường độ cấp 9-10 (sức gió tối đa 105 km/h), cách Côn Đảo 100 km về phía đông. Tối và đêm 2/11, tâm bão đi vào Bạc Liêu - Cà Mau, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Nhận định bão Linda diễn biến phức tạp, Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đã liên tục thông báo và họp khẩn với các địa phương bàn cách đối phó. Thế nhưng, .

Tuy nhiên, không chỉ người dân, một số quan chức lúc bấy giờ cũng không mấy ai tin vào cơn bão này. Thậm chí trong một cuộc điện thoại, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương còn nghe được câu trả lời bằng một giọng lè nhè như đang say xỉn: “Biển Tây - biển Kiên Giang là vùng thánh địa, xưa nay chưa hề có bão, các anh ở Hà Nội vừa quan liêu, vừa không hiểu biết gì về vùng này”.

Bão Linda đã đổ bộ vào các tỉnh Nam Bộ và gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho các địa phương này. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương khi đó, các thiệt hại do bão Linda gây ra với 21 tỉnh thành Nam Bộ là “hết sức nặng nề, nhất là về sinh mạng, phương tiện tàu thuyền, nhà ở, cơ sở vật chất và mùa màng”.

Toàn khu vực có hơn 770 người chết, 2.120 người mất tính, 1.230 người bị thương, chủ yếu là ngư dân. Hơn 3.000 tàu bị đánh chìm. Số nhà bị sập là 107.890, hơn 120.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản và 320.000 ha diện tích lúa bị ngập. Ước tính thiệt hại vật chất là 7.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng Cà Mau có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 600 người bị thương.

Video: Những hình ảnh thương tâm về cơn bão Linda khiến 3.000 người chết và mất tích

 

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn