• Zalo

Hãng hàng không Việt nào đang gặp khó trong vấn đề cấp phép?

Kinh tếThứ Bảy, 21/09/2019 20:34:00 +07:00 Google News

Trong khi Bamboo Airways, Vinpearl Air hay Vietravel Airlines đều thuận lợi trong vấn đề thành lập, cấp phép thì Vietstar Airlines lại đang vướng nhiều lận đận.

Tháng 7/2019, Vietstar Airlines được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận khai thác tàu bay. Đây là hãng hàng không đầu tiên được cấp AOC thương mại cho máy bay phản lực thương gia tại Việt Nam.

AOC là chứng chỉ cơ quan quản lý phê chuẩn cho phép một hãng bay được quyền khai thác máy bay với mục đích thương mại hoặc chỉ khai thác trong phạm vi chứng chỉ nêu. Theo đó, hai loại máy bay được cấp phép là Embraer Legacy 600 và Beechcraft King Air B300.

Embrear Legacy 600 là máy bay phản lực thương gia, với tầm bay thẳng lên đến 8 giờ trong bán kính khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Còn Beechcraft King Air B300 là tàu bay cánh quạt hiện đại, có tốc độ cao, với 8 ghế du lịch.

Cuối năm 2018, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải xem xét cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, hãng này vẫn chưa được Bộ GTVT cấp phép bay. Dù đã có văn bản cầu cứu tới Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn chưa nhận được cái “gật đầu”. Theo cơ quan chức năng, việc hãng này chọn Tân Sơn Nhất làm “thủ phủ” trong khi hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải là giải pháp thiếu hợp lý.

Trả lời VTC News, đại diện Vietstar Airlines cho biết, hãng đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh chỉ còn 10 máy bay từ nay đến 2021, trong đó, chỉ có 5 chiếc đậu tại sân bay Tân Sơn Nhất trong giai đoạn 2018-2020.

Về điểm đỗ cho 5 chiếc máy bay này, Vietstar Airlines cho biết, hiện có 2 hãng bảo dưỡng máy bay thuộc sở hữu của một đơn vị cùng tập đoàn. Điều này cho phép cả 5 máy bay của hãng đậu qua đêm vào thời điểm sân bay thiếu vị trí đỗ, nhường sân đỗ cho các hãng hàng không khác.

Trong khi đó, Bộ GTVT lại cho rằng, phải chờ mở rộng nhà ga T3, Tân Sơn Nhất mới tiến hành cấp phép đối với Vietstar Airlines.

viet-star-airlines

Ông Phạm Trịnh Phương - Chủ tịch của Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi Sao Việt.

Kế hoạch "lùi bay" kèm theo khả năng nhà ga T3, Tân Sơn Nhất chậm hoàn thành khiến Vietstar Airlines lo ngại sẽ làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh doanh của hãng. 

Vietstar Airlines được thành lập từ năm 2010, có trụ sở tại TP.HCM với số vốn điều lệ ban đầu 400 tỷ đồng. Vietstar Airlines có 3 cổ đông là Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi Sao Việt nắm 67% vốn; Công ty Sửa chữa máy bay A41 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân) nắm 25% vốn và Công ty Cổ phần Logistics Ngôi sao Việt nắm 8%.

Ông Phạm Trịnh Phương - Chủ tịch của Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi Sao Việt - cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vietstar Airlines, đồng thời là người đại diện pháp luật.

Vào năm 2015, công ty này đã tăng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng. Đây cũng là con số được công bố rộng rãi trong văn bản thông báo về việc cấp giấy phép cho Vietstar Airlines.

Hãng này đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, đặc biệt là dịch vụ Air taxi bằng các loại máy bay nhỏ dành cho đối tượng khách hàng có nhu cầu nhanh chóng.

Cùng với kinh doanh hàng không dân dụng, công ty còn phục vụ cho bay thăm dò, khảo sát... Vietstar Airlines còn cung cấp các dịch vụ khác như bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, phục vụ mặt đất, phục vụ hàng hóa, cung cấp dịch vụ máy bay chở khách, chở hàng thuê chuyến, môi giới thuê máy bay, đào tạo nguồn lực phục vụ hàng không như phi công, nhân viên kỹ thuật…

Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn 5 năm đầu hoạt động, đội bay của Vietstar sẽ bao gồm 3 chiếc Boeing 737/ Airbus A320. Hãng cũng đã xuất trình được thỏa thuận thuê 3 máy bay Boeing 737 với một công ty cho thuê máy bay.

Phi Linh
Bình luận
vtcnews.vn