• Zalo

Hỏa Diệm Sơn của 'Tây du ký' thực tế nằm ở đâu, hiện nay ra sao?

Chuyện bốn phươngThứ Năm, 05/05/2022 07:00:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Hỏa Diệm Sơn - trở ngại cực lớn trên con đường thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng - trên thực tế nằm ở đâu, hiện nay có còn phun lửa?

Trong vô số thử thách mà Đường Tăng và 3 đồ đệ phải vượt qua trên con đường sang Tây Thiên lấy kinh, Hỏa Diệm Sơn là một trong những khó khăn khó vượt qua nhất. Trong Tây du ký, Hỏa Diệm Sơn được cho là hậu quả của thói ngỗ nghịch của Tôn Ngộ Không thời đại náo thiên cung: Họ Tôn bị luyện nhiều ngày trong lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân nhưng không chết mà còn có được mắt lửa ngươi vàng. Khi nhảy ra, lão Tôn tiện đà đá văng lò bát quái, khiến nó lăn xuống trần gian, tạo thành dãy núi lửa trùng điệp.

Hỏa Diệm Sơn của 'Tây du ký' thực tế nằm ở đâu, hiện nay ra sao? - 1

Tôn Ngộ Không nhiều phen khốn khổ để tìm cách qua được Hỏa Diệm Sơn.

Hỏa Diệm Sơn được tiểu thuyết gia Ngô Thừa Ân miêu tả: "Lửa bốc ngùn ngụt tám trăm dặm, bốn phía xung quanh một tấc cỏ cũng không mọc được. Đi qua ngọn núi ấy, dù có mình đồng da sắt cũng chảy thành nước hết". Đây là con đường duy nhất sang Tây Thiên thỉnh kinh nên thầy trò Đường Tăng không có cách nào khác là phải tìm biện pháp dập tắt lửa.

Khổ nỗi, phương tiện dập lửa duy nhất là quạt ba tiêu lại nằm trong tay Thiết Phiến công chúa, vợ Ngưu Ma Vương và là mẹ Hồng Hài Nhi. Hận Tôn Ngộ Không khiến cho con mình phải từ giã thân phận Thánh Anh Đại vương tiêu dao tự tại, phải quy y theo Quan Âm Bồ Tát, Thiết Phiến công chúa (bà La Sát) quyết không cho mượn quạt, từ đó mà dẫn đến bao nhiêu diễn biến kịch tính. 

Vậy Hỏa Diệm Sơn có thật không? Trên thực tế, Hỏa Diệm Sơn thuộc dãy Thiên Sơn, Tân Cương, Trung Quốc. Nó nằm gần rìa phía bắc của sa mạc Taklamakan và ở phía đông của thành phố Turpan, thuộc phần phía bắc của con đường tơ lụa cổ đại. Dãy núi dài khoảng 100 km, rộng 5-10 km. Phía đông Hỏa Diệm Sơn bắt đầu từ Lưu Sa Hà (trong Tây du ký là con sông mà Sa Tăng chiếm đóng trước khi gặp Đường Tăng và các sư huynh).

Độ cao trung bình của Hỏa Diệm Sơn là 500 m, một số đỉnh cao trên 800 m. Khí hậu tại đây rất khắc nghiệt, vào mùa hè là nơi nóng nhất Trung Quốc, nhiệt độ thường xuyên đạt 50 độ C, nhiệt độ bề mặt có lúc cao đến trên 70 độ C.

Người dân địa phương gọi Hỏa Diệm Sơn là "Kiziltag", có nghĩa là "Núi Đỏ". Đây là một vùng núi sa thạch màu đỏ cằn cỗi và bị xói mòn. Các rãnh có hình thù độc đáo, đầy ấn tượng của Hỏa Diệm Sơn được tạo thành do sự xói mòn của nền đá sa thạch đỏ. Vào những thời điểm nhất định trong ngày, những đường rãnh màu đỏ này tạo cho dãy núi trông như đang bùng cháy.

Hỏa Diệm Sơn của 'Tây du ký' thực tế nằm ở đâu, hiện nay ra sao? - 2

Hỏa Diệm Sơn trong thực tế

Ngọn lửa của Hỏa Diệm Sơn bắt nguồn từ những đám cháy tự phát ở các mỏ than nơi đây, dưới tác động của khí hậu cực khô và nhiệt độ bề mặt quá cao. Thời nhà Thanh, người ta đã phát hiện sự tồn tại của rất nhiều mỏ than ở Tân Cương và ngọn lửa đã cháy trong hơn 100 năm, đến tận năm 1983, chính phủ Trung Quốc mới bắt đầu dập lửa.

Sau 12 năm áp dụng nhiều biện pháp  dựa trên nguyên lý cô lập oxy, Trung Quốc đã dập tắt được hơn 40 khu vực cháy.

Hiện nay, Hỏa Diệm Sơn không còn ngùn ngụt lửa mà đã là một điểm du lịch nổi tiếng ở Tân Cương. Năm 2011, Ủy ban Đánh giá chất lượng danh lam thắng cảnh du lịch Trung Quốc phê duyệt để thắng cảnh này trở thành là điểm du lịch quốc gia cấp 4A.

Hỏa Diệm Sơn của 'Tây du ký' thực tế nằm ở đâu, hiện nay ra sao? - 3

Hình tượng thầy trò Đường Tăng ở khu danh thắng Hỏa Diệm Sơn.

Khu du lịch Hỏa Diệm Sơn được chia thành hai khu vực tham quan: Dưới lòng đất và trên mặt đất, xung quanh có các bức chạm khắc cảnh trong Tây du ký

Vân Anh
Bình luận
vtcnews.vn