• Zalo

Hậu trường chăm sóc sức khỏe ở Đại hội Đảng XII

Sức khỏeThứ Bảy, 30/01/2016 10:06:00 +07:00Google News

Những ngày diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe T.Ư luôn túc trực...

Những ngày diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe T.Ư luôn túc trực...
Ông Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư 

Theo quy định, tất cả các ứng cử viên Ban chấp hành T.Ư và cả đại biểu đều phải khám sức khỏe. Còn trong những ngày diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe T.Ư luôn túc trực và sẵn sàng cấp cứu khi có sự cố.

Trao đổi với PV Báo Giao thông sau khi vừa rời khỏi Trung tâm Hội nghị Quốc gia - nơi diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, ông Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư chia sẻ, được chăm sóc sức khỏe cho các cán bộ lãnh đạo cấp cao là một vinh dự lớn, đặc biệt trong một sự kiện trọng đại của đất nước. Nhưng cùng với niềm vinh dự lớn lao đó, ông cũng như các cán bộ trong Ban phải chịu không ít căng thẳng, áp lực.

Công tác khám sức khỏe trước Đại hội rất chặt chẽ

Theo ông Nguyễn Quốc Triệu, công tác bảo vệ sức khỏe lãnh đạo nói chung và đại biểu Đại hội Đảng nói riêng rất quan trọng, đặc biệt khi Đại hội Đảng lần này diễn ra trong những ngày rét kỷ lục.

Tại Đại hội Đảng lần này, không chỉ các ứng viên được đề cử, giới thiệu vào BCH T.Ư phải trải qua các cuộc khám sức khỏe kỹ lưỡng, mà tất cả hơn 1.500 đại biểu tham dự đại hội đều phải tiến hành khám sức khỏe trước khi Đại hội diễn ra.

"Chăm sóc sức khỏe cho các vị lãnh đạo đất nước là công việc hết sức vinh dự, tuy nhiên, nó cũng là công việc vô cùng áp lực, bởi chỉ cần một tỷ lệ vô cùng nhỏ sơ suất xảy ra thì “mọi chuyện đã khác”. Tính mạng con người đã hệ trọng rồi, nhưng tính mạng của những lãnh đạo quốc gia lại càng quan trọng hơn. Nhưng dù có vất vả hay áp lực, ông Triệu khẳng định bấy lâu nay Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe T.Ư vẫn luôn luôn làm việc hết mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ."

Ông Nguyễn Quốc Triệu

Ông Triệu cho biết, Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư có hai nơi khám đặt ở Hà Nội và TP.HCM, trong đó tại Hà Nội có bốn phòng khám, ở TP.HCM có một phòng khám. 

Đối với các ứng viên được đề cử BCH T.Ư thì bắt buộc phải đến khám tại 5 phòng khám ở Hà Nội và TP.HCM. Tại đây họ sẽ được kiểm tra tổng thể, tiến hành lấy máu, chụp chiếu, làm siêu âm, khám lâm sàng, khám chuyên khoa… 

Sau đó, bác sĩ phụ trách khám khâu nào thì ký xác nhận vào khâu đó, và cuối cùng Ban bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư sẽ kết luận xem cán bộ đó có đủ sức khỏe làm việc hay không.

Còn đối với các đại biểu thì có thể tiến hành khám sức khỏe ở địa phương, sau đó gửi kết quả lên Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư để trưởng ban phê duyệt và kết luận. 

“Đây là những yêu cầu bắt buộc và vô cùng cần thiết nhằm tránh tối đa những sự cố về sức khỏe của cán bộ có thể xảy ra khi Đại hội Đảng đang được tiến hành”, ông Triệu nói.

Nhớ lại kỳ Đại hội mới đây nhất xảy ra “sự cố”, ông Triệu nhắc lại trường hợp một đồng chí nguyên Bí thư T.Ư Đảng được mời dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X với tư cách khách mời, nhưng ngay sau ngày đi dự Đại hội, đồng chí đó qua đời. “Hay như trường hợp mà tôi cho rằng đó là “lịch sử” trong các kỳ tổ chức Đại hội Đảng. 

Đó là lần tôi nhớ mãi khi cách đây vài kỳ, có một đồng chí vừa được bầu vào Bộ Chính trị thì qua đời khi mới dự Đại hội được ba ngày do nhồi máu cơ tim”, ông Triệu cho biết và nói thêm rằng, đó là những trường hợp, những “sự cố” đáng tiếc nhất, bởi ở cương vị những cán bộ đó, họ đã phải phấn đấu rất nhiều mới có được như hiện tại, nhưng do bệnh tật nên đất nước cũng mất đi những nhân tài. 

“Bên cạnh rất nhiều trường hợp được chúng tôi cấp cứu kịp thời thì hai trường hợp trên luôn khiến chúng tôi tiếc nuối. Việc chăm sóc sức khỏe cho những đồng chí này rất hệ trọng vì những người như họ “chỉ đếm trên đầu ngón tay” của đất nước”, ông Triệu chia sẻ.

Ông cũng cho biết, việc khám sức khỏe của các cán bộ được giới thiệu vào BCH T.Ư thường được tiến hành trước khi tổ chức Hội nghị T.Ư. Thông thường, việc khám sức khỏe được tiến hành trước Hội nghị T.Ư để lấy kết quả đó chuyển cho Tiểu ban nhân sự và Ban tổ chức T.Ư, giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn và điều kiện sức khỏe với T.Ư. 

Hội nghị T.Ư vừa rồi xét được 82 người tham gia lần đầu, 117 người tái cử, tổng số là 199 người đủ điều kiện sức khỏe. Sau đó ra Đại hội giới thiệu thêm 21 người nữa, tổng số là 220 người để bầu ra 200 Ủy viên chính thức và dự khuyết. Tất cả những người được bầu vào BCH T.Ư đều đảm bảo tiêu chuẩn về sức khỏe vì đã trải qua những đợt khám rất kỹ lưỡng. 

Sức khỏe được phân thành 5 loại: A, B1,B2,C,D. Những cán bộ đủ điều kiện được xếp loại sức khỏe B2 trở lên, còn những người sức khỏe thuộc loại C, D được xác định không đủ điều kiện làm việc.

Ngoài ra, với những người không phải do T.Ư giới thiệu thì các cán bộ đó tự đề xuất xin khám sức khỏe để hoàn tất hồ sơ khi được Đại hội giới thiệu.

Với các Ủy viên BCH T.Ư và các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông Triệu cho biết, các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đều giống nhau.

Y tế luôn túc trực và sẵn sàng cấp cứu khi có sự cố - Ảnh minh họa
Y tế luôn túc trực và sẵn sàng cấp cứu khi có sự cố - Ảnh minh họa 

Y tế túc trực cả ngày lẫn đêm suốt kỳ Đại hội

Để đảm bảo xử lý kịp thời tất cả các sự cố về sức khỏe xảy ra đối với các đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ XII, tại 14 khách sạn các đại biểu ở có 14 tổ y tế trực 24/24h, có xe và các phương tiện cần thiết. Các tổ y tế này đã được diễn tập xử lý tình huống trước khi Đại hội diễn ra. Ví dụ, nếu xảy ra tình huống có bệnh về tim mạch thì đưa vào Viện Tim mạch, BV Bạch Mai, nếu tình huống về ngoại khoa thì đưa về BV Việt Đức.

Ngoài ra, ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia nơi diễn ra Đại hội luôn có ba tổ y tế trực suốt ngày đêm, có xe cấp cứu, bình ô xy, máy siêu âm sẵn sàng xử lý mọi trường hợp. 

Một tổ do BV Bạch Mai đảm nhiệm, một tổ do BV 108 đảm nhiệm và một tổ do BV Hữu Nghị đảm nhiệm. “Hậu trường chăm sóc sức khỏe được Văn phòng T.Ư tạo điều kiện rất tốt, văn phòng rộng rãi, thiết bị đầy đủ. Tại Đại hội lần này may mắn không có sự cố nào về sức khỏe xảy ra với các đại biểu. Nhưng tôi nhớ tại kỳ Đại hội thứ 8, nhờ các tổ y tế túc trực và đủ điều kiện vật chất nên đã kịp thời cấp cứu cho nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Trần Văn Phát khi ông bị nhồi máu cơ tim”, ông Triệu nhớ lại.

Về nguyên tắc chung, ông Triệu cho biết, những cán bộ trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư, mỗi người đều có tiêu chuẩn có một bác sĩ riêng đi theo chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, mỗi bác sĩ này cũng có thể kiêm luôn việc chăm sóc sức khỏe của một vài Ủy viên BCH T.Ư nữa. Các bác sĩ được lựa chọn là những người làm việc, công tác lâu năm tại các bệnh viện lớn, có tinh thần trách nhiệm và đặc biệt có năng lực chuyên môn tốt.

Bên cạnh đó, tại các bệnh viện như: BV Hữu Nghị, Bệnh viện Quân đội 108, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Y học Cổ truyền… đều có những khoa riêng dành cho các cán bộ cấp cao điều trị.

Nhớ mãi trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh

Kể lại trường hợp điều trị cho cán bộ T.Ư khiến mình đáng nhớ nhất, ông Triệu nhắc ngay tới trường hợp của nguyên Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh. 

“Đây là một vị cán bộ được nhân dân vô cùng tin yêu, nên khi xuất hiện những thông tin xấu về tình hình sức khỏe của ông Thanh, dư luận đã lan truyền thông tin rất mạnh mẽ. 

Thậm chí có những nguồn tin nói rằng, ông Thanh bị đầu độc, tuy nhiên, chúng tôi chưa bao giờ xác nhận thông tin này. Hồi ấy, tôi đến “khổ sở” vì suốt ngày báo chí gọi hỏi, rồi lại có những quy định không thể công khai về sức khỏe cán bộ nên chúng tôi không thể thông tin. 

Nhưng trước nhiều thông tin trên các trang mạng không chính thống, chúng tôi đã lần đầu tiên tổ chức buổi họp báo công khai tình hình sức khỏe của cán bộ để dư luận không hoang mang”.

Khi ấy, ông Thanh được chẩn đoán là rối loạn sinh tủy, sau đó được xác định là ung thư máu. Các Giáo sư đầu ngành trong nước đã ngay lập tức tiến hành hội chẩn phác họa phương án điều trị, đưa ông Thanh sang Singapore để dùng thuốc và hóa trị liệu 2 tháng. 

Nhưng do tình hình tiến triển chậm nên gia đình ông Thanh có nguyện vọng đưa ông sang Mỹ để tiếp tục điều trị. “Tại Mỹ, ông Nguyễn Bá Thanh được điều trị trong vòng 4 tháng với phương pháp điều trị từng được giải Nobel thế giới, nhưng phương pháp này chỉ có tỷ lệ thành công cao (70%) khi áp dụng với người dưới 30 tuổi, thành công 60% nếu áp dụng với người dưới 50 tuổi, dưới 60 tuổi thì tỷ lệ thành công là 40%, nhưng trên 60 tuổi như ông Thanh thì tỷ lệ thành công chỉ khoảng 20-30%. Rất tiếc ông Thanh lại nằm trong số không thành công nên sau khi về nước khoảng một tháng thì ông qua đời”, ông Triệu cho biết.

Nguồn: Báo Giao thông

Bình luận
vtcnews.vn