• Zalo

Hàng tỷ USD đổ vào chứng khoán: Nhà đầu tư nên ‘biết sợ’

Tài chínhThứ Ba, 09/11/2021 15:05:29 +07:00 Google News
(VTC News) -

Trong bối cảnh chứng khoán lên đỉnh, mỗi ngày có hàng tỷ USD ào ạt chảy vào thị trường, chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư nên thận trọng khi "xuống tiền" lúc này.

Đại dịch COVID-19 dường như không ảnh hưởng đến chứng khoán. Dòng tiền vẫn đang cuồn cuộn đổ vào thị trường mỗi ngày, đưa VN-Index vượt qua hết mốc lịch sử này đến mốc lịch sử khác.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia và nhà giao dịch chuyên nghiệp cho rằng chứng khoán là hàn thử biểu phản ánh mức độ phát triển của nền kinh tế. Trong khi sức khỏe nền kinh tế sa sút mà chứng khoán liên tục “phá đỉnh” không theo quy luật thông thường thì lo nhiều hơn mừng.

Tiềm ẩn rủi ro

Chia sẻ với VTC News, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đang có sự "lệch pha" giữa tốc độ phát triển của thị trường chứng khoán và sức bật của nền kinh tế. Trong khi thị trường chứng khoán tăng rất mạnh, liên tục lập đỉnh mới thì những yếu tố nền tảng, cơ bản của nền kinh tế lại cho thấy cho thấy nền kinh tế đang chưa có lực đẩy cần thiết.

“GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch COVID-19 là một con số rất thấp. Trong khi thị trường chứng khoán lại tăng quá nóng. Tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư nên thận trọng”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Hàng tỷ USD đổ vào chứng khoán: Nhà đầu tư nên ‘biết sợ’ - 1

Hàng tỷ USD đổ vào chứng khoán, nhà đầu tư cần thận trọng. (Ảnh minh họa)

TS Nguyễn Trí Hiếu nói thêm tuy thời điểm này ông chưa thấy “bong bóng thị trường”, nhưng nếu chứng khoán mà tăng theo kiểu này mãi thì có thể sẽ có “bong bóng”. Do đó nếu không có sự kiểm soát tốt sẽ dẫn đến nhiều rủi ro trên thị trường chứng khoán và cả nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, thị trường chứng khoán đang phát triển quá nóng, không thực sự phản ánh đúng sự thịnh vượng của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Theo ông Long, tác động tiêu cực của dịch COVID-19 khiến tăng trưởng GDP của Việt Nam năm qua chỉ đạt mức 2,91%, là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. GDP của 9 tháng đầu năm 2021 cũng chỉ đạt 1,42%. Nhưng thị trường chứng khóan thì ngược lại, liên tục tăng lên các mốc cao mới, với những phiên thanh khoản tỷ USD.

“Tăng trưởng kinh tế chậm lại nhưng dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán thời gian gần đây liên tục tăng mạnh. Chỉ số VN-Index vượt qua hết mốc này đến đỉnh khác. Điều này cho thấy sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán không thực sự phản ánh sự tăng trưởng của nền kinh tế”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Vẫn theo ông Long, thị trường chứng khoán hiện nay không loại trừ có những nhà đầu tư kiểu phong trào. Tuy nhiên nhà đầu tư phải hết sức thận trọng, phân tích kỹ lưỡng và có sự hiểu biết khi quyết định “đánh cổ phiếu”.

“Nhà đầu tư cần hết sức thận trọng, đa dạng hóa các kênh đầu tư, tránh đầu tư theo phong trào. Không nên dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều. Dòng tiền không đổ vào sản xuất rất dễ tạo nguy cơ bong bóng, tăng trưởng giả tạo, không vững chắc. Tất nhiên nói như thế không có nghĩa tất cả mã chứng khoán đều nguy hiểm”, ông Long nhấn mạnh.

Theo TS Cấn Văn Lực, cơn sốt mua bán cổ phiếu trong thời dịch ngày càng lan rộng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do nhà đầu tư có dòng tiền nhàn rỗi muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh. Trong khi lãi suất tiền gửi của gửi ngân hàng hiện ở mức tương đối thấp. Cùng đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều người muốn giao dịch trực tuyến nhiều hơn và kênh môi giới chứng khoán trực tuyến cũng rất phát triển trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, TS. Lực cũng lưu ý nhà đầu tư phải hết sức thận trọng, đa dạng hóa các kênh đầu tư, tránh tâm lý bầy đàn và đầu tư theo phong trào. Mặt khác, không nên dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều, việc vay chỗ này để đầu tư chỗ kia nếu xảy ra rủi ro mất cả hai đầu thì cực kỳ nguy hiểm.

Tài khoản chứng khoán nhiều kỷ lục

Ghi nhận trên HoSE, chốt phiên ngày 8/11, chỉ số VN-Index tăng 11,06 điểm, tương ứng tăng 0,76% lên 1.467,57 điểm và tiếp tục ghi nhận mức đỉnh lịch sử mới. Chỉ số HNX-Index cũng cộng thêm 4,46 điểm, tương ứng 1,04% lên 432,1 điểm.

Quan sát diễn biến thị trường có thể thấy, dù làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhưng VN-Index đã tăng hơn 300 điểm kể từ đầu năm 2021 đến nay. Tính từ thời gian rơi xuống đáy ngày 24/3/2020 (VN-Index xuống mốc 659,21 điểm), đến nay VN-Index đã tăng 778,8 điểm.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục bùng nổ, nhiều nhà đầu tư trong nước tích cực mở tài khoản. Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước tiếp tục hào hứng với thị trường chứng khoán nội địa khi mở mới 129.751 tài khoản trong tháng 10, tăng liên lục so với 3 tháng trước đó.

Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 129.564 tài khoản và 187 tài khoản đến từ nhà đầu tư tổ chức trong nước.

Lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong tháng vừa là con số lớn thứ hai trong lịch sử, chỉ xếp sau mức kỷ lục 140.193 tài khoản được ghi nhận trong tháng 6. Đây là tháng thứ 8 liên tiếp số tài khoản mở mới của cá nhân trong nước duy trì ở mức trên 100.000 đơn vị mỗi tháng.

Lũy kế 10 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới gần 1,09 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số lượng mở mới trong 4 năm trước đó cộng lại. 

Tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 3,8 triệu, tương đương khoảng 4% dân số.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn