• Zalo

Hiệp sĩ Sài Gòn phục kích 'quý bà' lừa đảo

Pháp luậtChủ Nhật, 08/11/2015 08:30:00 +07:00 Google News

Nhiều người dân tin yêu các “hiệp sĩ đường phố” Sài Gòn, muốn trợ giúp tiền bạc, tiếp sức cho họ hành hiệp nhưng nhóm đã từ chối.

Nhiều người dân tin yêu các “hiệp sĩ đường phố” Sài Gòn, muốn trợ giúp tiền bạc, tiếp sức cho họ hành hiệp nhưng nhóm đã từ chối.

Khắc tinh của cướp giật, trộm cắp
Hiện nay có nhiều nhóm “hiệp sĩ đường phố” tự phát cùng tham gia hoạt động trấn áp tội phạm tại TP.HCM, trong đó, nhóm “hiệp sĩ” do Lâm Hiếu Long làm đội trưởng, được coi là một trong những nhóm hoạt động năng nổ, tích cực...
Long kể, năm 2010 anh bắt đầu tham gia vào một nhóm “hiệp sĩ đường phố” vì niềm đam mê. Hai năm sau đó, Long tách ra, thành lập nhóm “hiệp sĩ” do anh làm đội trưởng, đến nay ổn định với 6 thành viên với cái tên được người dân gọi “CLB săn bắt cướp TP.HCM”.
Lâm Hiếu Long (người cầm lái) trong một vụ khống chế tội phạm.
Lâm Hiếu Long (người cầm lái) trong một vụ khống chế tội phạm. 

“Trong đội có người đang học ngành luật để tư vấn cho anh em, ngoài ra chúng tôi còn lên mạng tham khảo thông tin để hoạt động đúng quy định pháp luật…” - thành viên Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ.
Đến giờ Long cũng như anh em trong đội vẫn nhớ rõ từng vụ tham gia trấn áp cướp giật, trộm cắp, lừa đảo trên đường phố Sài Gòn. 
Ấn tượng nhất với đội trưởng Long là lần bắt một tên cướp giật đêm 29/4/2010. Long cùng một “hiệp sĩ” đi trên 2 xe, đeo theo 2 thanh niên khả nghi khi chúng bám theo cặp vợ chồng vừa ra một nhà hàng tiệc cưới trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình.
Đến bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh, hai đối tượng trên kè xe, giật túi xách của người vợ ngồi sau xe. Chỉ chờ có thế, nhóm của Long nhập cuộc truy đuổi.
Hai tên cướp chạy bạt mạng vào đồng ruộng vắng vẻ, Long rú ga lao theo còn người bạn đi cùng bị tụt lại phía sau.
“Lúc đó hai đối tượng ngã xe, nhảy xuống sông tìm đường tẩu thoát. Tôi cũng lao xuống. Tên cầm lái leo lên gò đất, bỏ chạy thoát thân. Tôi ôm chặt, giằng co với tên còn lại dưới sông, khoảng năm phút thì khống chế được, thu giữ tang vật là chiếc túi xách của nạn nhân", Long kể.
"Giờ nghĩ lại vẫn còn sợ, khi đó mình cũng liều lĩnh. Lỡ đối tượng có dao thì đã bỏ mạng dưới sông, trong đêm vắng đó rồi”, Long chia sẻ.
Quý bà Phan Ngọc Phượng chuyên lừa đảo, trộm cắp ở hàng loạt cửa hàng tại TP.HCM bị các “hiệp sĩ đường phố dày công đeo bám, phục kích bắt giữ.
"Quý bà" Phan Ngọc Phượng chuyên lừa đảo, trộm cắp ở hàng loạt cửa hàng tại TP.HCM bị các “hiệp sĩ" đường phố dày công đeo bám, phục kích bắt giữ. 

Thành viên Lê Xuân Trường cũng từng cùng Long truy đuổi 2 đối tượng trộm chó qua hàng chục km, từ Gò Vấp đến Hóc Môn. “Trên đường tháo chạy, chúng ném ớt bột, hơi cay... để hạn chế sự truy đuổi. Thậm chí chúng giương súng điện áp sát vào anh em... Tiếc là chúng tôi không bắt được 2 đối tượng này”.
Mới đây, nhóm của Long lập thành tích khiến nhiều người nức lòng. Mấy anh em đã theo về tận Bến Tre tìm hiểu tung tích của nữ quái chuyên lừa đảo, trộm cắp ở hàng loạt cửa hàng ĐTDĐ và các cơ sở kinh doanh. Sau đó Long và đồng đội phục kích, đeo bám cuối cùng bắt giữ được đối tượng là “quý bà” Phan Ngọc Phượng (SN 1970). Công an quận Gò Vấp đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà này để điều tra, xử lý về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng thời mở rộng điều tra, xác minh hàng loạt vụ trộm, lừa đảo do Phượng thực hiện.
Hay tin bà Phượng sa lưới, hàng chục nạn nhân của bà này đã liên hệ với nhóm của Long và được hướng dẫn đến tố giác tại cơ quan công an.
Không nhận tiền hỗ trợ
Được biết, 6 thành viên trong nhóm của Long đều có công ăn việc làm ổn định. Long kiếm sống bằng nghề môi giới xe ô tô, các thành viên khác mỗi người một nghề như: kinh doanh khách sạn, tài xế, thiết kế quảng cáo, thậm chí có người đang là nhân viên của một hãng hàng không lớn. “Hễ rảnh lúc nào là anh em chúng tôi tụ tập, đi với nhau, thường thì buổi tối mới đủ cả 6 thành viên” - hiệp sĩ Nam nói.
Một số thành viên trong nhóm vẫn giấu gia đình chuyện ngày đêm xuống đường... hành hiệp.
Chỉ 3 năm qua, Lâm Hiếu Long đã nhận được 15 bằng khen của chính quyền các cấp, trong đó có 3 bằng khen của lực lượng công an TP.HCM. Các thành viên khác được được ghi nhận thành tích tương tự.
Số điện thoại của Long dường như đã trở thành số đường dây nóng trình báo, tố giác tội phạm. Mỗi ngày anh nhận từ 15-30 cuộc điện thoại người dân trình báo bị cướp, cướp giật, trộm cắp... Nhận tin là lập tức anh em lên đường.
Đặc biệt, nhiều người dân trong nước, thậm chí ở hải ngoại đã liên hệ đề nghị được hỗ trợ bằng tiền bạc, tiếp sức cho nhóm hoạt động vì nghĩa cử. “Chúng tôi xác định chỉ làm việc nghĩa, giúp người dân nên quyết là không nhận tiền bạc”, Lâm Hiếu Long khảng khái.
Các “hiệp sĩ” trong một màn bắt giữ bộ đôi cướp giật trên đường phố.
Các “hiệp sĩ” trong một màn bắt giữ bộ đôi cướp giật trên đường phố. 

Có mạnh thường quân vì tin, yêu, cương quyết hỗ trợ bằng cách trả chi phí sửa xe cho các thành viên trong nhóm. Xe của anh em hư hỏng trong lúc truy đuổi tội phạm, phải đem đi sửa chữa thì mạnh thường quân đó sẽ trực tiếp thanh toán giúp.
Nhiều người đã tự quy đổi thành phiếu xăng, đồ bảo hộ, găng tay... gửi đến tận nơi tặng các anh. Nhưng với các anh, niềm vui chính là khi có người dân tìm đến tận nơi để chia sẻ, động viên, tặng một phần bánh kem chia vui với các anh sau mỗi thành tích.
“Mong ước của anh em hiện nay là có chiếc camera hành trình gắn ở trước xe để khi đeo bám, truy đuổi tội phạm có thể ghi hình đầy đủ quá trình phạm tội của đối tượng. Từ đó cung cấp cho cơ quan công an xử lý một cách hiệu quả nhất”, Long tâm tư.
Long và các thành viên cho chúng tôi xem nhiều thương tích trên cơ thể, dấu ấn của những lần truy bắt tội phạm trên đường phố Sài Gòn. “Dấn thân vì sự bình yên của xã hội thì điều đó là hiển nhiên nên anh em vui vẻ chấp nhận anh ạ”, Long vui vẻ.

Video hiệp sỹ Bình Dương bắt móc túi  

Nguồn: Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn