Kể từ đầu tháng 7, Nhật Bản hạn chế một số mặt hàng xuất khẩu công nghệ cao sang Hàn Quốc - động thái Seoul cho là trả đũa cho phán quyết của tòa án nước này yêu cầu một nhà sản xuất thép Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân của lao động cưỡng bức thời chiến. Ngày 26/7, Nhật Bản tuyên bố sẽ quyết định vào ngày 2/8 có nên đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách các quốc gia hiện đang được hưởng ưu đãi thương mại hay không.
Hàn Quốc trả đũa với cuộc tẩy chay không chính thức các thương hiệu thời trang, nhà hàng, mỹ phẩm và thậm chí cả bia Nhật. Các phương tiện do Nhật Bản sản xuất trở thành "mục tiêu" mới nhất.
Trong những tuần gần đây, chủ sở hữu xe hơi Nhật Bản, bao gồm Toyota, Honda và Nissan, báo cáo các hành vi phá hoại liên quan đến xe của họ. Một người đàn ông giấu tên lái chiếc ô tô sang trọng của Nhật Bản ở Daegu, cho biết xe của anh ta bị "khủng bố bằng kimchi" sau khi anh phát hiện xe phủ đầy loại thực phẩm lên men này.
Trong khi đó, các chủ xe Nhật khác báo cáo việc tìm thấy vết trầy xước và các hình thức phá hoại khác trên xe của họ. Giữa những phản ứng dữ dội, một số chủ xe thậm chí viết thư xin lỗi trên xe. "Trong tương lai, tôi sẽ không mua ô tô Nhật Bản nữa" - thông điệp trên một xe Lexus viết.
Đoạn video một người đàn ông Hàn Quốc phá phách chiếc xe Nhật Bản của chính mình đã làm mưa làm gió trên các kênh tin tức quốc gia và trên phương tiện truyền thông xã hội. Đoạn clip được quay tại Incheon, cho thấy Song Mo 48 tuổi sử dụng một cây gậy để đập vỡ chiếc Lexus anh ta đã sở hữu trong 8 năm. Song nói với đám đông: "Tôi cảm thấy xấu hổ khi lái một chiếc Lexus. Mọi người - hãy cùng nhau tham gia vào cuộc tẩy chay này."
Đoạn video thu hút nhiều phản ứng trái chiều trên mạng ở Hàn Quốc, một số ca ngợi và cho hành động của Song là yêu nước, trong khi những người khác nói rằng điều đó là phi lý và tự phá hoại.
Cũng có những người cảm thấy hài hước trong tình huống này. Nếu Hyundai tặng cho anh ta một chiếc xe miễn phí, tôi tự hỏi liệu nó có trở thành một hiện tượng quốc gia hay không" - một cư dân mạng viết. Những người khác không thấy việc phá hủy thứ gì đó bạn đã sở hữu là có ý nghĩa. "Bạn có thể sử dụng các sản phẩm bạn đã mua. Điều quan trọng là [tham gia] tẩy chay từ bây giờ", người dùng Twitter viết.
Chủ sở hữu ô tô Nhật Bản tại Hàn Quốc cũng có thể gặp khó khăn hơn khi vận hành phương tiện vì các trạm xăng và cửa hàng sửa chữa ô tô từ chối phục vụ. Trên trang chủ, Hiệp hội Trạm xăng dầu Hàn Quốc mới đây tuyên bố sẽ không bán nhiên liệu cho những người lái ô tô Nhật Bản, trong khi một tổ chức gara ô tô cũng tuyên bố rằng họ sẽ không còn phục vụ các phương tiện này, theo The Guardian.
Ô tô nhập khẩu chiếm khoảng 14% tổng số tại Hàn Quốc năm ngoái, truyền thông địa phương đưa tin, ô tô Nhật Bản chiếm 17,4% doanh số xe nước ngoài.
Bình luận