• Zalo

Hệ thống phòng thủ C-Dome lần đầu được Israel sử dụng lợi hại đến mức nào?

Quân sựThứ Ba, 09/04/2024 21:30:23 +07:00 Google News
(VTC News) -

Quân đội Israel lần đầu triển khai hệ thống phòng thủ có tên C-Dome, hệ thống đánh chặn trên biển đi vào hoạt động năm 2022.

Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) hôm 8/4 tuyên bố trên Telegram vừa triển khai hệ thống phòng thủ C-Dome gần thành phố cảng Eilat bên bờ biển Đỏ nhằm đánh chặn một "máy bay đối địch".

Tuyên bố cho biết: “Mục tiêu đã bị hệ thống phòng thủ hải quân C-Dome đánh chặn thành công", đồng thời nói thêm "không có thương tích nào được báo cáo và không có thiệt hại nào xảy ra".

Hệ thống phòng thủ của Israel đang bị thử thách bởi làn sóng tấn công gia tăng kể từ khi chiến dịch quân sự của nước này bùng nổ ở Gaza. Đặc biệt, Eilat từng là mục tiêu tấn công trên không của các lực lượng trong khu vực, trong đó có phiến quân Houthi ở Yemen.

Mới tuần trước, một vật thể bay không bị phòng không đánh chặn đã tấn công một tòa nhà trong thành phố và một nhóm được Iran hậu thuẫn ở Iraq (IRI) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Theo các video được chia sẻ trên mạng xã hội, C-Dome, phiên bản gắn trên tàu của Hệ thống Vòm sắt Israel đã phóng 2 tên lửa sau khi phát hiện ít nhất 1 mục tiêu trên không không xác định đã xâm nhập không phận Israel từ phía đông.

Hệ thống C-Dome đánh chặn máy bay tối 8/4. (Video: X).

C-Dome là phiên bản hải quân của Iron Dome, hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel đã chặn hàng nghìn quả tên lửa bắn từ Gaza. Iron Dome, được kích hoạt vào năm 2011 và có hiệu suất khoảng 90%, hoạt động bằng cách sử dụng radar để phát hiện tên lửa tầm ngắn trước khi tiêu diệt chúng bằng tên lửa từ hệ thống của nó.

C-Dome được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2014, tuyên bố đi vào hoạt động vào tháng 11/2022 và vào thời điểm đó được ca ngợi là một “cột mốc quan trọng”. C-Dome hoạt động tương tự như Iron Dome, sử dụng một số công nghệ tương tự, ngoại trừ việc nó được gắn trên tàu chiến.

Không giống như Iron Dome có radar chuyên dụng riêng, C-Dome, theo nhà phát triển Rafael - công ty công nghệ quốc phòng thuộc sở hữu của nhà nước Israel, được tích hợp vào radar của tàu để phát hiện các mục tiêu đang đến gần. Rafael cho biết C-Dome đảm bảo “bảo vệ tàu toàn diện và khả năng tiêu diệt cao trước toàn bộ các mối đe dọa hiện đại - dù là ngoài khơi hay ven biển”.

C-Dome có 3 thành phần: thiết bị đánh chặn TAMIR, thiết bị phóng thẳng đứng dạng mô-đun (VLU) và bộ phận Chỉ huy & Điều khiển (C2). Việc sử dụng radar giám sát của tàu chiến để phát hiện và theo dõi các mối đe dọa sẽ loại bỏ yêu cầu sử dụng radar chuyên dụng.

C-Dome là phiên bản hoạt động trên tàu chiến của Iron Dome (Vòm Sắt) mà Israel sử dụng. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Israel)

C-Dome là phiên bản hoạt động trên tàu chiến của Iron Dome (Vòm Sắt) mà Israel sử dụng. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Israel)

Theo trang web của công ty quốc phòng Rafael, đây là đầu đạn cực kỳ tiên tiến, đảm bảo khả năng tiêu diệt cao đối với nhiều mục tiêu. Thiết bị đánh chặn của C-Dome cực kỳ linh hoạt và có tốc độ quay vòng cao cho phép đánh chặn ngay cả những mục tiêu cơ động nhất.

Tháng 6 năm ngoái, chính quyền Israel thông báo rằng họ đã hoàn thành một loạt cuộc thử nghiệm C-Dome trên tàu hộ tống lớp Sa'ar 6, một loạt tàu chiến do Đức sản xuất cho Hải quân Israel - được mô tả là một bước trong quá trình "đạt được mục tiêu vận hành cuối cùng" của hệ thống phòng thủ.

Tàu hộ tống lớp Sa'ar được sử dụng lần đầu tiên trong chiến đấu vào tháng 10 năm ngoái, sau vụ tấn công ngày 7/10 và tiếp tục được triển khai trong chiến dịch quân sự của Israel.

Các hệ thống phòng thủ khác được triển khai lần đầu tiên trong cuộc xung đột đang diễn ra bao gồm Arrow 2 và Arrow 3, được sử dụng vào năm ngoái để chống lại các mục tiêu phóng về phía Israel từ Dải Gaza và Biển Đỏ.

“Chiến tranh ở Gaza vẫn tiếp diễn và chúng tôi còn lâu mới dừng lại”, người đứng đầu IDF Herzi Halevi cho biết trong một tuyên bố hôm 7/4, tròn 6 tháng kể từ khi xung đột nổ ra.

Thạch Anh(Nguồn: Time)
Bình luận
vtcnews.vn