• Zalo

Hàng không Mỹ cầm cự, hàng không Việt nhộn nhịp trở lại

Đầu TưThứ Bảy, 30/05/2020 19:41:04 +07:00 Google News
(VTC News) -

Giám đốc AmCham Adam Sitkoff so sánh trong khi hàng không Mỹ đang vật lộn cầm cự thì hàng không Việt có thể hoạt động trở lại nhờ nỗ lực phòng chống dịch COVID-19.

Nội dung được ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành phòng Thương mại Mỹ (AmCham) chia sẻ tại hội nghị “Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi kinh tế”, tổ chức tại FLC Quy Nhơn ngày 30/5.

“Hàng không Việt có thể hoạt động trở lại là nhờ phản ứng nhanh nhạy của chính phủ Việt Nam, của hàng triệu người dân cùng đoàn kết phòng chống dịch bệnh”,Giám đốc Hiệp hội Thương mại Mỹ nói.

Hàng không Mỹ cầm cự, hàng không Việt nhộn nhịp trở lại - 1

Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành phòng Thương mại Mỹ (AmCham).

Trong khi đó, đề cập đến ngành hàng không Mỹ, ông Sitkoff, cho biết tình hình hiện không mấy khả quan. United Airlines, một hãng hàng không lớn tại Mỹ, trước đây phục vụ 500.000 hành khách một ngày, nhưng hiện tại hãng chỉ có 10.000 khách một ngày, giảm 98%.

Theo Giám đốc điều hành phòng Thương mại Mỹ, các hàng bay của Mỹ vẫn mở chuyến bay nếu khách có nhu cầu nhưng hiện tại, hành khách không có nhu cầu bay. Đến nay, sau 62 ngày kể từ khi Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, lượng khách trung chuyển bằng đường hàng không giảm 90%, thị trường đang khôi phục trở lại nhưng mức độ sụt giảm vẫn là 85-88%, tốc độ hồi phục rất chậm.

"Chúng tôi chưa biết bao giờ ngành hàng không mới khôi phục trở lại. Hiện tại, hành khách vẫn có nhu cầu di chuyển nhưng nhu cầu di chuyển bằng máy bay đã giảm", ông Sitkoff nói.

Theo chuyên gia đến từ AmCham ngành hàng không có thể được coi là quan trọng nhất về kinh tế học. Trên thực tế, nếu ví ngành hàng không như một đất nước, nó có thể được xếp hạng thứ 20 về kích thước theo GDP, cùng hạng với Thụy Sĩ và Argentina.

Tuy nhiên, virus corona đang gây nên rất nhiều những khó khăn, thách thức chưa từng có cho cả các hãng hàng không, các sân bay, và cả các hành khách. Lượng hành khách quốc tế đã bị giảm 10% và tháng 2/2020,  48% vào tháng 3 và 95% vào tháng tiếp theo, chủ yếu liên quan đến sự lưu thông giữa những nước trải qua sự bùng phát sớm của COVID-19.

“Trên thế giới, ngành hàng không hỗ trợ 65,5 triệu việc làm. Một số lao động làm việc trực tiếp cho các hãng hàng không và sân bay, trong khi số khác được hỗ trợ từ hoạt động kinh tế do du lịch hàng không tạo ra”, chuyên gia nói.

Đồng tình với ông Sitkoff, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng việc bầu trời mở cửa trở lại sẽ giúp khơi thông cho ngành du lịch, kinh tế. “Việt Nam phục hồi nhanh nhờ cầu nội địa và cầu thế giới. Chúng ta nhìn lên bầu trời sẽ thấy cầu nội địa phát triển tốt, đây là lợi thế của ngành hàng không. Bầu trời sạch, dịch bệnh sạch rồi, chúng ta chỉ cần kích cầu. Đây là cơ hội lớn của du lịch và hàng không để kích cầu và phát triển trở lại”, ông Nghĩa bình luận.

Tuy nhiên, theo nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, để thực sự phát triển, ngành hàng không cần cạnh tranh lành mạnh. “Nên có sự chia sẻ lợi ích một cách công bằng. Bởi bất cứ tổn thất nào trong ngành đều ảnh hưởng đến nền kinh tế, cần đặt lợi ích quốc gia lên trên thay vì cạnh tranh sát sườn giữa các doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói và cho hay gần đây, ngành hàng không có hiện tượng các doanh nghiệp cạnh tranh chưa lành mạnh, đấu tranh sống còn với nhau.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, các ngành dịch vụ cùng chia sẻ khó khăn với hàng không, đặc biệt là du lịch. Nguyên nhân đây là ngành có tính lan tỏa cao, cần sự kết nối giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp du lịch, lưu trú và hàng không.

“Chính quyền địa phương có nhiệm vụ kết nối với doanh nghiệp để phát triển. Với ngành hàng không, không chỉ có máy bay mà còn có nhiều loại dịch vụ đi kèm vì vậy khi có khó khăn các dịch vụ cùng chia sẻ khó khăn với ngành để hỗ trợ ngành phát triển”, TS Trần Du Lịch nói.

Chia sẽ tại hội nghị, ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam, khẳng định cơ quan nhà nước luôn tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam.

“Quan điểm của Cục Hàng không là tạo điều kiện tối đa cho các hãng hàng không, trừ trường hợp hạn chế về cơ sở hạ tầng. Ví dụ như đường bay Côn Đảo, Cục dự định cho máy bay Airbus của Bamboo Airways khai thác đường bay Hà Nội - Côn Đảo, quay về TP HCM. Hiện, vào một ngày cao điểm có tới 21 chuyến bay giữa TP HCM và Cần Thơ nối Côn Đảo. Tần suất như vậy quá lớn chỉ trong thời gian rất ngắn, trong 4 tuần từ khi hoạt động trở lại”, ông Cường nhấn mạnh.

Đại diện Cục Hàng không cũng khẳng định sẵn sàng chia sẻ với các doanh nghiệp dịch vụ như cảng hàng không, công ty phục vụ mặt đất, cung cấp suất ăn...

Bamboo Airways đẩy mạnh dịch vụ chở hàng hóa

Theo ông Đặng Tất Thắng, CEO của Bamboo Airways, hãng đã đưa ra nhiều phương án thích ứng nhanh khi dịch COVID-19 mới bắt đầu.Cụ thể, dừng các đường bay quốc tế, tập trung vào thị trường nội địa nhằm tạo sự an tâm, tin tưởng cho khách hàng. 

Trong thời gian giãn cách xã hội, hãng cũng nghiên cứu, tính toán để hết thời gian cách ly, triển khai ít nhất 50 chuyến bay một ngày trên tất cả tuyến đường.

"Chúng tôi trở lại mạnh mẽ hơn với các chuyến bay từ Hà Nội tới TP HCM. Riêng TP HCM, chúng tôi có 16 chuyến bay một ngày. Ngoài ra, hãng cũng tăng chuyến bay từ Hà Nội và TP HCM cũng tới các thành phố lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng...", ông nói.

Theo ông Thắng, để kích cầu du lịch, bên cạnh việc đưa ra gói combo nghỉ dưỡng hấp dẫn, Bamboo Airways cũng nghiên cứu ra nhiều sản phẩm bay, trong đó có thẻ bay không giới hạn cho hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại và rất thành công.

Hãng cũng rà soát lại hệ thống, tinh gọn bộ máy nhằm cắt giảm chi phí để nâng cao khả năng cạnh tranh. Qua đợt dịch, Bamboo cũng số hóa tất cả giao dịch với khách hàng với mục tiêu dẫn đầu công nghệ số hóa. Đây cũng là một trong những dịch vụ nhằm mang lại sự tiện ích cho khách hàng. 

Ngoài ra, việc đẩy mạnh khai thác những chuyến bay chở hàng hoá sẽ giảm việc tàu bay nằm đất, đồng thời tối đa hoá nhân lực. Chúng ta có nhu cầu tăng đột biến là nhu cầu chở hàng hoá xuất khẩu như khẩu trang, đồ bảo hộ y tế từ Việt Nam tới các quốc gia.

Hiện Cục Hàng không đã phê duyệt cho Bamboo Airways triển khai các chuyến bay quốc tế tới khắp nơi trên thế giới như Praha, Anh, Pháp... "Hiện nhu cầu shopping online cũng tăng, vì vậy, Bamboo Airways sẽ phát triển những máy bay chuyên dụng chở hàng hoá và cho ra đời Bamboo Airways Cargo", ông Thắng nói,

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn