• Zalo

Học sinh lớp 6 khởi nghiệp với dự án trồng nấm sạch

Tin tức - Sự kiệnThứ Tư, 05/04/2023 14:41:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Ngoài việc trồng nấm thành công, nhóm học sinh lớp 6 trường Phổ thông Dewey (Cầu Giấy Hà Nội) còn bán được sản phẩm cho một công ty cung cấp suất ăn trường học.

Với quan điểm “Giáo dục chính là cuộc sống”, hoạt động giảng dạy của Dewey luôn mang đến những trải nghiệm học tập thực tế cho mỗi học sinh, “nhúng” học sinh vào thực tiễn để kiến thức của những trang sách luôn được “sống” trong những hoạt động thường ngày.

Lớp học rộng mở 

Cũng như những tiết học về nấm trong bộ môn Khoa học của các bạn học sinh lớp 6 Dewey Cầu Giấy, kiến thức không dừng lại ở lý thuyết mà được vận dụng liên môn với Kinh doanh, Công nghệ, Sinh học. Học sinh dùng kiến thức trong lớp học để có thêm những kiến thức bên ngoài lớp học. Đó là kiến thức của bộ môn Kinh doanh - Hướng nghiệp khi các bạn bán sản phẩm của mình, định giá sản phẩm và tổ chức một buổi thương thảo, ký kết hợp đồng với một công ty.

Học sinh lớp 6 khởi nghiệp với dự án trồng nấm sạch - 1

Học sinh thực hành trồng nấm.

Với cách học này, học sinh trở thành trung tâm của việc học, tiếp nhận kiến thức một cách chủ động, đồng thời các em là người kiến tạo nên tri thức cho chính mình. Những lý thuyết khô khan bỗng trở nên sinh động và thú vị, học sinh hào hứng khi được tự tay tạo phôi, nuôi trồng nấm, hồi hộp theo dõi quá trình sinh trưởng của nấm. Trong dự án này, mỗi học sinh còn có cơ hội khám phá thế mạnh của bản thân khi được trao quyền thực hiện những nhiệm vụ sáng tạo như bạn vẽ poster, bạn tự tin thuyết trình, bạn được giao nhiệm vụ làm báo giá, bạn được giao viết thư mời…

Như vậy, các bạn còn có được trải nghiệm mới mẻ khi trực tiếp làm nhà khoa học, một doanh nhân, một nhà thiết kế. Những kỹ năng mềm, những kinh nghiệm quý giá được đúc rút trong quá trình thực học, thực làm được tích lũy và áp dụng trong tương lai. Đây là những điều mà những trang thông tin khái niệm hay những lớp học “truyền thống” khó lòng dạy được. 

Bạn Bùi Hoàng Thiên Ân lớp 6 hào hứng chia sẻ: “Trước đây em không nghĩ môn Khoa học và Sinh học lại thú vị đến thế, không phải những công thức khô khan, phải học thuộc lý thuyết, bọn con được quan sát và ghi chép lại nhận định của mình về quá trình sinh trưởng phát triển của nấm.

Tuy dự án này của chúng em phát triển ngoài khuôn khổ của môn học nhưng vẫn được nhà trường rất ủng hộ và tạo điều kiện thực hiện ý tưởng. Nhóm em còn họp online buổi tối cùng luyện tập thuyết trình để bán sản phẩm của mình với công ty đối tác”.

Thế hệ học sinh năng động

Không dừng lại ở một hợp đồng thương thảo để mang lại lợi ích kinh tế, dự án nấm của các bạn học sinh lớp 6 Dewey Cầu Giấy còn hướng tới cộng đồng khi cả khối chung tay làm những tấm poster khuyến khích việc ăn chay để bảo vệ môi trường và cân bằng sức khỏe.

Các bạn hiểu rằng việc sử dụng nhiều thịt gia súc, gia cầm làm tăng áp lực đến môi trường với lượng lớn chất thải nông nghiệp. Ngoài ra, để cân bằng sức khỏe, cơ thể cần được bổ sung các loại vitamin, chất xơ từ rau, củ quả tươi.

Học sinh lớp 6 khởi nghiệp với dự án trồng nấm sạch - 2

Học sinh lớp 6 bán sản phẩm nấm trồng cho công ty cung cấp suất ăn.

Toàn bộ nấm của các bạn học sinh sẽ được công ty cung cấp suất ăn nhà trường chế biến thành các món ăn chay trong bữa trưa cho hơn 100 cán bộ nhân viên nhà trường. Sau đó, các bạn còn tổ chức tiệc trà chiều cho phụ huynh của khối 6 đến thưởng trà, ăn bánh mì lên men từ nấm Sourdough, nước Kombucha (nước trái cây lên men) và thuyết trình về quá trình thực hiện dự án của các bạn với những khó khăn, thuận lợi, những cảm xúc và trải nghiệm khi làm việc cùng nhau. 

Hơn cả việc học kiến thức và hình thành kỹ năng cho thế hệ gen Alpha để làm chủ tương lai, trường còn là nơi khuyến khích các bạn tư duy, mở rộng tầm nhìn, nhận thấy các vấn đề của xã hội bằng trái tim đồng cảm, sẻ chia từ đó tạo động lực thúc đẩy các bạn có những hành động cụ thể thiết thực giải quyết các “đề bài” của cuộc sống. 

Cô Nguyễn Mai Anh, chủ nhiệm dự án trên cho biết: “Dự án trên được các bạn vận dụng khá sáng tạo phương pháp Tư duy thiết kế (Design Thinking) với 5 bước: Empathize (Thấu cảm với người sử dụng giải pháp) - Define (Xác định đúng nhu cầu, vấn đề cần giải quyết) - Ideate (Xây dựng ý tưởng) - Prototype (Mô hình hóa thành mẫu thử) - Test (Thử nghiệm và nhận phản hồi để cải tiến).

Phương pháp này nuôi dưỡng sự tò mò và gieo vào lòng Học sinh niềm yêu thích với việc khám phá thế giới xung quanh. Sự tò mò giúp Học sinh biết say mê từ những điều nhỏ nhất, luôn tự tìm tòi đọc và học để giải đáp những câu hỏi của chính mình, chứ không phải vì một bài kiểm tra hay vì một sức ép từ người khác”.

Nhi Nhi
Bình luận
vtcnews.vn