• Zalo

Hơn 13 triệu người lưu trú và tiếp tục tăng mạnh: TP.HCM chịu áp lực khủng khiếp thế nào?

Thời sựThứ Bảy, 06/04/2019 12:27:00 +07:00 Google News

Khoảng 13 triệu người lưu trú và con số này đang tăng mạnh đang tạo những áp lực khủng khiếp đến chính sách vĩ mô của TP, đặc biệt là hành chính, cơ sở hạ tầng.

Trong cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội của TP, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ, số liệu mới nhất cho thấy dân số cơ bản của TP.HCM là khoảng 8,9 triệu người, chưa tính 3 thành phần là bộ đội chính quy, công an và lực lượng ngoại giao (chịu sự điều tra thống kê của các cơ quan chủ quản là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao).

Trong 10 năm (từ 2009 - 2018), cứ mỗi năm TP.HCM lại tăng thêm 170.000 dân. Riêng 3 năm gần đây (từ 2016 - 2018), mỗi năm lại tăng thêm 200.000 người và xu thế này chưa có dấu hiệu giảm đi.

Ngoài ra, tính riêng năm 2018, khách quốc tế đến TP.HCM đạt 7,5 triệu lượt, khách nội địa cũng lên tới 29 triệu lượt, với thời gian lưu trú từ vài ngày đến vài tuần, thậm chí cả tháng. Theo tính toán từ Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, hiện luôn có khoảng 13 triệu người lưu trú tại TP.

ketxetphcm1

Với số lượng dân lớn, TP.HCM đang chịu những áp lực khủng khiếp, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.  

Với lượng dân lớn như vậy, TP.HCM đang có quy mô dân số cao gấp 7 lần bình quân cả nước. Mỗi cán bộ công chức đang phải phục vụ 700 người dân, gấp 2 lần mức bình quân toàn quốc.

Trong khi đó, TP.HCM chỉ chiếm 0,6% diện tích đất đai cả nước. Quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2010 chỉ mới tính toán cho một đô thị với dân số khoảng 10 triệu người vào năm 2025.

Thế nên, ngoài áp lực về hành chính, áp lực trước tiên và rõ ràng nhất của TP.HCM là về cơ sở hạ tầng. Theo ghi nhận của lãnh đạo TP thì mật độ kết nối giao thông của TP.HCM đang thuộc vào nhóm thấp nhất cả nước.

Bên cạnh đó, báo cáo gửi đến UBND TP.HCM hồi đầu năm 2019 của Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn cho thấy, di dân cơ học tăng nhanh khiến ngành giáo dục TP trở nên quá tải về trường lớp.

Năm học 2019 - 2020 dự kiến có gần 1,7 triệu học sinh (tăng gần 40.000 học sinh so với năm trước). Đến niên khóa 2020 - 2021, dự kiến con số này sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Trong khi đó, công tác cấp đất cho giáo dục hiện thực hiện chưa đạt 50% quy hoạch.

Trước thực trạng trên, ông Phong cho rằng: “Số lượng dân tăng mạnh ở TP.HCM không chỉ liên quan tới mỗi TP.HCM mà còn tác động lớn đến chính sách vĩ mô. Ở TP.HCM, dữ liệu dân số còn tác động tới các vấn đề về ngân sách, cơ sở hạ tầng, dữ liệu dân cư… Từ đó ảnh hưởng tới nhiều chính sách, đề án hiện nay của TP.HCM, trong đó có đề án thành phố thông minh”.

Tân Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn