• Zalo

Hội nhập kinh tế, doanh nghiệp Việt không thể ‘né’ phòng vệ thương mại

Đầu TưThứ Sáu, 17/12/2021 09:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Phòng vệ thương mại luôn song hành cùng hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp Việt nên sẵn sàng ứng phó thay vì né tránh như trước.

Hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam gần đây thường xuyên liên quan đến các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế suất cao. Theo chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến nhiều nước chú ý và điều tra phòng vệ thương mại với hàng Việt là do việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu khi chúng ta tham gia các hiệp định thương mại (FTA).

Trong bối cảnh đó, để hạn chế tổn thất, doanh nghiệp Việt cần chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, cũng như gia tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.

Lá chắn bảo vệ doanh nghiệp

Theo bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), một trong những công cụ mà các nước sử dụng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế là phòng vệ thương mại (gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ). Đây là công cụ quan trọng, hợp pháp được sử dụng để chống lại các hành vi cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế và ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước.

Ở Việt Nam, trong khoảng 5 năm trở lại đây, các biện pháp phòng vệ thương mại, kể cả với hàng xuất khẩu, nhập khẩu ngày càng lớn. Ở chiều xuất khẩu, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Nếu như giai đoạn 2005 - 2010 mới có 25 vụ việc thì con số này trong giai đoạn 2011 - 2015 là 52 vụ.

“Hàng hóa mà chúng ta đang bị điều tra áp dụng phòng vệ thương mại rất đa dạng, nhiều nhất là kim loại, nông sản, da giày, sợi… Hầu hết các nước điều tra áp dụng phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam đều là những nước chúng ta đã ký FTA. Hai thị trường thường xuyên điều tra Việt Nam nhưng chúng ta chưa ký FTA là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ”, bà Giang cho biết.

Hội nhập kinh tế, doanh nghiệp Việt không thể ‘né’ phòng vệ thương mại - 1

Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương). (Ảnh: Duy Thành)

Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại đánh giá, nguyên nhân gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam là bởi trước đây khi chúng ta chưa ký FTA thì đa số mặt hàng có thuế suất 5 - 20%. Với ngưỡng thuế suất đó, hàng hóa của các nước nhập khẩu vẫn cạnh tranh ở các mức tương đối so với hàng xuất khẩu trong có hàng hóa của Việt Nam.

Tuy nhiên khi chúng ta ký các FTA, đa số dòng thuế đều được đưa về 0%, khi đó với năng lực của Việt Nam, chúng ta có các lợi thế nhất định (như nhân công rẻ, tài nguyên dồi dào, mạng lưới FTA rộng lớn…) dẫn đến hàng hóa của Việt Nam có năng lực cạnh tranh khá tốt.

“Nhiều mặt hàng của chúng ta đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này phải đề nghị chính phủ họ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại”, bà Giang nhấn mạnh.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã bắt đầu chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước. Theo đó, tính đến tháng 11/2021, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 23 vụ việc phòng vệ thương mại, gồm 13 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ.

Theo bà Giang, tất cả các quốc gia khi áp dụng các biện pháp điều tra phòng vệ thương mại phải phù hợp với quy định của WTO. Khi một nước điều tra mà không phù hợp với quy định của WTO thì nước bị ảnh hưởng có thể khởi kiện ra WTO và yêu cầu nước kia phải bồi thường thiệt hại đó. Vì pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với quy định của WTO.

“Các biện pháp phòng vệ thương mại đã góp phần lập lại môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ được lợi ích chính đáng của nhiều ngành sản xuất trong nước bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới”, bà Giang cho hay.

Ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội, Giám đốc Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp, cũng cho biết, hiện nay nước ta đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, có quan hệ thương mại với hầu hết các thị trường trên thế giới với rất nhiều FTA và chúng ta đang được đánh giá là một nền kinh tế có độ mở rất lớn.

“Do vậy, để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh được coi là không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu (như bán phá giá hay trợ cấp từ chính phủ; hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa...) thì việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại là một việc cần thiết và phù hợp với luật pháp quốc tế”, ông Phụ cho hay.

Có hội nhập là có phòng vệ thương mại

Theo bà Phạm Châu Giang, phòng vệ thương mại hiện nay trở thành xu hướng và chiến lược song hành với mở cửa hội nhập của mỗi quốc gia. Do đó chiến lược của chúng ta là coi phòng vệ thương mại như là một điều tất yếu cùng với quá trình hội nhập. khi bị điều tra, các hiệp hội, doanh nghiệp bình tĩnh, ứng phó hiệu quả, để sao cho nếu nước ngoài áp thuế cũng không cản trở quá nhiều đến tăng trưởng xuất khẩu. Đây cũng là hướng ưu tiên để Bộ Công Thương thiết kế những nhiệm vụ của mình để hỗ trợ doanh nghiệp.

“Đừng nghĩ kiện tụng là một cái gì đó căng thẳng, cũng đừng nghĩ khi mà bị nước ngoài điều tra là chúng ta sai, chúng ta có tội. Trên thực tế phải coi phòng vệ thương mại là một công cụ luôn song hành cùng hội nhập kinh tế quốc tế. Cứ có hội nhập kinh tế là còn phòng vệ thương mại, phòng vệ thương mại là một van an toàn trong hội nhập kinh tế quốc tế”, bà Giang chia sẻ.

Hội nhập kinh tế, doanh nghiệp Việt không thể ‘né’ phòng vệ thương mại - 2

Khách mời chia sẻ tại tọa đàm “Để doanh nghiệp chủ động sử dụng và ứng phó với phòng vệ thương mại khi Việt Nam tham gia FTA” chiều 16/12. (Ảnh: Duy Thành)

Tuy vậy, theo đại diện Bộ Công Thương, để hạn chế tổn thất khi bị điều tra phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần chủ động thu thập thông tin từ các nhà nhập khẩu về động thái của doanh nghiệp nước sở tại, khi có doanh nghiệp phàn nàn về khó khăn của ngành sản xuất trong nước, hoặc phàn nàn về hàng Việt Nam giá rẻ, chiếm lĩnh thị phần cao.

Kinh nghiệm cho thấy, yếu tố tiên quyết dẫn đến thành công của các doanh nghiệp trong ứng phó với các vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại đấy chính là giai đoạn trước khi họ tiến hành khởi kiện. Bởi thực tế cho thấy trước khi một nước bắt đầu ban hành quyết định điều tra phòng vệ họ đã có các động thái cho thấy sự chuẩn bị.

Khoảng 10 năm trở về trước, thông thường doanh nghiệp Việt Nam và thậm chí các cơ quan quản lý của Việt Nam bao giờ cũng rất bị động trước những vụ việc mà nước ngoài điều tra đối với Việt Nam. Thậm chí có những vụ việc nước nhập khẩu tiến hành điều tra rồi, khởi xướng một tuần rồi phía Việt Nam mới nhận được thông tin. Khi đó doanh nghiệp còn rất ít thời gian để chuẩn bị cung cấp thông tin cho phía nước ngoài.

“Như vậy quan trọng nhất là khi họ chuẩn bị các biện pháp phòng vệ chúng ta phải nắm được thông tin và có chuẩn bị ứng phó kịp thời”, bà Giang nói.

Theo bà Giang, hiện nay, Bộ Công Thương đang duy trì hệ thống cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại. Khi nhận được thông tin cảnh báo, Cục Phòng vệ thương mại sẽ liên hệ với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu lớn để trao đổi thông tin và thảo luận chiến lược ứng phó.

Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp chủ động ứng phó với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, trong thời gian qua Chính phủ đã ban hành 3 đề án lớn, nhằm hỗ trợ các ngành sản xuất của Việt Nam ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong FTA.

“Mục tiêu nhằm theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại trong và ngoài nước, đảm bảo mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững”, bà Giang nói.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn