• Zalo

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: 'Dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật'

Thời sựThứ Năm, 02/02/2017 07:35:00 +07:00 Google News

"Dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật, thế nhưng ở trong chùa từ lâu cũng có làm để cầu mong cho con người được an lành", Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói về tục dâng sao giải hạn đầu năm mới.

Trước những quan niệm: sao Thái Bạch, sạch cửa nhà; nam La (Sao La Hầu); nữ Kế (sao Kế Đô); 49 chưa qua, 53 đã đến…nên mỗi dịp đầu năm mới, hàng ngàn người kéo đến chùa đăng ký dâng sao giải hạn.

Liên quan đến vấn đề này, PV VTC News đã phỏng vấn Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Đại biểu Quốc hội Việt Nam khoá 13, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội.

10baonghiem

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Đại biểu Quốc hội Việt Nam khoá 13.

- Thưa Hòa thượng, có thể giải thích thế nào về tục dâng sao giải hạn trong dịp đầu năm mới?

Tục dâng sao giải hạn nằm trong nghi lễ của Đạo giáo, tức là Lão Tử. Nó đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người, nhất là người dân Việt Nam. Họ tin rằng, mỗi một năm có một vì sao chiếu mệnh. Có 9 sao, trong đó có: Thái dương, Thái Âm, Mộc đức, Vân hớn, Thổ tú, Thủy diệu, La hầu, Kế đô, Thái bạch.

Người ta tin mỗi một năm, một tuổi nó ứng vào của người nam hoặc người nữ. Và người ta cũng cầu mong các vì sao là sao tốt. Cùng một tuổi, cùng một năm, đàn ông và đàn bà lại có sao chiếu mệnh khác nhau. 

Trong 9 ngôi sao có sao tốt, có sao xấu, năm nào sao xấu chiếu mệnh con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật gọi là vận hạn. 

- Trong giáo lý nhà Phật có quy định nào về việc dâng sao giải hạn không, thưa hòa thượng?

Dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật. Thế nhưng, giữa tín ngưỡng dân gian và nghi lễ của Phật giáo thì đều gặp nhau ở một điểm là cầu mong cho con người được an lành, không gặp phải những điều xấu trong cuộc sống.

  Trước Tam Bảo trong chùa Phúc Khánh, luôn có rất đông người hành lễ.

Trước Tam Bảo trong chùa Phúc Khánh (Hà Nội) luôn có rất đông người hành lễ.

Cho nên, ở trong chùa từ lâu rồi cũng có làm nhưng tùy từng chùa thực hiện với các nghi thức khác nhau. Cũng có chùa, đền, phủ... cúng theo tín ngưỡng cổ truyền là dâng sao, cũng có nơi như Phật giáo chỉ tụng kinh lễ Phật.

Hiện nay, người dân dâng sao giải hạn là đang quan niệm theo tín ngưỡng, cầu mong một cuộc sống được an bình trong một năm.

- Hòa thượng đánh giá thế nào về việc không ít người đổ rất nhiều tiền bạc vào việc dâng sao giải hạn đầu năm mới?

 
Đừng vì khó khăn mà thấy người khác làm cũng chạy đua theo để ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm

Bản thân tôi chưa thấy điều này bao giờ. Tôi cũng chưa gặp trường hợp nào mà tốn kém về việc dâng sao giải hạn. Tôi chỉ trông thấy những người dân đến chùa và cầu mong rất bình thường. Ai cũng mong mình được bình an và mỗi người có một khả năng khác nhau nên họ có những cách làm khác nhau.

Thế nhưng, đừng nên làm thái quá, đừng làm những điều phung phí ảnh hưởng đến tài sản, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người xung quanh.

Cũng đừng vì khó khăn mà thấy người khác làm cũng chạy đua theo để ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình. Nếu đúng có những người làm phung phí quá, ảnh hưởng đến kinh tế thì không nên, còn việc con người dốc lòng tâm thành để cầu đạo một việc gì đó thì mình không nên khắt khe quá.

- Thay bằng việc dâng sao giải hạn, hòa thượng có thể đưa ra một lời khuyên cho người dân trong dịp đầu xuân năm mới?

Năm mới, tôi cũng như tất cả các bạn ai cũng mong nói với nhau những lời đẹp đẽ nhất. Mong muốn cho mình và tất cả mọi người đều được bình an, mọi công việc được hanh thông, thuận lợi và thành đạt. Dù là người giàu hay người nghèo cũng chỉ cần một cái tâm trong sáng, bởi vậy mong mọi người đi lễ với tâm thành kính chứ đừng để tư lợi chi phối.

- Xin cảm ơn hòa thượng!

Video: Chùa Trấn Quốc lọt top những ngôi chùa đẹp nhất thế giới

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn