• Zalo

Hàng loạt cây sưa đỏ ở Hà Nội bị di dời để thi công tuyến Metro

Thời sựThứ Năm, 03/05/2018 19:05:00 +07:00 Google News

Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội lên kế hoạch di chuyển các cây sưa đỏ trên đường Trần Hưng Đạo về chăm sóc tại Công viên Thống Nhất để thi công tuyến Metro.

Liên quan đến việc thi công tuyến đường sắt đô thị số 3 (tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội), ngày 3/5, trả lời VTC News, ông Nguyễn Cao Minh - Trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội cho biết, đơn vị này đã lên kế hoạch di chuyển, chặt hạ cây xanh để chuẩn bị mặt bằng thi công ga ngầm S10 – Cát Linh và S12 – Trần Hưng Đạo tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội.

“Trong quá trình thi công phải di chuyển một số cây xanh vì đây là chương trình chung của toàn dự án. Để có được kế hoạch di chuyển, chặt hạ cây xanh, chúng tôi phải đánh giá, khảo sát rồi xây dựng phương án để báo cáo UBND TP Hà Nội và thẩm qua các Sở theo đúng quy trình, quy định” – ông Minh cho biết.

Video: Cận cảnh tuyến metro chậm tiến độ gần một thập kỷ ở Hà Nội

Theo ông Minh, các cây quý hiếm và những cây có khả năng di chuyển đều được đưa đi nơi khác. Còn các cây bị chặt hạ là những cây không đúng chủng loại của cây đô thị, cây xấu, mối mọt, mục gốc, mục thân…

Trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội cho biết thêm, trong khu vực ga S12 ở đường Trần Hưng Đạo có một số cây sưa đỏ. Đây là loại cây quý hiếm cần được bảo vệ nên đơn vị sẽ lập phương án cụ thể để bảo vệ cây trong khi di chuyển. Sau khi đánh chuyển, những cây sưa này sẽ được đưa về trồng và chăm sóc tại Công viên Thống Nhất.

Để đảm bảo tính chính xác của việc di dời, chặt hạ, đơn vị này sẽ đánh số lên mỗi cây và các cây đều có hồ sơ chi tiết riêng.

Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội được khởi công từ năm 2006 và được xác định đến cuối năm 2010 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội đã lùi tiến độ đến năm 2015, 2017. Sau nhiều lần chậm tiến độ, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết cố gắng phấn đấu đến năm 2021 sẽ hoàn thành.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1,176 tỷ euro (khoảng 33.000 tỷ đồng, theo tỷ giá năm 2013) trong đó vốn vay ODA 899,68 triệu euro (khoảng hơn 25.000 tỷ đồng) từ chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp - AFD, Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng đầu tư châu Âu và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).

Vốn đối ứng trong nước gần 280 triệu euro (khoảng 7.800 tỷ đồng) lấy từ ngân sách thành phố.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại với việc thi công các gói thầu như hiện nay, dự án này khó có thể hoàn thành đúng như tiến độ đề ra.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn