• Zalo

Hậu Brexit: Đong đếm 'lợi, hại' nợ công Việt Nam

Kinh tếChủ Nhật, 03/07/2016 12:55:00 +07:00Google News

Đại diện Bộ Tài Chính cho biết với nợ công Việt Nam, Brexit vừa có lợi, vừa có hại.

Chiều 2/7, ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, hiện tại bảng Anh đã mất giá khoảng 8% kể từ sau Brexit, đồng euro, nhân dân tệ, USD cũng đang cùng xu hướng giảm giá riêng đồng Yen của Nhật Bản lại lên giá.

Với nợ công Việt Nam, Brexit vừa có lợi, vừa có hại.

Brexit vừa có lợi, vừa có hại cho nợ công Việt Nam

Về cơ cấu nợ công của Việt Nam, ông Hiển cho hay, 55% các khoản nợ là tiền Việt Nam, 16% là USD, 13% là Yen, Euro chiếm 7% và còn lại là những đồng tiền khác.

Do đó, theo ông Hiển, bảng Anh chỉ chiếm 2% trong cơ cấu nợ, việc đồng tiền này mất giá 8% thì giúp Việt Nam có lợi. Bên cạnh đó, Euro và USD mất giá cũng giúp Việt Nam có lợi về nợ công. Ngược lại, đồng Yen đang lên giá khiến danh mục nợ Việt Nam có tăng theo. Như vậy, nếu tỉnh chung về nợ công thì có sự bù trừ nên Brexit không tác động lớn tới nợ công Việt Nam.

Nói về công tác quản lý nợ công và nợ quốc gia, sáng 2/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về định hướng huy động và sử dụng nợ công giai đoạn 2016-2020. Đảm bảo chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn, trong phạm vi dự toán. Thường xuyên theo dõi đánh giá mức an toàn nợ công, nợ Chính phủ.

Bộ Tài chính cũng tiếp tục cơ cấu lại nợ trong nước theo theo hướng đa dạng hóa kỳ hạn TPCP, trong đó tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở lên (Kỳ hạn TPCP 6 tháng đầu năm 2016 bình quân là  6,8 năm, lãi suất bình quân khoảng 6,4%/năm). Tăng cường quản lý, giám sát nợ Chính phủ bảo lãnh cũng như  nợ của chính quyền địa phương.

Ông Trần Xuân Hà cho biết,  những tháng còn lại của năm 2016 và các năm sau, Bộ Tài chính sẽ quản lý kiểm soát chặt chẽ nợ công trong giới hạn cho phép. Cụ thể, thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động vốn theo kế hoạch vay nợ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ. Kiểm soát chặt chẽ nợ của chính quyền địa phương; thực hiện cơ chế cho vay lại chính quyền địa phương đối với vốn vay ODA và vay ưu đãi. Xây dựng đề án và triển khai giải pháp tái cơ cấu danh mục nợ công; phương án huy động và trả nợ trong điều kiện Việt Nam tốt nghiệp IDA.

Trung Quốc có thể thay đổi chính sách ngoại hối

Liên quan đến tác động của Brexit đến thị trường ngoại hối, tiền tệ thế giới, báo cáo mới nhất của ngân hàng HSBC phân tích: Quyết định ra đi của Anh góp phần minh chứng tình trạng mất cân bằng cấu trúc ở quốc gia này: thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức 7% GDP trong quý IV.2015 và thâm hụt ngân sách hơn 4% GDP cả năm 2015. Sự bất ổn đáng chú ý nhất liên quan đến những hiệp định thương mại và đầu tư giữa Anh và đối tác kinh tế lớn nhất – EU, chiếm đến hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Anh và khoảng 50% tất cả nguồn FDI Anh nhận được – sẽ khiến vấn đề tài trợ những khoản thâm hụt của Anh gặp nhiều khó khăn hơn. Khi đó, đồng bảng Anh sẽ đóng vai trò cơ chế điều chỉnh.

HSBC hạ mức dự báo tỷ giá GBP/USD và cho rằng cặp tỷ giá này sẽ giảm về 1,25 vào cuối quý III và còn 1,20 vào cuối năm 2016 vì tình trạng bất ổn sẽ vẫn kéo dài đến cuối năm. HSBC cũng nghĩ đồng EUR cũng sẽ chịu tác động tiêu cực. HSBC hạ dự báo tỷ giá EUR/USD vào cuối năm nay từ mức 1,2 xuống 1,1. Tỷ giá EUR/GBP được dự đoán sẽ ở mức 0,92 vào cuối năm 2016 so với mức dự kiến 0,75 trước đây.

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản vẫn đang lưỡng lự giữa việc can thiệp hay đẩy mạnh nới lỏng định lượng (QE). Động thái này sẽ đẩy tỷ giá USD/JPY vào ngưỡng 91 đến 97 trong phạm vi đánh giá Little Mac của HSBC. HSBC dự báo tỷ giá USD/JPY vào cuối năm nay sẽ giảm từ 115 xuống mức 95.

HSBC tin rằng tác động của lá phiếu “rời EU” nhìn chung khá tiêu cực đối với thị trường ngoại hối của những nền kinh tế mới nổi. Tình hình thị trường toàn cầu bất ổn sẽ khiến hầu hết các loại tiền tệ ở những quốc gia mới nổi chịu áp lực nặng nề trong thời điểm hiện tại. HSBC tin rằng tiền tệ ở các nước Trung và Đông Âu CEE  sẽ chịu tác động lớn nhất vì các nước này có quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ với Anh và các nước khác trong khối EU.

Những đơn vị tiền tệ có cân bằng trong hoạt động kinh tế đối ngoại mạnh mẽ hơn vẫn sẽ suy yếu so với đồng USD do tác động xấu tiếp tục lan rộng, nhưng những đồng tiền này sẽ được bù đắp nhờ vào nguồn thặng dư và tình trạng của các đồng tiền này có thể sẽ tốt hơn xét trong tương quan với những nền kinh tế mới nổi.

Đặc biệt, HSBC cho rằng, tình trạng suy yếu của GBP và EUR sẽ khiến Nhân dân tệ (RMB) mạnh hơn so các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ. Đồng RMB vì thế sẽ hạ giá so với đồng USD nhằm cân bằng lại và duy trì trạng thái ổn định cho rổ tiền tệ. Nhiều khả năng chính sách ngoại hối của Trung Quốc sẽ thay đổi khi gặp phải sự gián đoạn ở thị trường tiềm năng.

Nguồn: VOV
Bình luận
vtcnews.vn