BS Phạm Ngọc Toàn, khoa Cấp cứu Chống độc, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương chia sẻ câu chuyện hết sức đau lòng do trẻ hóc dị vật nhưng cộng đồng không có kiến thức cấp cứu cơ bản.
BS Toàn cho biết, bé trai 2 tuổi ở Nam Định được BV tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 22/7 do hóc dị vật. Gia đình cho biết, trong lúc chơi đùa với người thân ở nhà chiều cùng ngày, bé không may bị hóc hạt nhãn.
Gia đình có sơ cứu tại nhà, sau đó chuyển cháu bé đến BV huyện để cấp cứu, đặt ống nội khí quản rồi chuyển tiếp đến bệnh viện đa khoa tỉnh.
Tuy nhiên khi đến Bệnh viện Nhi Trung ương, bé đã có biểu hiện ngừng tim, phù phổi cấp. Khi mở khoang miệng, bác sĩ phát hiện hạt nhãn vẫn còn nằm nguyên ở nắp thanh môn.
“Do xử trí ban đầu không đúng nên khi đến viện trẻ hôn mê sâu. Dù tích cực cấp cứu nhưng não bệnh nhân tổn thương không hồi phục do thiếu oxy, giờ bệnh nhi đang phải sống thực vật”, BS Toàn thông tin.
Tương tự, ngay hôm qua, khoa cũng tiếp nhận thêm 1 bệnh nhi hóc hạt chôm chôm, khi vào viện cũng ngừng tim trước đó 10 phút.
Theo BS Toàn, trong các trường hợp hóc dị vật, xử trí cấp cứu đúng trong vài phút đầu có thể cứu sống bệnh nhân. Nếu để trễ hoặc sơ cứu không đúng, khi chuyển đến BV trẻ bị thiếu oxy lên não, dù có cứu sống cũng để lại di chứng suốt đời.
Các xử trí dị vật đường thở
BS Toàn nhấn mạnh, trong trường hợp bệnh nhân tỉnh táo, ho được, cần khuyến khích trẻ ho, sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Trường hợp không ho được hoặc ho không hiệu quả, cần mở thông đường thở, kiểm tra xem trẻ còn thở không, nếu không cần ép tim cấp cứu.
Nếu bệnh nhân tỉnh nhưng ho không hiệu quả thì cần vỗ lưng, ấn ngực. Trường hợp trẻ còn bé, đặt trẻ lên cánh tay, cho đầu chúi xuống sau đó vỗ lưng 5 lần xem dị vật có ra không, nếu không được thì lật ngược bệnh nhân lại rồi ấn tại vị trí ép ngực. Trẻ lớn hơn có thể đặt lên ghế và làm tương tự.
Video: Thêm một bệnh nhi hỏng mắt vì nhỏ sữa mẹ
Bình luận