• Zalo

Hà Nội khuyến khích nhà thờ, đền chùa rung chuông đêm Giao thừa: Lãnh đạo hội Phật giáo nói gì?

Thời sự Thứ Tư, 04/01/2017 07:41:00 +07:00Google News

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Trưởng ban trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội đã lên tiếng việc Sở văn hóa Hà Nội khuyến khích nhà thờ, đền chùa rung chuông đêm Giao thừa.

Mới đây, Sở Văn hóa Hà Nội có văn bản khuyến khích các nhà thờ, đình, đền chùa rung chuông thời điểm Giao thừa 2017 để thay thế cho việc bắn pháo hoa như mọi năm.

Về vấn đề này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Đại biểu Quốc hội Việt Nam khoá 13, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội đã có những chia sẻ với PV VTC News.

10baonghiem

 Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Đại biểu Quốc hội khóa 13.

- Nếu không có sự khuyến khích từ Sở Văn hóa thì các nhà chùa ở Thủ đô có rung chuông vào thời khắc Giao thừa không, thưa hòa thượng?

Việc rung chuông không có quy định ở trong thiền môn nhưng cũng nhiều nơi thỉnh chuông trong chùa. Cái này không phải là chùa nào cũng làm nhưng đối với chùa của chúng tôi thì vẫn làm từ trước tới bây giờ.

Ở các đình đền khác thì tôi nghĩ rằng Sở Văn hóa có ra hay không ra văn bản này thì giờ sang canh người ta cũng có một khóa lễ để cầu nguyện và mọi người cùng hướng về giờ Giao thừa đó. Nó đã trở thành nề nếp rồi, bây giờ Sở văn hóa ra văn bản nữa khuyến khích rung chuông nữa thì càng tốt.

- Thưa hòa thượng, việc rung chuông vào đêm Giao thừa có ý nghĩa thế nào?

chiem-nguong-ngoi-chua-co-mot-khong-hai-o-hai-phong-6797-14

Sở văn hóa Hà Nội khuyến khích nhà chùa rung chuông đêm giao thừa.  

Thứ nhất, là gióng lên tiếng chuông ngân vang cầu nguyện cho thế giới hòa bình và chúng sinh an lạc. Thứ hai, là để báo hiệu giờ sang canh đã đến. Nó cũng là tâm linh của người ta hướng vào cái thời khắc chuyển giao thiêng liêng của đất trời.

Ở bên đất nước Nhật Bản thì người ta dùng lịch dương lâu rồi, nhưng giờ Giao thừa người ta vẫn thỉnh 108 tiếng chuông. Các chùa ở Việt Nam, Hàn Quốc hay Nhật Bản đều giống nhau, thường gióng 108 tiếng chuông trong đêm giao thừa.

- Là một người dân sống và làm việc tại Thủ đô, hòa thượng có mong chờ sự kiện bắn pháo hoa vào dịp Tết Nguyên đán như mọi năm hay không?

ad2

Hà Nội và nhiều địa phương sẽ không bắn pháo hoa giành kinh phí cho người nghèo và gia đình chính sách.

Người dân cho rằng, việc đốt pháo vào khoảnh khắc đón năm mới rất thiêng liêng vì liên quan đến vấn đề tâm linh. Nhưng vì an toàn cháy nổ nên từ 1995 chúng ta đã không đốt pháo nữa mà chỉ bắn pháo hoa tập trung. Người dân cũng đã quen với việc đó. Thế nhưng, trước tình hình đất nước năm nay, nhân dân miền Trung mới bị lũ lụt, chúng ta muốn chia sẻ những khó khăn nên Chính phủ không bắn pháo hoa.

Đây là thể hiện tinh thần đồng cảm, chia sẻ với những người dân bị lũ lụt, có cuộc sống khó khăn. Nếu bây giờ mình vui mà người khác chưa vui được thì cũng không nên, mình có thể hi sinh vì đồng bào một chút không sao cả. Tôi cho rằng đây là chủ trương chúng ta nên thực hiện bởi nó thể hiện tinh thần tương thân tương ái của dân tộc.

- Có nhiều người vẫn mong muốn được xem bắn pháo hoa vào dịp Giao thừa vì cho rằng đó là nhu cầu văn hóa và cả tâm linh. Vậy, để bù đắp vào việc không được xem bắn pháo hoa, người dân có thể làm gì vào thời khắc ý nghĩa này?

Tôi biết, yêu cầu không bắn pháo hoa cũng có nhiều chiều ý kiến nhưng chúng ta phải lấy cái đại cục, lấy cái tình thương "lá lành đùm lá rách" của dân tộc làm chính. "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ", người ta buồn mình cười thì có nên không? Ở đây, yêu cầu này là nói đến tinh thần chia sẻ.

Không xem pháo hoa, chúng ta dành thời gian hỏi thăm sức khỏe ông bà, cha mẹ, cúng gia tiên và đi lễ chùa... Những người có tâm thật sự sẽ không buồn vì điều này. Pháo hoa đẹp nhất là pháo hoa trong lòng. Con người sống biết sẻ chia với đồng loại sẽ tự có pháo hoa trong lòng mình.

- Xin cảm ơn hòa thượng!

Video: Mãn nhãn màn bắn pháo hoa chào mừng năm mới khắp thế giới năm 2017

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn